11/01/2025

Chơi flycam phải xin phép

Trong khi phong trào chơi flycam tại VN đang ngày càng phổ biến thì Bộ Quốc phòng đã có công văn yêu cầu tăng cường quản lý, cấp phép quản lý đối với các loại máy bay không người lái, máy bay siêu nhẹ.

 

Chơi flycam phải xin phép

 

Trong khi phong trào chơi flycam tại VN đang ngày càng phổ biến thì Bộ Quốc phòng đã có công văn yêu cầu tăng cường quản lý, cấp phép quản lý đối với các loại máy bay không người lái, máy bay siêu nhẹ.



Flycam được sử dụng để quay phim tại một lễ hội ở Bình Thuận - Ảnh: T.T.D.
Flycam được sử dụng để quay phim tại một lễ hội ở Bình Thuận – Ảnh: T.T.D.

Quy định này khiến cộng đồng chơi flycam VN ít nhiều bất ngờ vì lâu nay họ gần như không biết rằng muốn sử dụng loại phương tiện này phải tuân theo quy định của Chính phủ.

Công văn của Bộ Quốc phòng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc quyền nắm, hiểu và thực hiện đúng quy định tại nghị định số 36 của Chính phủ.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải thực hiện xin phép bay và chỉ được tổ chức bay khi đã được cấp phép.

Kkhi có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu, thiết kế sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Rất phổ biến

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Minh Tân – uỷ viên thường vụ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM – khẳng định phong trào chơi flycam (thiết bị không người lái dùng để ghi hình, quay phim từ trên không) ở TP.HCM nói riêng và VN nói chung đang rất phát triển.

Bản thân ông Tân cũng đã dùng flycam trong mấy năm qua và vừa mua một flycam Phantom 3 mới với giá khoảng 25 triệu đồng để phục vụ các lần chụp ảnh của mình.

Ông Tân cho biết số lượng thành viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh chơi flycam chưa nhiều nhưng tỉ lệ các nhà nhiếp ảnh, dân chơi máy ảnh đang sở hữu flycam là rất phổ biến.

Theo ông Tân, giá flycam hiện dao động từ vài trăm USD cho đến hơn 1.000 USD nên khả năng tiếp cận các thiết bị bay này không quá khó với dân chơi nhiếp ảnh.

Flycam đang tạo ra những góc ảnh mới, đẹp và hấp dẫn dân chụp và chơi ảnh kể cả chuyên nghiệp và không chuyên. Với nhiều người như phượt thủ Phạm Quang Vinh (Hà Nội), flycam là thứ không thể thiếu trong những chuyến đi của mình.

Trên mạng xã hội, những tấm ảnh và các đoạn phim được chụp từ flycam luôn được rất nhiều “like” (bình chọn thích) vì hiệu ứng mới do flycam mang lại cho người xem.

Nhà sản xuất chương trình Good Morning America của kênh truyền hình ABC (Mỹ) Maria Stefanopoulos thừa nhận chính góc quay đặc biệt bằng flycam trong hang Sơn Đoòng mà nhà nhiếp ảnh Ryan Dedoodt thực hiện đã khiến bà bỏ kế hoạch quay chương trình này ở Chile.

Cũng chính bằng flycam mà các đoạn phim quay đường hoa Nguyễn Huệ, quốc kỳ VN tại cột cờ Lũng Cú, cầu Nhật Tân, toàn cảnh TP.HCM… cũng đã tạo những hiệu ứng nhất định nơi người xem cũng như cộng đồng mạng.

Nhóm bạn trẻ chơi flycam ở một khu đất trống tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: Quốc Sự
Nhóm bạn trẻ chơi flycam ở một khu đất trống tại quận 7, TP.HCM – Ảnh: Quốc Sự

Phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng không

Chiều 10-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Vũ Văn Hiển (chánh văn phòng Bộ Quốc phòng) cho biết quản lý lĩnh vực nêu trên đã được quy định tại nghị định 36 năm 2008 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 79 năm 2011 – PV), văn bản của Bộ Quốc phòng không đưa ra quy định mới.

Văn bản này chỉ cập nhật tình hình và đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phối hợp thực hiện nhằm tăng cường sự hiểu biết và thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý hoạt động bay, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không chung và trật tự trị an xã hội trên phạm vi cả nước.

Theo nghị định 36, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức các hoạt động bay.

Cục Tác chiến – Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN được giao thẩm quyền cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.

