11/01/2025

Xây dựng TP.HCM thành nơi có chất lượng sống tốt

Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận, tìm hướng để đạt được mục tiêu tại Hội nghị lần thứ 25 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá IX 
ngày 10-8.

 

Xây dựng TP.HCM thành nơi có chất lượng sống tốt

 

 Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận, tìm hướng để đạt được mục tiêu tại Hội nghị lần thứ 25 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá IX 
ngày 10-8.


 

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu tại hội nghị - Ảnh: Viễn Sự
Uỷ  viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu tại hội nghị – Ảnh: Viễn Sự

Dành phần lớn thời gian thảo luận, đóng góp cho dự thảo (lần 5) báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM, các đại biểu đều thống nhất phải đưa TP.HCM trở thành một TP sống tốt, thành nơi đáng sống.

Điều đó được thể hiện rõ trong dự thảo báo cáo chính trị khi ngoài sáu chương trình đột phá của nhiệm kỳ IX vẫn tiếp tục được thực hiện thì có thêm chương trình đột phá mới về chỉnh trang đô thị với nhiều mục tiêu bao gồm việc tổ chức lại dân cư, tái bố trí nhà trên và ven kênh rạch, tạo điều kiện chất lượng sống tốt hơn, để người dân tiếp cận các dịch vụ công, có đất phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân, cải tạo các khu chung cư cũ…

Giàu có nhưng phải đáng sống

Cụm từ “xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” trong dự thảo báo cáo chính trị là một mục tiêu mà theo ông Võ Văn Thưởng – ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đã tiệm cận với những “thước đo có tính chất quốc tế”.

Đó là mục tiêu để mỗi người dân ở TP đều cảm thấy cuộc sống của mình thật sự chất lượng.

Theo ông Thưởng, trên thế giới có nhiều TP giàu có, hiện đại nhưng không phải TP nào cũng đều có cuộc sống tốt. “Ví dụ như Singapore là một TP sống tốt. Việt Nam có Hà Nội và TP.HCM được xếp hạng trong các TP sống tốt, nhưng chỉ trong khoảng 
137 – 145 thế giới” – ông Võ Văn Thưởng thông tin.

Tuy nhiên, ông Thưởng thừa nhận thực hiện mục tiêu này không dễ dàng, nhất là công tác dự báo phải thật chính xác khi đất nước sẽ hội nhập sâu rộng với thế giới mà TP.HCM là đầu mối hội nhập. “Bài học nhiệm kỳ trước, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào tháng 1-2011 đánh giá tình hình kinh tế rất lạc quan nhưng ba tháng sau đã thay đổi. Hoặc năm 2014 tình hình Biển Đông cũng có những tác động đến kinh tế – xã hội” – ông Thưởng nói.

Những chương trình mới được đặt ra để đưa TP.HCM trở thành một TP sống tốt đều được sự nhất trí cao của các đại biểu. Ông Nguyễn Hữu Tín – phó chủ tịch UBND TP – góp ý nên sử dụng thuật ngữ “phát triển đô thị bền vững theo quy hoạch” thay cụm từ “chỉnh trang đô thị”.

Bởi một TP hiện đại là TP có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đảm bảo theo quy hoạch. Gợi mở thêm vấn đề, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – phó bí thư Thành uỷ, chủ tịch HĐND TP – cho rằng những chương trình mới chỉ nói đến vai trò của quản lý nhà nước, đầu tư chứ chưa nói đến vai trò của người dân.

“Ý thức của người dân khi sống trong một đô thị phát triển, văn minh là phải như thế nào? Liệu có cần thêm một yếu tố nữa trong chương trình này là ý thức xây dựng đô thị của người dân hay không?” – bà Tâm đặt vấn đề.

Một chi tiết khá thú vị khi các đại biểu đã dành nhiều thời gian tranh luận về hai chữ “nghĩa tình” trong dự thảo báo cáo chính trị. Ông Nguyễn Hữu Nhân – chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ – cho rằng: “Nói TP nghĩa tình là để người ta nói, chứ mình tự nói mình nghĩa tình thì thấy… sao sao đó”.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cũng nhận xét nghĩa tình đã là câu chuyện bấy lâu nay được nhắc đến trong tất cả chương trình của TP.

