09/01/2025

Cần dám nghĩ, dám làm như đã từng nghĩ, từng làm

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM phê bình vì TP.HCM quá nghiêm túc chấp hành Trung ương, có cơ chế đặc biệt nhưng lại chưa dám khai thác hết.

 GÓP Ý DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TP:

Cần dám nghĩ, dám làm như đã từng nghĩ, từng làm

 

 GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM phê bình vì TP.HCM quá nghiêm túc chấp hành Trung ương, có cơ chế đặc biệt nhưng lại chưa dám khai thác hết.



GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, phát biểu tại buổi góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM sáng 14-8 - Ảnh: Quang Định
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, phát biểu tại buổi góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM sáng 14-8 – Ảnh: Quang Định

Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng TP.HCM còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng cũng như những giải pháp để cựa mình, bứt phá đã được mổ xẻ, phân tích tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ TP.HCM góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP diễn ra ngày 14-8.

Chia sẻ rằng mình đã suy nghĩ rất kỹ và trăn trở rất nhiều trước khi góp ý cho TP.HCM, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, đánh giá trong 30 năm đổi mới, TP.HCM cũng làm được rất nhiều. 

Số lượng nhà khoa học không nhiều nhất nhưng thành tựu khoa học công nghệ bước đầu là đi đầu cả nước, mức sống người dân được nâng cao, thu hút được đầu tư nước ngoài.

“Nhưng đó là so với trong nước. Nhìn sang các TP xung quanh trong khu vực thì sự phát triển của mình không lớn lắm đâu” – ông Giao nhìn nhận.

Mong thấy những doanh nghiệp quy mô lớn

Ông Giao đưa dẫn chứng bằng những con số: VN gia nhập ASEAN đã 20 năm nhưng vẫn xếp trong nhóm bốn nước phát triển dưới cùng, cùng với Lào, Campuchia, Myanmar. Năng lực cạnh tranh xếp thứ 70/148 nước.

Về mức độ doanh nghiệp đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực, lấy thang điểm tối đa là 7 trong khi Singapore đầu tư 5,3/7, Lào 4,2/7, Campuchia 4/7 thì Việt Nam chỉ được 3,7/7.

“Có một thực tế ở TP là Sở Khoa học – công nghệ phải khuyến khích, phải thúc ép các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật chứ doanh nghiệp chưa tự mình thấy cần phải làm. Rồi doanh nghiệp kêu phí bôi trơn nhiều quá. Cái này các nước cũng có nhưng ít thôi.

Phòng Thương mại và công nghiệp VN thống kê doanh nghiệp VN để có 1 đồng lợi nhuận phải bỏ ra 1,02 đồng bôi trơn. Nên làm nhiều thì lỗ, vì bôi trơn nhiều hơn lợi nhuận” – ông Giao trăn trở.

Ông cho rằng đó chính là nguyên nhân so với 10 năm trước, quy mô các doanh nghiệp càng ngày càng nhỏ đi, trong khi lẽ ra các doanh nghiệp phải dần phát triển quy mô lớn hơn. Bây giờ, nền kinh tế của ta hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh không cao.

“Tôi muốn Thành ủy TP dù không thể hiện vấn đề này trong văn kiện nhưng cũng phải biết những điều đó để có 
giải pháp” – ông Giao đề nghị.

Góp thêm thông tin về phí bôi trơn, TS Trần Công Hoàng Quốc Trang – chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP – nói vấn đề chung chi là chuyện mà doanh nghiệp có đánh cũng không dám khai.

Ở các tỉnh, doanh nghiệp phải chung chi cho các dự án khoa học công nghệ từ 20-30%, ở TP từ 30-40%. Riêng cấp trung ương hơn 50%. Theo ông Trang, thực tế này gây khó khăn cho phát triển. Chỉ khi minh bạch hoá, đơn giản hoá thủ tục mới giải quyết được.

Thử nghiệm mô hình mới

PGS.TS Phan Minh Tân, nguyên giám đốc Sở Khoa học – công nghệ TP, kể nhiều khi sở mời các doanh nghiệp tới bàn về đổi mới công nghệ nhưng mời 100 thì may ra 10 doanh nghiệp tới thôi. Họ nói có cho họ được cái gì đâu, mất thời gian.

Ông Tân đề xuất phải phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, xem đổi mới sáng tạo là đòn bẩy, trụ cột của nền kinh tế tri thức, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với cái nhìn của một người làm công tác nghiên cứu khoa học nhiều năm, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn – phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP – tâm huyết: Không có nền khoa học công nghệ nào phát triển được khi chỉ dựa vào sự đầu tư của Nhà nước, không có nền công nghiệp nào phát triển bền vững nếu chỉ nhập khẩu từ nước ngoài.

