11/01/2025

Nhà hát bỏ không, sân khấu long đong tìm đất diễn

Trong khi một số nhà hát tiền tỉ tại TP.HCM, Vĩnh Phúc và Hà Nội vừa xây xong phải đóng cửa… chờ sửa, hoặc có vị trí đẹp lại bỏ không cho xuống cấp, thì nhiều đơn vị nghệ thuật phải đi thuê mướn tạm bợ để có “đất” diễn.

 

Nhà hát bỏ không, sân khấu long đong tìm đất diễn

 

 

Trong khi một số nhà hát tiền tỉ tại TP.HCM, Vĩnh Phúc và Hà Nội vừa xây xong phải đóng cửa… chờ sửa, hoặc có vị trí đẹp lại bỏ không cho xuống cấp, thì nhiều đơn vị nghệ thuật phải đi thuê mướn tạm bợ để có “đất” diễn.


Nhà hát bỏ không, sân khấu long đong tìm đất diễnNhà hát tại H.Đan Phượng (Hà Nội) được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng bỏ hoang – Ảnh: Ngọc Thắng
Chiều 7.8, mặc dù là ngày cuối tuần nhưng rạp Thủ Đô (đường Châu Văn Liêm, Q.5, TP.HCM) vẫn đóng cửa. Hỏi thăm muốn mua vé để xem cải lương ở đây, chị bán nước trước rạp đon đả: “Thứ bảy tuần sau anh quay lại thì mới có vở, còn thứ bảy, chủ nhật này không diễn gì hết nên ông bảo vệ bóp khóa, ngủ từ trưa tới giờ”.
“Làm văn phòng thôi, không hát, diễn gì nữa”
Qua rạp Hào Huê ở 372 – 374 Trần Phú, Q.5, thấy phía trước bảng hiệu được thay mới hoành tráng là “Nhà hát nghệ thuật Phương Nam” (Sở VH-TT TP.HCM), nhưng người dân xung quanh cho biết nhà hát này đã ngưng diễn từ lâu lắm rồi. Phòng vé bên trong đóng im ỉm, xung quanh tầng trệt là hàng quán bán đồ ăn, nước uống. Ông bảo vệ nhà hát thông báo: “Dẹp bỏ sân khấu, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, xây mới lại hết rồi, bây giờ chỉ dùng làm văn phòng thôi, không hát, diễn gì nữa”.
Rạp Lệ Thanh trên đường Phan Phú Tiên, Q.5 thì đang cho một đơn vị múa sử dụng làm chỗ tập luyện. Mặt tiền của rạp bị mưa nắng làm loang lổ, xuống cấp.
Còn ở Hà Nội, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát cải lương VN, than: “Hiện chúng tôi chỉ có mỗi trụ sở làm việc nằm sâu trong ngõ Hồng Mai, với một phòng tập 100 ghế ngồi. Đã nhiều lần tính sửa lại để nghệ sĩ có chỗ biểu diễn cố định, nhưng không thể làm được, trừ khi phải phá đi xây lại. Mà có xây lại thì nơi biểu diễn ở tít trong ngõ sâu như vậy, khó thu hút khán giả. Chúng tôi diễn ở Hà Nội thì không đủ tiền để thuê Nhà hát Lớn hay rạp Âu Cơ, chỉ có thể thuê rạp Hồng Hà được thôi”. NSƯT Nguyễn Xuân Vinh đưa ý kiến: “Không phải đến giờ chúng tôi mới nói đến chuyện này, mà lâu nay nhiều nhà hát cũng đã lên tiếng. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nói đã vào cuộc, nhưng rốt cuộc đến giờ vẫn chưa có”.
Trong khi diễn viên không có sân khấu đàng hoàng để diễn thì nhà hát ở H.Đan Phượng (Hà Nội), nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng, với kinh phí đầu tư lần lượt trên 117 tỉ đồng và gần 755 tỉ đồng, lại đóng cửa bỏ không. Điều này cho thấy một nghịch lý, nhà hát hàng trăm tỉ thì bỏ hoang, nhưng nhiều đoàn nghệ thuật hàng chục năm nay lại không có nhà để… hát.
