Không thể né tránh mạng xã hội
Tôi còn nhớ vụ rơi máy bay quân sự cách đây nhiều năm. Một tai nạn thảm khốc! Khi đó, mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ nhưng thông tin râm ran khắp nơi, cho dù có chỉ đạo không đưa tin về vụ này.
Không thể né tránh mạng xã hội
Tôi còn nhớ vụ rơi máy bay quân sự cách đây nhiều năm. Một tai nạn thảm khốc! Khi đó, mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ nhưng thông tin râm ran khắp nơi, cho dù có chỉ đạo không đưa tin về vụ này.
Một thời gian sau, trong một lần về làm việc với TTXVN, một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ khẳng định rằng vụ việc đó không có gì phải giấu, bởi vệ tinh có thể chụp được hết những gì trên mặt đất, chính vì vậy phải nhanh chóng có thông tin để định hướng dư luận.
Nhưng hết vụ này đến vụ khác, báo chí vẫn tiếp tục chạy theo mạng xã hội.
Ví dụ nổi bật nhất có lẽ là sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, dù chúng ta – những người làm báo chính thống – đều biết rất sớm nhưng suốt mấy tiếng đồng hồ không hề có một bản tin ngắn thông báo về sự kiện này.
Thông tin chính thức phải một ngày sau mới xuất hiện. Báo chí bỏ mặc cho thông tin trôi nổi không rõ đúng sai trên mạng xã hội. Còn chúng ta vẫn phải chờ đợi một quyết định theo kiểu làm báo của mấy thập niên trước.
Hậu quả không chỉ nằm ở những thông tin chính xác trên mạng xã hội. Nhiều trường hợp báo chí chính thống không thể cung cấp kịp thời thì mạng xã hội trở thành một nguồn tin “thô” quan trọng cho người dùng.
Và một tỉ lệ lớn người dùng giờ đây coi mạng xã hội mới là nguồn tin đáng tin cậy của họ chứ không phải báo chí. Nhưng hậu quả còn nghiêm trọng hơn khi mạng xã hội đăng tải những thông tin sai lệch mà báo chí chính thống không phản ứng kịp thời hoặc quá chậm.
Và khi xuất hiện những thông tin chính xác thì không có gì đảm bảo rằng thông tin đó sẽ đến được với những người dùng đã tiếp nhận và lan truyền thông tin sai trước đó.
Ở Việt Nam, dường như sự chia sẻ những thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội đang khiến nhiều người sử dụng mạng xã hội lúng túng thật sự vì không biết phải tin vào đâu.
Thay vì thẩm định thông tin để đưa ra những nội dung xác thực, nhiều báo điện tử lại bị cuốn theo cách đăng tải thông tin của người dùng trên mạng xã hội, thay vì bám giữ những giá trị bất di bất dịch của báo chí là thẩm định thông tin đồng thời đảm bảo sự công bằng và cân bằng.
Không khó để nhặt ra những bài viết trên nhiều báo điện tử – thậm chí có những tên tuổi nổi tiếng – mà nội dung hoặc hình ảnh đơn giản được cắt dán từ tài khoản mạng xã hội của những người nổi tiếng nhưng về sau phát hiện rằng đó chỉ là những thông tin vui đùa hoặc tin đồn thất thiệt.
Cũng có trường hợp các nhà báo coi mạng xã hội như một nơi đăng tải những thông tin mà họ không thể đưa lên báo: chuyện bếp núc hậu trường hoặc thậm chí là bài viết gốc khi chưa được biên tập.
Tài khoản mạng xã hội thuộc về cá nhân, nhưng khi tài khoản đó là của một nhà báo lại tạo ra ảnh hưởng đáng kể, trong khi ranh giới giữa câu chuyện cá nhân và quan điểm của nhà báo lại quá mong manh.
Trong một hội thảo của thanh niên mà tôi từng được tham dự cách đây hơn một năm, một bí thư Đoàn đọc tham luận nói rằng thanh niên cần tránh xa mạng xã hội vì đây là một môi trường tiêu cực, ẩn chứa nhiều điều có hại cho giới trẻ.
Tôi đáp lại rằng : “Mạng xã hội không xấu, chỉ có những con người sử dụng vào mục đích xấu. Và thay vì né tránh, hãy tham gia tích cực để tăng phần tốt đẹp trên mạng xã hội”.
Với thông tin cũng vậy thôi, báo chí không thể né tránh hay bị cuốn theo dòng lũ của mạng xã hội, mà hãy tìm cách để cưỡi lên con sóng đó.
__________
(*) Trích tham luận trình bày tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-8-2015.