10/01/2025

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thị sát vùng lũ

Hôm qua 4.8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thăm và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thị sát vùng lũ

 

 

Hôm qua 4.8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thăm và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, tính đến hôm qua, mưa lũ đã làm 17 người bị chết; 30 người bị thương; 339 nhà bị đổ, ngập sâu hoặc hư hỏng nặng; toàn bộ khai trường than trong các mỏ lộ thiên bị ngập và sạt lở phải ngừng sản xuất; trong đó thiệt hại nặng nề nhất là hai mỏ Mông Dương và Quang Hanh.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Công ty than Mông Dương

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Công ty than Mông Dương – Ảnh: TTXVN

Nhất định không để dân bị thiếu đói
Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh Quảng Ninh và ngành than cần tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện di dân ở các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để tránh xảy ra thiệt hại thêm về người; huy động lực lượng quân đội để giúp dân và nhất định không để cho người dân bị thiếu đói.

 
 

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong những ngày tới mưa chỉ còn xuất hiện rải rác ở các tỉnh phía tây và đông Bắc bộ. Do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, lũ lên nhanh ở các sông, suối khiến các tỉnh phía đông và tây Bắc bộ và khu vực Việt Bắc cụ thể là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình vẫn nằm trong vùng được cảnh báo có nguy cơ cao sạt lở đất.

 
Hoàng Phan

 

 
Chủ tịch nước cũng chỉ rõ trận mưa lũ đã bộc lộ nhiều vấn đề mà Quảng Ninh cần khắc phục. Đó là việc chủ động khảo sát qua mưa lũ để làm kế hoạch, quy hoạch một cách căn cơ, hiệu quả và toàn diện từ nông thôn, hải đảo tới đô thị để bão lũ có tiếp tục xảy ra thì vẫn có thể chủ động đối phó để giảm thiệt hại.
“Phải có sự tính toán kỹ lưỡng với sự tham vấn của các cơ quan chức năng, phải làm sao đảm bảo tính quy mô và bền vững, tránh chắp vá. Phải tính toán được trong tình huống bị ngập lụt thì phải làm gì”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Trong sáng qua, Chủ tịch nước cũng đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả tại Công ty than Núi Béo (TP.Hạ Long) và Công ty than Mông Dương (TP.Cẩm Phả); đến Trạm y tế P.Mông Dương thăm hỏi và trao quà động viên tinh thần các hộ dân đang tạm trú tránh mưa lũ tại đây.
Nhiều khu dân cư bị uy hiếp
Tại Sơn La, sau nhiều ngày mưa lớn, đoạn đường QL6 và khu vực tổ 10 thuộc P.Chiềng Lề, TP.Sơn La đã xuất hiện những vết lún, nứt rộng kéo dài đang uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn của nhiều hộ dân.
Ghi nhận tại hiện trường, các vết lún nứt trên QL6 cũng như khu vực nhà dân “chạy” khắp nơi, có vết kéo dài hàng chục mét. Phía bên trên khu vực lún nứt này là núi đất đá khổng lồ, còn bên dưới hiện là nơi ở của 6 hộ dân. Đặc biệt trên mặt đường QL6, bên lề đường nhựa đã có những vết nứt “ăn” tới 2/3 bề rộng mặt đường. Còn ở phía nhà dân, nhiều nơi nền đất bị nứt tách làm đôi. Ở các đoạn có vết lún nứt sâu, chính quyền địa phương đã dựng biển cảnh báo nguy hiểm.
Người dân H.Quan Hóa (Thanh Hóa) đóng bè mảng để vượt qua các điểm ngập lụt

Người dân H.Quan Hoá (Thanh Hoá) đóng bè mảng để vượt qua các điểm ngập lụt – Ảnh: Hải Tần

Trả lời Thanh Niên, ông Lại Văn Minh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, cho biết hiện tượng lún nứt địa chất bắt đầu từ ngày 2.8. Ban đầu, vết nứt có miệng rộng nhất khoảng 10 cm nhưng mưa lớn khiến nó “há” rộng đến 30 cm. Nền đất bắt đầu có hiện tượng sạt lở, sụt xuống phía dưới. Cho đến chiều 4.8, toàn bộ người dân đã được sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm.
Chỉ liên lạc được qua điện thoại
Tại Thanh Hoá, ông Trương Nho Tự, Phó chủ tịch UBND H.Quan Hoá, cho biết nước lũ từ thượng nguồn sông Mã đổ về trong những ngày qua đã cuốn trôi 2 căn nhà và làm sụt lún 4 căn nhà của người dân, làm 52 căn nhà bị ngập và gây thiệt hại hơn 20 ha hoa màu.
Theo ông Tự, mưa lớn cũng đã gây sạt lở, ngập lụt nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn, khiến giao thông tê liệt trong nhiều giờ và nhiều thôn bản bị chia cắt với trung tâm các xã. Đến chiều 4.8, xã Thanh Xuân vẫn còn 3 bản là bản Giá, bản Vui và bản Sa Lắng với 336 hộ dân đang bị chia cắt do nhiều điểm đường giao thông bị ngập lụt và sạt lở. Chính quyền địa phương mới chỉ liên lạc được với bản Sa Lắng qua điện thoại, vẫn chưa nắm được tình hình tại bản Vui và bản Giá. “Chúng tôi đang huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống”, ông Tự nói.
Tại H.Bá Thước, nước lũ sông Mã dâng cao cũng đã làm 1 người chết và 1 người mất tích, hư hỏng 5 căn nhà và 26 ha hoa màu bị ngập lụt.
 

Kêu gọi giúp đỡ thiếu nhi
Tại lễ khai mạc lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ công tác Đội cho hơn 260 cán bộ Đội cấp tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước tổ chức tại TP.Hà Nội hôm qua, Hội Đồng đội T.Ư Đoàn đã phát động đợt quyên góp giúp đỡ thiếu nhi ở Quảng Ninh và các địa phương trong vùng bị thiệt hại do mưa lũ. Ngay tại lễ khai mạc, các đại biểu đã quyên góp hơn 21 triệu đồng. Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Long Hải cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ thanh thiếu nhi vùng ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là đồ dùng, dụng cụ học tập, khi năm học mới đang đến gần.
P.Hậu

 

Thanh Niên