11/01/2025

Bản quyền thời đại số: vừa “đánh” vừa “đàm”

Bảo vệ bản quyền trong thời đại bùng nổ phương tiện kỹ thuật số hiện nay phải mềm dẻo, vừa “đánh” vừa “đàm”.

 

Bản quyền thời đại số: vừa “đánh” vừa “đàm”

 

 Bảo vệ bản quyền trong thời đại bùng nổ phương tiện kỹ thuật số hiện nay phải mềm dẻo, vừa “đánh” vừa “đàm”.


Đàm phán bản quyền với những“ông lớn” như YouTube, Google... luôn là thách thức cho các nhà bảo vệ bản quyền - Ảnh: Thuận Thắng
Đàm phán bản quyền với những“ông lớn” như YouTube, Google… luôn là thách thức cho các nhà bảo vệ bản quyền – Ảnh: Thuận Thắng

Đến với ngày thứ hai của hội thảo về quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề cấp bách (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cơ quan Văn hóa Nhật Bản tổ chức ngày 5 và 6-8 tại TP.HCM), luật sư Lê Quang Vy – người từng đại diện cho ca sĩ Mỹ Tâm (năm 2009) và gần đây là ca sĩ Lệ Quyên trong các vụ kiện xâm phạm bản quyền từ các trang mạng – cho biết các vụ việc đã giải quyết thoả đáng.

Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy không ổn cho lời giải thích của các trang mạng rằng các bài hát bị vi phạm là do người khác tải lên nên các trang mạng không chịu trách nhiệm gì.

Xử lý và ứng xử với các nhà mạng trong vi phạm thế nào?

Trường hợp các nhà mạng vi phạm được giải quyết thế nào ở Úc, Malaysia, Nhật Bản…? Có vẻ như theo cách mà các trang web Việt Nam hiện nay đang ứng xử: Khi có vi phạm, người bị vi phạm sẽ phản hồi cho phía nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet. Nhà mạng này có trách nhiệm phải gỡ sản phẩm vi phạm, hoặc vô hiệu hoá đường dẫn đó.

Ông Scot Morris – giám đốc đối ngoại Hiệp hội Quyền biểu diễn của Úc (APRA) – cho biết trách nhiệm của nhà mạng sẽ được đặt ra một khi nhà mạng cung cấp dịch vụ đó đã biết vi phạm nhưng vẫn sử dụng sản phẩm vi phạm…

GS.TS Lim Heng Gee (Trường ĐH Teknologi, Kuala Lumpur, Malaysia) chia sẻ luật Malaysia quy định rõ hơn là khi nhận được phản ảnh vi phạm, phía nhà mạng sẽ gỡ bỏ sản phẩm vi phạm và gửi thư thông báo cho người tải sản phẩm lên.

Nếu người tải sản phẩm lên phản hồi rằng sản phẩm đó không vi phạm thì nhà mạng sẽ gửi phản hồi này lại cho người phản ảnh xâm phạm. Nếu người bị vi phạm tiến hành khởi kiện người tải sản phẩm thì nhà mạng vẫn bảo lưu việc gỡ bỏ và vô hiệu hoá đường dẫn.

Nếu người phản ảnh sự vi phạm là vu cáo thì người này có thể bị kiện ngược lại.

Ông Vũ Ngọc Hoan – cục phó Cục Bản quyền tác giả Việt Nam – chia sẻ những quy định xử lý cụ thể từ luật pháp Malaysia cũng là một sự tham khảo bổ ích cho Việt Nam.

Xử phạt ở Việt Nam 
chỉ “gãi ngứa”…

Một nỗi đau đầu của các tác giả Việt Nam là yêu cầu chứng minh thiệt hại tại tòa án. Đến nay, vụ kiện bức ảnh “Đà Nẵng hướng đến tương lai” mà tác giả Mạc Bảo Khánh được TAND quận Hải Châu giúp lập hội đồng chứng minh thiệt hại là hiếm.

Còn các tác giả khác chỉ “la làng” lên vì danh dự, sau đó giải quyết êm thấm hơn là con đường kiện tụng. Hoạ sĩ Lê Kinh Tài cũng từng từ bỏ vụ kiện một công ty “giật” thiết kế logo cũng vì yêu cầu chứng minh 
thiệt hại.

Đối với vấn đề nan giải này, các chuyên gia cho biết Hàn Quốc có công nghệ truy ra được lượng truy cập một trang web vi phạm trên phạm vi toàn thế giới. Hay tổ chức JASRAC của Nhật Bản có phần mềm kiểm soát được tất cả bài hát tiếng Nhật trên các trang web của thế giới để phát hiện vi phạm.