Ngay như Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) vẫn thường xuyên phải thuê rạp ngoài để diễn. Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, nhẩm tính: “Chúng tôi hiện có bốn đoàn. Hàng chục năm nay, Nhà hát Tuổi Trẻ (nhà hát năng động nhất sân khấu phía bắc – PV) vẫn không được ưu ái mở rộng rạp hát vốn có diện tích hạn chế so với nhu cầu của khán giả”.
Đã quy hoạch nhưng phải chờ
Mặc dù theo văn bản phê duyệt của UBND huyện Đan Phượng, công trình xây dựng là nhà hát huyện, nhưng ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại khẳng định công trình xây dựng như ở Đan Phượng không phải là nhà hát mà là trung tâm văn hoá, trung tâm hội nghị, không do Cục quản lý. Khi được hỏi về việc tham vấn Chính phủ quy hoạch nhà hát thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng lãng phí, ông Chương nói tất cả được thể hiện rất rõ trong Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và Quyết định 88 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 – 2030.
Theo Quyết định 88, sẽ có 51 nhà hát được xây mới, 20 nhà hát được nâng cấp, trong đó 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 đến 2.500 ghế. Nhà hát ở Hà Nội và TP.HCM có quy mô từ 2.500 đến 3.500 ghế, đầu tư trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, còn có 41 nhà hát quy mô 1.000 – 2.000 ghế. Thế nhưng, ở bản quy hoạch lại không cụ thể hoá việc triển khai quyết định ra sao. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, thẳng thắn: “Tôi không thấy ghi rõ thời gian triển khai, thực hiện, các giải pháp cũng chẳng có gì cụ thể. Nếu không có giải pháp cụ thể, rồi 5 năm nữa chúng ta phải dựng một bản quy hoạch khác. Không cẩn thận quy hoạch cũng sẽ chỉ mãi nằm trên giấy”.
Một chuyên gia văn hoá cũng đặt vấn đề: “Đã quy hoạch thì cần phải phân bổ việc xây dựng các công trình văn hóa cho chặt chẽ. Đừng để chỗ này quản lý, chỗ kia không, dẫn đến chuyện xây lên rồi thừa, bỏ không, hoặc xây nhà hát rồi mà chẳng có khán giả đến xem, lại cho thuê đám cưới, hội nghị như đã xảy ra”.
Đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM), cho rằng: “Bây giờ sân khấu phải được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp thì các đơn vị nghệ thuật mới có nhiều vở diễn hay, chất lượng cao phục vụ khán giả. Chứ cứ phải chịu cảnh ăn nhờ ở đậu và tạm bợ mãi như thế này thì không an cư, làm sao lạc nghiệp được”.
Ý kiến

Lúc nào cũng kêu gọi xã hội hoá sân khấu nhưng chúng tôi chẳng thấy được đầu tư, cứ tự thân vận động là chính. Tìm mặt bằng thuê làm sân khấu đỏ con mắt, chỗ tốt ở chẳng được bao lâu lại thấy… nâng giá thuê, phải dời sang chỗ khác, trong khi đó nhiều rạp hát của nhà nước bỏ trống, lần nào đi ngang qua thấy những cơ ngơi rộng rãi làm quán xá, cho thuê mướn kinh doanh tự dưng phát thèm.

Diễn viên Long Đẹp Trai
(Sân khấu Nụ Cười Mới)
Mỗi lần gặp sự cố phải di dời điểm diễn vì bị chủ lấy lại mặt bằng, gây sức ép để nâng giá cho thuê, chúng tôi tức vì mất nhiều thứ quá: công sức, tiền bạc đổ ra tập luyện, tạo dựng thương hiệu, quảng bá sân khấu… bỗng đổ sông đổ biển hết. Tại sao rạp hát thì bỏ hoang, xuống cấp mà nghệ sĩ lại thiếu đất diễn?
Diễn viên Minh Béo
(Sân khấu Sao Minh Béo)

Lê Công Sơn – Ngọc An