11/01/2025

Không nhất thiết người có công lớn thì tượng đài to

Ông Nguyễn Sự (ảnh), nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, đã chia sẻ rất thẳng thắn về hiện tượng mà ông gọi là “hội chứng tượng đài” với tư cách một người dân quan tâm tới vấn đề này.

 

Không nhất thiết người có công lớn thì tượng đài to

 

 

Ông Nguyễn Sự (ảnh), nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, đã chia sẻ rất thẳng thắn về hiện tượng mà ông gọi là “hội chứng tượng đài” với tư cách một người dân quan tâm tới vấn đề này.


Cuộc trao đổi của chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện về tượng đài kiến trúc sư Ba Lan Kazik – người đã có công lớn trong việc góp phần bảo tồn, trùng tu di sản Hội An và Mỹ Sơn và đưa hai di sản này ra thế giới – được xây dựng ngay giữa trung tâm phố cổ vào năm 2007, trong thời gian ông Sự làm Bí thư Thành uỷ Hội An.

* Thưa ông, công lao của Kazik đối với Hội An là rất lớn, vì sao bức tượng ông lại khá nhỏ (chỉ cao 2,4 m, ngang 1,85 m) và đặt trong một công viên cũng nhỏ?
– Chúng tôi không chủ trương làm tượng lớn. Tượng Kazik được tạc trên tảng đá lấy từ Mỹ Sơn về để ghi nhận sự gắn bó của ông với nơi này. Kích thước tượng như thế để phù hợp với khuôn viên nhỏ nơi đặt tượng và phù hợp với không gian phố cổ, tạo sự gần gũi với người dân và du khách vì bản thân Kazik cũng rất gần gũi với người dân ở đây.
* Như thế, theo ông không nhất thiết người có công lớn thì tượng phải to?
– Đúng. Điều cốt yếu là tượng đài ấy tạo ra cảm xúc lớn đến đâu nơi người chiêm ngưỡng. Cảm xúc đó nhiều khi không phụ thuộc vào kích cỡ và độ hoành tráng của tượng. Đẹp xấu mỗi người nhìn mỗi kiểu, nhưng nếu tượng đài chỉ là một khối bê tông to lớn mà vô hồn thì không thể tạo ra cảm xúc, trong khi có những cách thức lưu niệm giản dị lại gây xúc động mạnh.
Chẳng hạn bước chân vào nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Kim Liên quê ngoại Bác, dù không có bức tượng nào, nhưng nhìn thấy mấy gian nhà tranh, khung cửi, cái sân đất… lại tự nhiên thấy xúc động ngay. Tượng đài cũng phải làm sao để đi vào lòng người như thế.
Du khách đi dạo trước công viên tượng đài kiến trúc sư Kazik ở Hội An - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh

Du khách đi dạo trước công viên tượng đài kiến trúc sư Kazik ở Hội An – Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh

* Vậy là không phải cứ nhiều tiền mới làm được tượng đài. Nhưng vì sao gần đây cứ nhắc tới tượng đài là người ta nghĩ ngay đến những công trình trăm tỉ, nghìn tỉ đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau ngay từ khi mới còn là đề án?
– Ai cũng ưng tượng đài hoành tráng, và đã hoành tráng, thì chi phí phải lớn. Người ta không phản đối việc xây tượng đài, mà phản đối xây với chi phí quá lớn. Bởi đất nước còn khó khăn, tiền đang cần để làm rất nhiều việc khác.
Do đó trong điều kiện của chúng ta hiện nay hãy làm một tượng đài vừa phải để tôn vinh một danh nhân nào đó. Tôi tin rằng các danh nhân cũng không muốn khi dựng tượng lên có nhiều ý kiến khác nhau về mình, về tượng đài của mình. Chưa kể vấn đề chất lượng công trình, mới làm xong đã xuống cấp, hư hỏng, như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ hay Mẹ VN anh hùng, nên dân phản ứng là đúng. Bỏ tiền ra cho những tượng đài tốn kém, chất lượng không đảm bảo là chúng ta có tội với quá khứ, với hiện tại, với tương lai và với cả những danh nhân được tạc tượng để tôn vinh đó nữa.
* Ngoài vấn đề về quy mô, chi phí, ông có suy nghĩ gì về các công trình tượng đài đã thực hiện?
– Hiện nay, chủ đề của tượng đài cứ lặp đi lặp lại, rất thiếu sáng tạo. Tỉnh A có cái tượng này, qua tỉnh B cũng thấy có tượng giông giống vậy. Tượng đài về đề tài chiến tranh rất nhiều. Đúng, đất nước mình có một thời gian rất dài trải qua chiến tranh, do đó chủ đề chiến tranh được nhắc đến nhiều trong tất cả các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Nhưng đất nước mình đâu chỉ có chiến tranh mà còn có những chủ đề khác về văn hoá, lao động, cái đẹp… nữa chứ!
Công trình tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) sau khi khánh thành (2004) đã phát hiện bị rút ruột 100 tấn đồng - Ảnh: T.L

Công trình tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) sau khi khánh thành (2004)
 đã phát hiện bị rút ruột 100 tấn đồng – Ảnh: T.L

Anh nào bảo tượng đài dựng lên để mang tính tuyên truyền là một sai lầm. Tuyên truyền trong một giai đoạn lịch sử nhất định thôi, còn tượng đài mang ý nghĩa lớn hơn là ý nghĩa lịch sử, văn hoá, giáo dục và ý nghĩa về cái đẹp.
* Vậy theo ông cần làm gì để có những tượng đài đẹp, có ý nghĩa và có cảm xúc?
– Tượng đài danh nhân, tượng đài ghi nhớ công ơn những người có công với đất nước, tượng đài ghi nhớ một sự kiện… không chỉ cần cho bây giờ mà còn cho những thế hệ sau. Một tượng đài không chỉ tồn tại một thế hệ, mà sẽ tồn tại vài ba trăm năm sau. Phải làm sao để sau này con cháu nhìn tượng đài có cảm xúc về thế hệ cha ông. Do đó, khi xây dựng tượng đài phải xác định đây là công trình mang tính lâu dài.
Phải quy hoạch lại vấn đề xây dựng tượng đài, nghiêm túc suy nghĩ lại về vấn đề chủ đề và thẩm mỹ của tượng đài. Phải nhớ tượng đài luôn gắn với không gian công cộng, làm nên vẻ đẹp, nét văn hoá của không gian đó, nên phải tính đến không gian đặt tượng đài cho phù hợp. Nếu chưa tính thấu đáo những vấn đề trên thì khoan hãy làm. Vì làm thì dễ nhưng khi nhận ra tượng đài không đẹp, vô hồn, làm xấu đi cảnh quan thì giải quyết mới khó.
Một đất nước không có tượng đài thì cũng buồn, nhưng cũng đừng tạo ra những tượng đài là những khối bê tông khổng lồ lạnh lẽo, cô đơn, xa cách với người nhìn ngắm.

Phạm Thu Nga 
(thực hiện)