Công văn của Bộ Quốc phòng cho biết ngày 31-5 và 21-6 tại Hà Nội, lữ đoàn 144 Bộ Tổng tham mưu đã phát hiện, ngăn chặn hai trường hợp thiết bị bay, flycam bay trong khu vực cấm bay ở Hà Nội. Cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đã lập biên bản, thu giữ các phương tiện này.

Văn bản cũng cho biết qua theo dõi của các cơ quan chức năng và phản ảnh của quần chúng, hiện đang tồn tại những nơi tổ chức bay không có phép như công viên Thống Nhất, Xuân Đỉnh (Hà Nội), khu Cát Lái (Q.2), khu cầu Đỏ (Q.7), Đông Hưng Thuận (Q.12), khu cầu An Hạ (Củ Chi), khu vực Đồng Nghệ (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng), Khu công nghiệp Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), khu phố Thống Nhất (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương)…

Theo Bộ Quốc phòng, các hoạt động bay này tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho những hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, nhất là vào các dịp cao điểm, lễ, tết.

Nên cấm bay ở khu đông dân cư

Một người chơi flycam tự do đã nhiều năm cho biết khi mua những thiết bị này của các nhà sản xuất chính hãng, người mua đều phải đăng ký trên mạng của nhà cung cấp dịch vụ.

Người mua sử dụng thiết bị, bay ở giờ nào, bay bao nhiêu phút, bay ở đâu thì đều được báo về cho nhà sản xuất.

“Tất cả thiết bị này đều có serial và logview, kể cả khi khởi động thiết bị nhưng không bay, khi bắt được sóng GPS thì đều hiện lên trên trang của nhà sản xuất.

Nhà sản xuất có thể biết rõ từng thiết bị mà họ cung cấp có tổng thời gian bay bao nhiêu, ai là người sử dụng, đã bay ở những vùng nào, mỗi lần bay bao nhiêu, độ cao bao nhiêu và có sơ đồ chụp lại hành trình bay của thiết bị.

Trên sơ đồ của nhà sản xuất cũng có ghi những vùng cấm bay để người sử dụng được biết” – người chơi này nói.

Tuy nhiên, người chơi này cũng cho biết dù từ khi sử dụng flycam, anh đã đọc và biết về nghị định 36 của Chính phủ “về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”, nhưng chưa thấy có cơ quan có thẩm quyền nào thông báo là khi sử dụng thiết bị này thì phải đăng ký, xin phép bay.

Dù là người chơi flycam, nhưng tôi tán thành cấm bay trong thành phố, những nơi đông người, khu dân cư, nếu không may bị rơi sẽ gây nguy hiểm cho mọi người hoặc gây nguy hại cho an ninh, quốc phòng.

Bởi những thiết bị này nếu mua nguyên chiếc chính hãng của nhà sản xuất thì rất an toàn về mặt kỹ thuật. Nhưng những lỗi bị rơi hầu hết đều do người sử dụng chưa được học cách sử dụng hoặc chưa có ý thức.

VŨ VIẾT TUÂN

Chơi có nơi có chỗ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nhiếp ảnh Ryan Dedoodt cho biết ở một số nơi ông từng sinh sống và làm việc cũng có quy định riêng về việc dùng flycam.

Theo đó tại Bắc Kinh, nơi Ryan đang sống, tuyệt đối không được sử dụng flycam, người dân muốn sử dụng có thể ra ngoài thiên nhiên, đồng ruộng, tại các khu vực trống trải, không có các tòa nhà và người qua lại.

Theo Ryan, ở Mỹ nếu dùng cho mục đích cá nhân thì tuyệt đối không được sử dụng gần khu vực sân bay, công viên quốc gia… còn dùng cho mục đích thương mại (kiếm tiền từ việc dùng flycam) thì bắt buộc phải có giấy phép của Cục Hàng không liên bang (Federal Aviation Administration – FAA), phải mua bảo hiểm.

Theo đó việc sử dụng flycam chỉ được dùng ở khoảng cách 500m với người điều khiển và ở độ cao dưới 122m. Không được bay tại những nơi đông người (không được bay xung quanh, bay trên đầu), không được bay trong bán kính khoảng 8km gần khu vực sân bay.

Khi mua flycam người chơi cũng được cung cấp bản đồ các khu vực cấm sử dụng thiết bị bay. Buộc phải tập trung khi sử dụng, để flycam nằm trong tầm mắt quan sát.

Ở Mỹ có trên dưới 300 công ty, tổ chức được phép dùng flycam trong đó phần lớn là các hãng phim, các công ty nhiếp ảnh và đài truyền hình…

L.NAM

 

LÊ NAM – VÕ VĂN THÀNH