11/01/2025

Đến hẹn lại… học ca 3

Tháng 8, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) chiêu sinh lớp 1 nhưng ngành giáo dục cho biết năm học này học sinh tiếp tục phải học ca 3.

 

Đến hẹn lại… học ca 3

 

Tháng 8, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) chiêu sinh lớp 1 nhưng ngành giáo dục cho biết năm học này học sinh tiếp tục phải học ca 3.



Một lớp học ca 3 ở địa bàn phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) - Ảnh: A.Lộc
Một lớp học ca 3 ở địa bàn phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) – Ảnh: A.Lộc

Theo Phòng GD-ĐT TP Biên Hoà, năm học 2015 – 2016 bậc tiểu học dự kiến có 58 lớp phải học ca 3. Trong đó Trường tiểu học (TH) Trảng Dài đông nhất, dự kiến toàn trường có 27 lớp, Trường TH An Hòa có 14 lớp, Trường TH Tam Phước 2 có tám lớp, Trường TH Phước Tân có năm lớp, Trường TH Nguyễn Chí Thanh có bốn lớp.

Bên cạnh đó còn có 11 lớp học ở ba trường TH An Bình, TH Phan Đình Phùng và TH Phan Bội Châu cũng đứng trước áp lực phải học ca 3 khi trường này đề xuất sử dụng phòng hội đồng để làm phòng học. Theo Phòng GD-ĐT, điều này dẫn đến công tác sinh hoạt chuyên môn của các trường gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, sĩ số học sinh trên mỗi lớp quá cao sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Phòng cũng thực hiện xã hội hoá giáo dục, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách với Nhà nước. Nhưng toàn thành phố mới có chín trường tư thục ở nhiều cấp, trong khi nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều. Nếu nói ở đâu trường tư thục không sống được chứ ở Biên Hoà thì sống tốt !

Ông BÙI VĂN PHƯỢNG (phó Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa)

Xây mới chỉ… nhỏ giọt

Theo Phòng GD-ĐT TP Biên Hoà, trong năm học 2015 – 2016 bậc TH toàn thành phố dự kiến có tổng cộng 1.988 lớp, tăng 107 lớp, trong đó trường công lập có 1.898 lớp, tăng 96 lớp so với năm học 2014 – 2015. Số học sinh dự kiến gần 84.000 em, tăng trên 4.700 em so với năm học trước, trong đó trường công lập có 80.754 em, tăng 4.371 em so với năm học trước.

Một hiệu trưởng trường TH cho hay tình trạng học sinh quá tải, phải học ca 3 tại các địa bàn có nhiều người dân nhập cư, đông công nhân vẫn diễn ra trong nhiều năm. Chính quyền địa phương có xây mới trường học nhưng chỉ “nhỏ giọt” nên không thể đáp ứng nổi. Trong khi đó hiệu trưởng, giáo viên phải căng sức với tình trạng trên nên “đừng trách về chất lượng giáo dục”…

Ông Bùi Văn Phượng – phó Phòng GD-ĐT TP Biên Hoà- cũng cho biết trong những năm gần đây, mỗi năm thành phố tăng thêm khoảng 4.000 học sinh tiểu học và khoảng 3.000 học sinh THCS. Trong khi đó, số trường công và phòng học không được đầu tư kịp thời khiến tình trạng “nhiều học sinh phải tiếp tục học ca 3 năm nay”.

Theo ông Phượng, trước mắt các trường THCS còn có thể “căng sức” để học sinh không phải học ca 3, nhưng nếu trong một hai năm tới không xây dựng thêm trường lớp tương ứng với tình trạng học sinh vẫn tăng mạnh như hiện nay thì không loại trừ khả năng sẽ có lớp học ca 3 ở bậc THCS.

Muốn tránh ca 3, 
phải vượt chuẩn của bộ

Cũng theo Phòng GD-ĐT, ngoài các lớp ca 3, nhiều trường học cũng bị quá tải phải thực hiện dồn học sinh để không phải học ca 3 như các trường TH Trịnh Hoài Đức, Quang Vinh, Hà Huy Giáp, Lý Thường Kiệt… với số học sinh bình quân từ 45 – 59 em trong mỗi lớp học, cao hơn nhiều so với con số 35 học sinh/lớp học do Bộ GD-ĐT đưa ra.

Đơn cử, trong năm học 2015 – 2016 Trường TH Trịnh Hoài Đức dự kiến có 48 lớp học nhưng phải đón 2.836 học sinh, bình quân mỗi lớp học có 59 học sinh. Trường TH Quang Vinh dự kiến tiếp nhận khoảng 1.673 học sinh nhưng chỉ có 30 lớp học, bình quân 56 học sinh/lớp.

Lý giải về tình trạng thiếu trường thiếu lớp tiếp tục diễn ra, Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa cho biết thành phố hiện có 20 dự án (10 trường tiểu học và 10 trường THCS) sửa chữa, xây dựng trường lớp mới để giải quyết tình trạng học sinh đầu cấp gia tăng hằng năm, xóa lớp học ca 3…

Nhưng một trong những vướng mắc lớn nhất là vấn đề kinh phí. Mỗi năm thành phố Biên Hòa dành gần 200 tỉ đồng tiền ngân sách cho xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, số tiền trên quá “eo hẹp” so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Phượng, Luật đất đai mới quy định đất quy hoạch cho xây dựng trường lớp mới hiện nay phải đền bù giải toả, trong khi giá đất mới hiện rất cao nên nhiều nơi tiền đền bù giải toả chiếm hết 50% kinh phí xây dựng một ngôi trường mới. Vì vậy, Phòng GD-ĐT Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ thêm nguồn vốn để xây dựng trường lớp ngoài nguồn vốn được giao theo kế hoạch hằng năm, thu hồi các dự án hoạt động thiếu hiệu quả để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất cho ngành giáo dục ở các địa phương có nhu cầu cấp thiết.

Dồn lớp ở cấp trung học cơ sở

Theo Phòng GD-ĐT Biên Hòa, đối với cấp THCS hiện không có lớp học ca 3 nào. Nhưng với khoảng 3.000 học sinh tăng lên so với năm học trước thì năm học này một số trường buộc phải dồn học sinh khiến sĩ số các lớp học tăng cao.

Dự kiến, sĩ số bình quân của mỗi lớp học tại Trường THCS Lê Quang Định có 50,2 em, Hoàng Diệu có 51 em/lớp, Lê Lợi 50,5 em/lớp, Quyết Thắng 47 em/lớp, THCS Trảng Dài 56 em/lớp, Trần Hưng Đạo 49,5 em/lớp, Phước Tân 1 46,3 em/lớp, Long Bình 48 em/lớp, Hòa Bình 47 em/lớp, Tam Phước 46 em/lớp.

Trong đó hai trường Long Bình và Phước Tân 1 đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng sĩ số mỗi lớp học vượt quá quy định!

 

HÀ MI – A LỘC