Làm tiền nhà xe ở cửa ngõ Sài Gòn
Tại các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM về miền Tây, miền Bắc, Tây nguyên… nhiều năm nay đã tồn tại không ít băng nhóm bắt chẹt nhà xe đòi tiền, gây bức xúc cho cả nhà xe và hành khách.
Làm tiền nhà xe ở cửa ngõ Sài Gòn
Tại các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM về miền Tây, miền Bắc, Tây nguyên… nhiều năm nay đã tồn tại không ít băng nhóm bắt chẹt nhà xe đòi tiền, gây bức xúc cho cả nhà xe và hành khách.
Ông Quân (đội nón) thu tiền tài xế của nhà xe HH vào đón khách tại “chốt” đường dẫn vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương ngày 6-8. Khi tài xế này xin bớt thì ông Quân chửi, giơ cùi chỏ tính đánh – Ảnh: HOÀNG LỘC |
Năm 2010, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đi vào hoạt động và trở thành tuyến huyết mạch nối liền ba tỉnh thành TP.HCM – Long An – Tiền Giang.
Việc các phương tiện xe khách, người dân đổ xô đi đường cao tốc vô tình trở thành miếng mồi ngon cho các băng nhóm giang hồ làm ăn trắng trợn.
Khách lên xe là bị thu tiền
Để đi vào đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có hai nhánh đường dẫn là đường Nguyễn Văn Linh và nút giao thông An Lạc. Trong đó, khu vực cuối đường Nguyễn Văn Linh (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) là nơi một băng nhóm lập “chốt” thu tiền.
Cầm đầu băng nhóm này là Quân (36 tuổi, quê Vĩnh Long). Hai trợ thủ đắc lực giúp Quân quản lý “chốt” là Thanh (37 tuổi) và Cao (36 tuổi).
Băng nhóm này có quy luật hoạt động bất di bất dịch là các phương tiện muốn ghé vào đón khách phải “chung tiền tươi” và chịu sự điều động, sắp xếp của Quân. Mỗi khách lên xe, nhóm Quân thu 5.000 – 10.000 đồng.
Sáng 4-8 tại “chốt” của Quân, hàng loạt xe khách từ chất lượng cao đến cà tàng, từ xe thương hiệu đến xe vô danh lần lượt tấp vào theo sự điều tiết của Quân. Quân và Thanh chạy qua chạy lại như con thoi để nắm lịch trình từng hành khách và lùa họ vào quán ngồi uống nước đợi.
Khoảng 9g có một xe khách 24 chỗ biển số Vĩnh Long trờ tới. Thấy có một khách leo lên xe, Quân xộc tới đứng ngay cửa xe đòi tiền. Cò cưa chớp nhoáng, cuối cùng tài xế móc 10.000 đồng đưa cho Quân.
10 phút sau, Quân tiếp tục ra giữa đường giơ tay ra hiệu cho nhà xe H. (biển số TP.HCM) ghé vào. Sau khi “đẩy” được hai vị khách lên xe, Quân yêu cầu tài xế nộp 20.000 đồng.
Từ 9 – 11g, nhóm của Quân “điều tiết” trên 30 xe khách các loại và “đẩy” khoảng 40 hành khách về các tỉnh miền Tây lên xe.
Những ngày sau đó, chúng tôi ghi nhận tình hình vẫn diễn ra như cũ. Có trường hợp tài xế nhà xe HH sau khi ghé vào đón khách và định cho xe chạy thì bị Quân kéo cổ lại bắt đóng tiền.
Tài xế xe khách này đưa tiền để Quân thối lại và xin xỏ bớt thì bị Quân buông lời chửi rủa rồi giơ cùi chỏ tính đánh.
Anh Bình – một hành khách quê ở Tiền Giang – tỏ ra bức xúc: “Cuối tuần tôi thường đón xe về quê. Mỗi khi đứng ở khu vực đường dẫn vào đường cao tốc đón xe thì bị nhóm của Quân quấy rầy, lôi lên xe.
Bình thường mỗi chuyến xe xuống Tiền Giang tôi chỉ mất 50.000 đồng, nhưng khi qua tay Quân tôi bị nhà xe lấy 60.000 đồng. Tôi cảm thấy rất bực mình, tại sao lại bắt hành khách phải gánh các khoản tiền vô lý như thế?”.
Theo tìm hiểu, băng nhóm của Quân hoạt động được ba năm nay. Quân lên TP.HCM đã được sáu năm, trước đây làm nghề phụ hồ. Khi bỏ nghề phụ hồ, Quân có thời gian lập “chốt” thu tiền tại các bến cóc khu vực bến xe Q.8, dọc đường Nguyễn Văn Linh.
Từ khi đường cao tốc đi vào hoạt động, lượng khách đổ dồn về khu vực đường này thì Quân chuyển địa bàn hoạt động. Theo Quân, mỗi ngày nhóm thay nhau “điều tiết” thu tiền xe khách từ 7 – 22g, kiếm được 500.000 – 600.000 đồng/ngày.
“Tôi hoạt động ở đây được ba năm rồi nên cơ quan chức năng biết hết và có mời tôi lên chụp hình để quản lý” – Quân cho biết.
