11/01/2025

Triệt phá tội phạm ‘bóng ma’

Giữa tháng 4.2015, tổ công tác đặc biệt của Công an TP.HCM đã lên đường ra miền Trung, phối hợp với công an địa phương đột kích xoá sổ “đại bản doanh” của băng lừa đảo trên internet làm nức lòng người dân cả nước.

 

Vì nước quên thân vì dân phục vụ – Kỳ 3: Triệt phá tội phạm ‘bóng ma’

 

 

Giữa tháng 4.2015, tổ công tác đặc biệt của Công an TP.HCM đã lên đường ra miền Trung, phối hợp với công an địa phương đột kích xoá sổ “đại bản doanh” của băng lừa đảo trên internet làm nức lòng người dân cả nước.


Vì nước quên thân vì dân phục vụ - Kỳ 3: Triệt phá tội phạm 'bóng ma'Di lý băng nhóm Lê Văn Pháp từ Quảng Nam vào TP.HCM phục vụ điều tra – Ảnh: Đàm Huy
Thông qua mạng Zalo hay Facebook, các băng nhóm này gửi hàng loạt tin nhắn trúng thưởng “tri ân khách hàng”, với giải thưởng là xe Liberty 3 Vi 125CC, phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng… và đã lừa được hàng ngàn người nhẹ dạ ở khắp các vùng miền trên toàn quốc.
 
 
Từ đầu năm 2015 đến nay, công an các tỉnh, thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… triệt phá nhiều đường dây lừa đảo qua Zalo, Facebook. Đáng chú ý, các tội phạm này đều ngụ H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngoài Lê Văn Pháp, Phạm Nguyễn Minh Tài và Nguyễn Thị Phương, còn có những “bóng ma” lừa qua thế giới mạng khác bị sa lưới như Võ Quốc Phương, Trần Tấn Vinh, Lê Nho Nhật (cả ba đều 20 tuổi), Trần Hữu Phước, Lê Bản Cường, Lê Văn Sơn (cả ba đều 19 tuổi) và Huỳnh Quốc Quân (18 tuổi)…
 

Thủ đoạn của bọn chúng là, để nhận thưởng, nạn nhân phải mở tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào cho bọn chúng để thanh toán các loại phí làm hồ sơ gốc, phí thuế trước bạ xe, phí vận chuyển, phí bàn giao giải thưởng… Sau khi chuyển hàng chục triệu đồng, nạn nhân mới ngã ngửa biết mình bị lừa thì đã quá muộn màng.

Vùng trũng của tội phạm công nghệ cao
Theo tài liệu hồ sơ của công an, hầu hết các ông “trùm” lừa Zalo, Facebook lưu trú ở H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Trong đó có không ít ông “trùm” dùng tiền lừa được mua một lần 6 chiếc Honda SH hoặc xây nhà lớn… Nơi đây được ví như vùng trũng của tội phạm công nghệ cao, đồng thời là “lò” đào tạo “kỹ sư công nghệ thông tin” siêu lừa qua mạng. Mặc dù cơ quan công an nhiều tỉnh, thành bước đầu đã xác định được manh mối các băng nhóm lừa đảo này nhưng công tác thu thập chứng cứ để triệt phá gặp không ít khó khăn.
“Qua làm việc với người đại diện của mạng Zalo, họ khẳng định mạng này không có tổ chức chương trình trúng thưởng nào cả cho nên người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa này. Bọn tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nên khó xác định được tung tích, danh tính của chúng. Chúng có thể ở VN nhưng cũng có thể ở nước ngoài. Bọn chúng không xuất đầu lộ diện trực tiếp nhận tiền của nạn nhân mà thông qua tài khoản cá nhân nên tội phạm này được ví như “bóng ma”. Chỉ cần một người bị bắt, đồng bọn nhấp chuột thông báo trên mạng internet là các băng nhóm lừa khác đều biết và tìm cách đối phó, xoá tang chứng vật chứng, bỏ trốn… gây khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt. Cho nên, mặc dù số tiền chiếm đoạt từ trò lừa Zalo, Facebook không lớn bằng lừa qua điện thoại nhưng mỗi khi phá án mất khá nhiều công sức”, trung tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng Đội 8 – Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM chia sẻ.
Cuối năm 2014, qua điều tra, công an một huyện của TP.HCM xác định Lê Văn Pháp (25 tuổi, ngụ H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là nghi can lừa qua Zalo chiếm đoạt tiền của một nạn nhân ngụ TP.HCM. Nhưng do không đủ chứng cứ, cơ quan công an cũng chỉ mời Pháp lên trụ sở công an răn đe giáo dục. Cũng chính vì vậy, nhiều băng nhóm lừa qua Zalo ngày càng lộng hành. Trước tình hình này, Ban Giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo Đội 8 (PC46) vào cuộc điều tra khám phá.
Lần theo dấu vết “bóng ma”
Với kinh nghiệm triệt phá băng nhóm người nước ngoài lừa qua điện thoại, Đội 8 đã nhanh chóng lần ra “dấu vết” và triệt phá các băng nhóm lừa qua Zalo, Facebook. Bằng biện pháp nghiệp vụ, ngày 14.4, Đội 8 đã bắt khẩn cấp Lê Văn Pháp cùng Phạm Nguyễn Minh Tài (21 tuổi), Nguyễn Thị Phương (19 tuổi, cả hai đều ngụ H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Tại trụ sở công an, với đầy đủ chứng cứ thuyết phục, băng lừa đảo này đã cúi đầu nhận tội và thừa nhận chiếm đoạt của nạn nhân hàng trăm triệu đồng. Lê Văn Pháp còn khai nhận sau khi được công an mời lên răn đe, y cùng đồng phạm sợ bị bắt nên rút lên tỉnh Bình Phước lẩn tránh một thời gian. Sau đó thấy im ắng nên quay về quê lại tiếp tục gây án. Theo lời khai của Pháp, gần “đại bản doanh” của y có cả trăm người lập tài khoản Zalo lừa trúng thưởng nên khi trinh sát của Đội 8 đột nhập vào sào huyệt này đã gây rúng động giới lừa Zalo, Facebook ở đây, nhiều tiệm internet vắng khách hoặc đóng cửa.
“Lúc đầu chúng tôi dùng biện pháp nghiệp vụ truy lùng thủ phạm từ đầu mối số điện thoại, mạng internet để khoanh vùng xác định đối tượng nhưng không dám bắt vì không đầy đủ chứng cứ. Chính vì vậy, điều tra viên tìm hướng điều tra khác liên quan đến việc chuyển tiền”, một cán bộ PC46 chia sẻ.
“Đặc biệt khó nhất là xác định chứng cứ nghi can chiếm đoạt tiền của nạn nhân và chiếm đoạt bao nhiêu tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên do điều tra viên của đội đã từng tham gia trực tiếp triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm người Đài Loan qua VN gây án bằng thủ đoạn gọi điện thoại dọa người dân, buộc chuyển tiền vào tài khoản, rồi rút tiền chiếm đoạt nên có kinh nghiệm. Đặc điểm chung của 2 loại tội phạm này là đều chuyển tiền qua tài khoản để chiếm đoạt. Kinh nghiệm này, Công an TP.HCM chia sẻ cho công an một số tỉnh, thành khác phá án nên thời gian gần đây không ít băng lừa qua Zalo ở H.Duy Xuyên lần lượt bị sa lưới và đến nay số nạn nhân bị sập bẫy được kéo giảm đáng kể”, vị cán bộ trên kể.

Đàm Huy