11/01/2025

Giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý

Tuổi thơ của hầu hết trẻ em đều êm đềm, tuy nhiên có một số trẻ không may mắn gặp rủi ro, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, bị lạm dụng tình dục đã gây ra những sang chấn (tổn thương) tâm lý cho trẻ.

 

Giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý

 

Tuổi thơ của hầu hết trẻ em đều êm đềm, tuy nhiên có một số trẻ không may mắn gặp rủi ro, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, bị lạm dụng tình dục đã gây ra những sang chấn (tổn thương) tâm lý cho trẻ.



Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc chu đáo không chỉ về thể chất mà cả phần tâm lý, nên người lớn luôn cần quan tâm trẻ đúng mực, làm bạn với trẻ - Ảnh minh họa: T.T.D.
Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc chu đáo không chỉ về thể chất mà cả phần tâm lý, nên người lớn luôn cần quan tâm trẻ đúng mực, làm bạn với trẻ – Ảnh minh họa: T.T.D.

Hằng ngày tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ em có vấn đề về tâm lý, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, kể chị từng gặp những trẻ em bị sang chấn tâm lý nặng.

Những bệnh nhi đáng thương này còn rất nhỏ tuổi, ngoài một số ít nguyên nhân rủi ro như bị cháy nhà, chết đuối… nguyên nhân chủ yếu gây sang chấn tâm lý cho trẻ lại là do người lớn.

Những bệnh nhi đáng thương

Một cậu bé 14 tuổi, ở Sóc Trăng, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu vì uống thuốc diệt chuột tự tử. Rất may, cậu bé được cứu sống.

Khi sức khỏe bệnh nhi ổn định, các bác sĩ tâm lý của bệnh viện đến thăm hỏi, trò chuyện với cậu tìm hiểu nguyên nhân tại sao cậu muốn tìm cái chết thì câu trả lời chính là vì “ba thường xuyên đánh đập mẹ”. Mỗi lần uống rượu say ba cậu đều đánh mẹ cậu.

Đến một ngày, cậu quyết định uống thuốc diệt chuột để không bao giờ nhìn thấy cảnh tượng đau lòng này.

Một trường hợp khác là em T., học lớp 5, ở Đồng Tháp. Bị cô giáo nghi ngờ lấy trộm tiền trong lớp, rồi đưa lên công an lấy lời khai là một cú “sốc nặng” đối với bé T.. Từ trụ sở công an trở về bé T. bị hoảng loạn.

Hôm được gia đình đưa đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, bé chạy ngay vào góc phòng, cúi mặt xuống. Mẹ bé kể có lúc bé rất hung hăng, nhưng có lúc lại sợ hãi. Điều làm người nhà lo lắng nhất là bé không chịu nói lời nào.

Suốt 6 tháng điều trị, bé chỉ trao đổi với bác sĩ bằng ngôn ngữ viết. Sau đó tình trạng tâm lý của bé khá lên, bé muốn đi học nhưng vẫn sợ bị xã hội kỳ thị.

Hay một bé trai 10 tuổi ở TP.HCM bị bạn bắt nạt, sai khiến mang dao vô trường “thanh toán” một bạn khác. Nhà trường không biết điều đó nên định đuổi học cậu bé này. Đây là một sang chấn tinh thần rất mạnh với cậu bé.

Cậu bé run rẩy, sợ hãi khi được cha đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám tâm lý. Sau một thời gian trò chuyện rất lâu cùng bác sĩ, cậu mới kể rõ chuyện bị bạn khác trong trường ép mang dao…

Một cô bé mới 8 tuổi, xinh xắn, bỗng dưng lúc nào cũng sợ hãi hỏi mẹ: “Mẹ có chết không mẹ?”. Người mẹ không hiểu tại sao con mình lại có biểu hiện bất thường như vậy đã kiên nhẫn nài nỉ con kể. Cuối cùng cô bé đồng ý kể cho mẹ nghe với điều kiện “mẹ không được nói cho ai và mẹ đừng chết nhé”.

Sau đó, người mẹ biết con mình đi học và bị người bảo vệ trong trường sờ soạng trong những lần vào phòng bảo vệ đợi mẹ. Chú bảo vệ còn dặn nếu nói ra chú ấy sẽ giết mẹ. Trường hợp này bé bị sang chấn tâm lý nặng nên phải chuyển sang một cơ sở y tế khác để điều trị bằng thuốc.