Giang “đen” (bìa trái) thu tiền xe khách trên tuyến quốc lộ 1 đoạn trước khu du lịch Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) – Ảnh: ĐỨC PHÚ |
24km có 2 băng nhóm
Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn từ cầu vượt An Sương (huyện Hóc Môn) tới khu vực Suối Tiên (Q.9) chiều dài khoảng 24km có đến hai “chốt” băng nhóm hoạt động thu tiền nhà xe công khai.
Đó là chưa kể tại khu vực cầu vượt Bình Phước (giao giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 13, Q.Thủ Đức) có thêm một “chốt” thu tiền nhiều năm nay.
Khu vực cầu vượt An Sương gần một năm nay là lãnh địa của ông Vĩnh (còn gọi là Tý, 45 tuổi, quê Tiền Giang), chuyên thu tiền xe khách về các tỉnh miền Tây.
Nhiều ngày theo dõi, Tuổi Trẻ ghi nhận ông Vĩnh thường ngồi núp trong các quán cà phê và chạy xe máy để “điều tiết” xe khách, thu tiền 10.000 đồng/khách. Những xe đón khách rồi cố tình chạy đi thì ông Vĩnh sẽ đuổi theo thu tiền bằng được, kể cả đánh dằn mặt.
Cầm đầu nhóm thu tiền xe khách về các tỉnh miền Trung, miền Bắc tại khu vực Suối Tiên (Q.9) là Giang “đen” (34 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An). Giúp việc cho Giang có hai thanh niên kiêm bán hàng rong.
Giang thường mặc quần soóc, đội nón lưỡi trai đi nghênh ngang lôi hành khách đẩy lên các xe về Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng…
Nhiều lúc Giang còn thoải mái leo lên buồng lái xe tự lấy nước uống. Cứ đẩy được khách lên xe là thu tiền. Xe nào có ý lờ không trả tiền là đồng bọn của Giang đập cửa, đe dọa tài xế.
Còn tại khu vực cầu vượt Bình Phước là địa bàn hoạt động của Trịnh Văn Tiến (32 tuổi, quê Ninh Thuận). Ngoài việc phụ bán cơm tại một tiệm gần chân cầu Bình Phước, Tiến còn bắt chẹt nhà xe.
Lãnh địa hoạt động của Tiến tương đối rộng, kéo dài từ cầu vượt Bình Phước đến cổng chào Bình Dương. Liên quan đến hoạt động thu tiền xe khách, năm 2014 Tiến từng bị Công an Q.Thủ Đức lập hồ sơ xử lý. Tuy nhiên, hiện tại Tiến cùng một số đối tượng câu kết thu tiền rất tinh vi.
Theo đó, thay vì thu tiền trực tiếp từ nhà xe ngay tại chỗ đón khách, Tiến cắt cử người trực tại đầu bến để thông báo tên nhà xe, còn Tiến luôn có mặt tại quán nước trước cây xăng 47 (quốc lộ 13) rồi “đu” theo nhà xe thu tiền.
Dù bức xúc việc bị thu tiền vô lý nhưng nhiều nhà xe đành bấm bụng nộp tiền để yên thân rước khách.
Tài xế C. chạy tuyến bến xe Miền Tây – Tiền Giang cho biết tình trạng băng nhóm thu tiền xe khách vào đường cao tốc xuất hiện nhiều năm qua. Nhiều nhà xe, tài xế bức xúc nhưng không dám hó hé. Nếu không đóng tiền thì xe không được đón khách, bán xe chứ chẳng chơi.
“Nếu không đóng tiền, các đối tượng này đe doạ, thậm chí hành hung nhân viên nhà xe. Nhiều nhà xe bị thu tiền chỉ còn nước nâng giá vé để bù vào chi phí chung chi” – tài xế C. nói.
Trong khi đó, theo tài xế Q. – chạy tuyến bến xe Miền Đông – Bình Phước, tệ nạn này tồn tại một phần cũng do hành khách. Thay vì vào bến xe mua vé thì rất nhiều người cứ ra quốc lộ đón xe, tạo điều kiện cho các băng nhóm này lợi dụng thu tiền.
“Nhiều lần người quen gọi điện nói đợi, tôi phải bảo họ qua khỏi cổng chào Bình Dương mới dám đón, bởi nếu đón trong địa phận của họ thì họ sẽ đuổi theo đập cửa xe đòi tiền” – tài xế Q. cho biết.
Nơi bảo có, nơi nói không Đại diện Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết khu vực cầu vượt Bình Phước là địa bàn phức tạp về tình trạng buôn bán ma tuý, xe dù, bến cóc, bảo kê… Nắm bắt được tính chất phức tạp này, Công an quận đã mở nhiều đợt kiểm tra xử lý, đồng thời cho lắp đặt một số camera an ninh để giám sát, dẹp bỏ tình trạng này. Việc xuất hiện trở lại hiện tượng thu tiền xe khách, Công an quận cho biết sẽ kiểm tra, xử lý. Đại diện Công an Q.9 cũng cho biết thời gian qua có nghe thông tin một số đối tượng hoạt động thu tiền xe khách và đã cho lực lượng trinh sát đi kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện đối tượng nào. Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, lãnh đạo công an các huyện Bình Chánh, Hóc Môn cho biết chưa nghe thông tin phản ảnh về các đối tượng cũng như các địa điểm có hoạt động thu tiền xe khách mà báo Tuổi Trẻ phản ánh. |