Trong trường hợp khác, nếu tác giả không tự mình chứng minh được thiệt hại thì ở Úc, Nhật hay Malaysia… tòa án là cơ quan quyết định mức phạt.

Tại sao việc xử phạt vi phạm bản quyền ở Việt Nam chỉ ở mức độ “gãi ngứa” vài ba chục triệu đồng trong khi những vụ kiện bản quyền tại Mỹ thường ầm ĩ ở mức triệu USD? Ông Scot Morris giải thích rằng đó là quy định bồi thường thiệt hại theo định luật của riêng nước Mỹ. Tòa án vẫn có thể đưa ra một mức án “khắc nghiệt” mà không cần một chứng minh thiệt hại nào.

Ông Scot Morris cho biết Úc không áp dụng quy định bồi thường theo định luật như Mỹ, nhưng thái độ của người vi phạm cũng là một trong những yếu tố để toà án xem xét.

Ở khía cạnh răn đe vi phạm, GS Lim Heng Gee chia sẻ rằng Malaysia áp dụng hình thức phạt gấp đôi. Nếu người vi phạm tái phạm thì mức phạt sẽ được tăng lên gấp đôi so với lần phạt trước đó.

Làm cách nào để thu tiền từ YouTube, Google…?

Trên mạng YouTube, người xem có thể xem miễn phí một bài hát hay một bộ phim nào đó… được tải lên. Liệu có thể thu tiền bản quyền cho tất cả các sản phẩm đó không? Chuyên gia Scot Morris thừa nhận: “Rất khó. Bởi vì mỗi ngày Tổ chức APRA chúng tôi có hàng triệu dữ liệu về ca nhạc, phim ảnh, chương trình biểu diễn… YouTube cũng vậy. Để kiểm soát tất cả rất khó”.

Lấy ví dụ về dự án số hóa sắp tới đây của Google, ông Scot Morris nói: “Với những ông lớn như Google, họ thường có sự hậu thuẫn từ các quốc gia. Cho nên nếu đưa nhau ra toà án thì sẽ thấy một sự mất cân bằng giữa những tổ chức bảo vệ bản quyền với những gã khổng lồ như Google, YouTube… Cho nên cách của chúng tôi là đàm phán với họ để họ trả tiền”.

Tại sao lại có sự xung đột giữa sự bùng nổ công nghệ Internet với việc bảo vệ bản quyền? Theo ông Scot Morris, có lẽ đó là sự xung đột về quan niệm: “Họ (những ông lớn như Google, YouTube…) cho rằng Internet là sự sẻ chia tri thức cho toàn nhân loại. Chúng tôi đồng ý với điều đó nhưng phải công bằng với công sức của các tác giả!”.

Sức ảnh hưởng của sự bùng nổ công nghệ số đối với các nhà bảo vệ bản quyền còn ở chỗ họ phải luôn năng động, vừa “đánh” vừa “đàm”, vừa phải chạy theo những sự trao đổi và hợp tác xuyên biên giới.

Lấy ví dụ một trang mạng ở Việt Nam nhưng máy chủ lưu dữ liệu lại ở nước ngoài thì đòi hỏi sự giải quyết tranh chấp phải dựa trên ít nhất luật pháp hai nước khác nhau.

Hay ông Scot Morris chia sẻ gần đây Úc truy tố một chủ tiệm người gốc Việt Nam tội in lậu, phải cần có sự giúp đỡ của VCPMC để chứng minh các tác phẩm được in sang là trái phép.

Vì nhu cầu “liên minh” bảo vệ quyền tác giả đó, bà Yui Ema – chuyên viên của WIPO – cho biết điều cần thiết là WIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam cũng như các nước khác cải thiện về những quy định, cập nhật sự hiểu biết… trong lĩnh vực bản quyền cho những cán bộ thực thi quyền tác giả hiện nay.

Không thỏa hiệp

Một công ty luật đặt ra vấn đề là ở Việt Nam hiện nay có những trang mạng có thể cung cấp những bài hát, bộ phim, sách ebook… chất lượng thấp không phải trả tiền. Liệu có thể có một sự thoả hiệp nào đó để những người chấp nhận tiếp cận tác phẩm ở chất lượng thấp mà không phải trả tiền hay không?

Đề nghị này cũng bị các chuyên gia ở hội thảo bác bỏ. Nguyên tắc là người nghe nhạc chỉ được thụ hưởng miễn phí ở những chương trình họ không có quyền yêu cầu, như những chương trình được dựng sẵn trên radio và có quảng cáo. Các tác giả có thể thụ hưởng tiền bản quyền từ các quảng cáo này.

Còn lại, mọi sự tải xuống miễn phí từ Internet mà chưa có sự cho phép đều là phạm pháp.

 

QUANG THI