Nhưng đây là một mục tiêu khá chung chung, nên đưa thành một chương trình riêng chứ không nên để ở chủ đề đại hội. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng sự phát triển của TP sẽ không được như ngày nay nếu không có sự chung tay nghĩa tình của người dân.

Bà Thân Thị Thư – trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ – đề nghị giữ lại chữ “nghĩa tình” trong dự thảo bởi “có những chương trình rất ý nghĩa của TP không chỉ giới hạn trong phạm vi trong nước mà còn cả nước ngoài… Chủ đề này đặt ra là định hướng để TP tiếp tục phấn đấu xây dựng một cuộc sống nghĩa tình như vậy” – bà Thư nói.

Nhà khoa học phải tiếp cận doanh nghiệp

“Cần phải thay đổi quan điểm về đầu tư cho khoa học – công nghệ. Ở các nước tiên tiến, đầu tư khoa học – công nghệ thì nhà nước đầu tư một đồng, xã hội bỏ ra ba, bốn đồng, thậm chí năm đồng. Còn chúng ta chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước và nếu Nhà nước bỏ ra một đồng thì xã hội và doanh nghiệp bỏ ra chưa tới một đồng. Một vấn đề nữa là làm sao đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. TP xác định là trung tâm khoa học – công nghệ thì phải rút ra vấn đề này như thế nào?” – ông Võ Văn Thưởng đặt vấn đề thảo luận và được các đại biểu tán đồng.

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đề nghị đưa thêm chỉ tiêu thứ 15 về nâng cao đầu tư cho khoa học – công nghệ bên cạnh 14 chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong báo cáo chính trị. Theo ông Thuận, trong cơ cấu kinh tế sắp tới TP cũng xác định hướng phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ là chủ yếu và chính việc đầu tư đổi mới trang thiết bị sẽ nâng cao được chất lượng dịch vụ.

Bàn giải pháp cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nói bài học kinh nghiệm của hầu hết các nước trên thế giới là phát triển khoa học ứng dụng với mối liên kết nhà khoa học – nhà nước – doanh nghiệp.

Theo ông Tín, cần phải bàn cái gốc của vấn đề là cơ chế nào để nhà khoa học tiếp cận được doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ là nơi làm ra những sản phẩm đó, áp dụng tiến bộ đó vào sản xuất. Đó chính là lý do vì sao ở nhiều nước, tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học – công nghệ gấp 3 – 4 lần ngân sách nhà nước.

“Làm sao trong nhiệm kỳ tới trung ương chưa có nhưng TP cứ kiến nghị để có cơ chế này. Khuyến khích, đặt hàng cho doanh nghiệp, nhà khoa học các sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu thị trường” – ông Nguyễn Hữu Tín đề nghị.

Ý kiến thiểu số cũng rất 
quan trọng

Kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Hải – uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Thành uỷ TP.HCM – đánh giá cao những góp ý rất tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các đại biểu.

“Việc góp ý này là hết sức cần thiết, Ban thường vụ Thành uỷ sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện để báo cáo Bộ Chính trị. Trong quá trình chuẩn bị đại hội, ngoài những nội dung mà Bộ Chính trị đã cho ý kiến, những vấn đề khác còn có ý kiến khác nhau thì vẫn tiếp tục thảo luận. Bởi có những ý kiến dù là thiểu số nhưng lại rất quan trọng” – ông Lê Thanh Hải nói.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết theo kế hoạch, Thành uỷ đã tổ chức năm cuộc lấy ý kiến các cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu trên địa bàn TP, các đoàn thể chính trị xã hội, đại biểu HĐND TP, đại biểu Mặt trận Tổ quốc VN TP, các bộ ngành trung ương.

Trong đó, các vị lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu trên địa bàn TP đóng góp những ý kiến rất tâm huyết, phân tích rất sâu sắc về các vấn đề.

“Ban thường vụ Thành uỷ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị. Cuối tháng 8-2015, Bộ Chính trị sẽ nghe Ban thường vụ Thành uỷ báo cáo phần chuẩn bị văn kiện, phương án nhân sự trình đại hội” – ông Lê Thanh Hải thông tin.

 

VIỄN SỰ – MAI HOA