Bác sĩ Quỳnh Trang vẫn nhớ như in hình ảnh một bé gái 5 tuổi, bị phỏng phải bỏ mất hai chân. Ba bé say rượu bị người mẹ cằn nhằn nên đổ xăng đốt nhà. Bé gái này bị trầm cảm sau đó.

Sinh viên thực tập trong khoa đến trò chuyện với bé trong hơn ba tháng điều trị, đọc truyện cho bé nghe, dạy bé hát… bé đã bắt đầu nói chuyện, hát trở lại.

Có lần bác sĩ tâm lý nhắc đến ba của bé và bé trả lời: “Con không muốn gặp ba”. Các bác sĩ tâm lý cũng không biết sau này cô bé đó sẽ đối diện với ba như thế nào, nhưng sang chấn tâm lý đó hẳn sẽ ở lại trong suốt cuộc đời cô bé ấy.

Biểu hiện như mất trí nhớ

Theo bác sĩ Quỳnh Trang, sau khi bị sang chấn tâm lý, trẻ sẽ có biểu hiện như bị mất trí nhớ (không nhớ những gì đã xảy ra), không nói được bằng lời, cứ làm hoài một động tác hoặc một câu nói – chứng tỏ sự lo âu, sợ hãi của trẻ lên đến tột đỉnh, ngủ không được, gặp ác mộng, mộng du, sợ hãi…

Các biểu hiện này có thể biểu hiện trong ba tháng (sang chấn cấp), hoặc tiếp tục biểu hiện sau ba tháng (sang chấn mãn). Song, những sang chấn tâm lý có thể kéo dài hàng chục năm, có thể gây ra tự tử, bạo lực (đánh người, thậm chí giết người), rối loạn lo âu, ám thị xã hội.

Trẻ bị sang chấn tâm lý là khi trẻ bị mất an toàn, do vậy gia đình cần tạo môi trường để trẻ cảm thấy an toàn. Nếu trẻ có những biểu hiện sang chấn tâm lý, gia đình cần đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý khám, tư vấn, điều trị. Lúc này sự phản ứng, hỗ trợ của cha mẹ rất quan trọng.

Cha mẹ quá lo lắng, trầm cảm, trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý nhiều hơn. Trẻ rất cần cha mẹ có thái độ tích cực, lắng nghe, đồng hành với trẻ, ôm ấp, vỗ về, an ủi để tạo một chỗ dựa cho trẻ.

 * ThS Ngô Minh Uy (tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM):

Tôn trọng phản ứng của trẻ

Sau khi gặp sự cố, có thể trẻ bị sang chấn tâm lý, vì vậy cần có người thân túc trực bên cạnh để can thiệp kịp thời nếu trẻ có những biểu hiện bất thường. Khóc, hoảng loạn… là những phản ứng thường xảy ra sau sự cố, do đó người thân có thể trấn an, khích lệ trẻ.

Đừng bắt trẻ phải kể lại sự việc, trừ trường hợp trẻ muốn tự mình nói về chuyện đó. Người thân cần tôn trọng phản ứng của trẻ.

Mỗi đứa trẻ sẽ có phản ứng khác nhau trước những sự cố nghiêm trọng xảy ra cho mình, những phản ứng hoảng loạn hay sợ hãi trong lúc này là thường gặp. Do đó, khi trẻ phản ứng như vậy, không nhất thiết là trẻ bị chấn thương về mặt tâm lý, nên cân nhắc phương pháp can thiệp thích hợp.

 * ThS Lê Thị Mai Liên (giảng viên bộ môn tham vấn trị liệu tâm lý – khoa tâm lý học ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Cần giúp trẻ thấy tin tưởng

Người thân cần để trẻ có thời gian bình tĩnh, giúp trẻ cảm thấy tin tưởng để giãi bày cảm xúc về những gì đã trải qua. Đồng thời người thân nên giải thích cho trẻ hiểu tại sao trẻ lại bị như vậy, người thân đã cố gắng giúp đỡ bé ra sao…

Ngoài ra, người thân cần quan tâm đến nhu cầu của trẻ như được nghỉ ngơi; đồng thời chăm sóc, tránh la mắng lớn tiếng hoặc đổ lỗi cho trẻ đã gây ra sự cố. 

 

THÙY DƯƠNG