Nếu được, trong năm năm tới, TP nên làm thử mô hình kết hợp giữa nghiên cứu đào tạo ở các trường với sản xuất, đời sống trên địa bàn TP.

Theo ông Sơn, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo phải quyện chặt vào nhau, hàm lượng khoa học công nghệ phải lớn trong giáo dục đào tạo vì sản phẩm của giáo dục 
đào tạo là để phục vụ đất nước.

Quá nghiêm túc chấp hành trung ương

Rất thẳng thắn, PGS.TS Trần Hữu Tá, chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP, nói cho rằng thể chế của trung ương ban hành xuống có lẽ 10 năm, 20 năm nữa cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu. Cho nên, nếu cần thiết TP vẫn cần phải xé rào.

TP.HCM hãy là TP dám nghĩ, dám làm như đã từng nghĩ, từng làm. Ông Tá kể lại câu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ để minh chứng.

Thời điểm đó, Đại tướng đã quyết theo hướng một mặt báo cáo với trung ương, một mặt cho kéo pháo ra. Quyết định như thế, nếu trung ương không đồng ý thì mất chức.

Nhưng Đại tướng đã không nghĩ chuyện mất chức mà nghĩ đến an toàn của quân đội. Bốn sư đoàn tinh nhuệ của ta bảo toàn lực lượng để làm nên chiến thắng.

“Hãy giữ tinh thần dám đột phá. TP đừng ngại, một mặt báo cáo trung ương, một mặt cứ làm mà nếu thấy ngon trớn 
thì làm tiếp” – ông Tá động viên.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Giao nói: “Tôi xin mạn phép phê bình Thành ủy TP là quá nghiêm túc chấp hành trung ương. Cấp dưới phải chấp hành cấp trên là đúng rồi nhưng ở đây lại “quá nghiêm túc”.

Tôi nghĩ TP nếu chủ động hơn thì có thể sẽ khá hơn nữa. Mình có cơ chế đặc biệt nhưng lại chưa dám khai thác hết cái đặc biệt của mình”.

Phát biểu cuối hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải bày tỏ rất cảm kích trước những góp ý tâm huyết, xuất phát từ suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm của những người đặt mình ở vị trí là người trong cuộc để quan sát, xem xét, góp ý cho những người làm công tác lãnh đạo chứ 
không phải đứng ngoài phán xét.

Ông Hải nhìn nhận có những vấn đề TP đề xuất, kiến nghị cũng không vượt qua nổi. Nhưng có những vấn đề trong thẩm quyền TP có thể giải quyết được.

Chẳng hạn như đề xuất của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn về liên kết các nhà để ứng dụng khoa học công nghệ thì thật ra nhiều nước xung quanh họ làm từ thế kỷ trước rồi, TP cũng có nguồn lực, không phải đợi kiến nghị tới trung ương.

“Kiểm điểm lại thấy TP đúng là có những bước phát triển nhưng còn nhiều vấn đề chưa phát huy hết nguồn lực. Nhất là nguồn lực về trí thức” – ông Hải nói. Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày 29-8, tập thể Bộ Chính trị sẽ trực tiếp nghe Ban thường vụ Thành ủy báo cáo.

Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để hoàn chỉnh lại báo cáo chính trị, TP sẽ đưa ra rộng rãi lấy ý kiến người dân, ông Hải cho biết.

Ông VÕ VĂN THƯỞNG (uỷ viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành uỷ):

Yêu cầu cao, kỳ vọng để phát triển thành phố

Về mục tiêu tổng quát là từng bước trở thành một trung tâm kinh tế tài chính, khoa học công nghệ của Đông Nam Á, xung quanh mục tiêu này có rất nhiều cách đặt vấn đề khác nhau.

Có ý kiến cho rằng chỉ nên đặt mục tiêu là “một trong những trung tâm thôi”, chứ nói một trung tâm thì lớn quá.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng TP.HCM trước đây đã được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, tức là cũng tương đương với ASEAN 6, vậy thì đương nhiên là một trung tâm lớn rồi, nên phải khẳng định là trung tâm lớn. Cũng có ý nói “từng bước trở thành” thì chậm quá, phải nói là “sớm trở thành”.

Tựu trung lại, tất cả đều là đặt ra yêu cầu cao, kỳ vọng để xác định sự phát triển TP. Nhưng trong khoa học quản lý cũng đặt ra vấn đề phải kiểm soát được kỳ vọng. Bởi không kiểm soát được kỳ vọng trong quá trình phát triển cũng là một nhược điểm.

 

MAI HƯƠNG – MAI HOA