10/01/2025

Chúa nhật XVIII TN – B: Cái đói tinh thần

Hôm nay, các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta dùng lương thực thiêng liêng để chiến thắng cái đói tinh thần. Khi Chúa Giêsu nói: “Chính tôi là bánh trường sinh”, Người muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Người là thứ lương thực giúp cho tinh thần chúng ta no đủ và phát triển trọn vẹn.

 

Cái đói tinh thần

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần vừa qua chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về tình trạng nghèo đói ở Việt Nam và được mời gọi đóng góp cho Chúa Giêsu qua cố gắng hằng ngày, như 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, để Người thực hiện những việc lạ lùng. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ bàn đến cái đói thể xác, hôm nay chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về cái đói tinh thần. Điều này được các bài Kinh Thánh hôm nay giới thiệu.

Vì thế, trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu về tình trạng nghèo đói tinh thần để biết mình cần phải làm gì cho mình cũng như cho người khác.

 

1. Hiện trạng đói về tinh thần

Trước hết, chúng ta đều biết con người toàn diện gồm hai phần: thể xác và tinh thần. Muốn phát triển toàn diện các lĩnh vực cũng như mối tương quan, con người không được để cho thể xác và tinh thần bị đói, bị suy nhược, có thể gây nên thiệt hại và bệnh tật cho mình. Muốn cho thể xác và tinh thần được no đủ, chúng ta cần phải có những lương thực bổ dưỡng. Tuy nhiên, trong khuynh hướng chuộng khoa học thực dụng và duy vật thực hành hiện nay, người ta chỉ lo tìm lương thực cho thể xác, trong khi lại để cho tinh thần mình bị đói khát. Nhịn ăn uống một ngày là người ta cảm thấy đói khát kinh khủng, tay chân rũ liệt, phải tìm cách ăn uống cho lại sức. Thế nhưng, người ta có thể để mặc cho tinh thần bị đói khát vài ngày, vài tháng, thậm chí vài năm mà chẳng thấy cần phải ăn uống gì!

Trên thế giới hiện nay có khoảng 800 triệu người đang đói về thể xác, nhưng có lẽ ta phải nói tới vài tỷ người trong số hơn 7 tỷ người trên mặt đất đói khổ về tinh thần. Chúng ta đã nói đến 15 triệu người Việt Nam bị đói, không kiếm nổi 20.000 đồng bạc mỗi ngày, nhưng với 90 triệu dân số đang sống, có lẽ chúng ta phải kể đến vài chục triệu người Việt Nam đang đói về tinh thần khiến cho có tới 13,5 triệu người cần chạy chữa về mặt tinh thần như báo cáo của Uỷ ban Xã hội của Quốc Hội gần đây. Việt Nam đang có hơn 10 triệu người chơi games on line, 5 triệu người nghiện phim đồi truỵ, hàng chục triệu người nghiện cờ bạc, rượu bia, ma tuý, hai triệu ca phá thai mỗi năm…Họ là những người đói khát về mặt tinh thần.

 

2. Giải thích về cái đói tinh thần

Tại sao người ta không cảm thấy đói về tinh thần? 

Vì tinh thần là một thực tại thiêng liêng, vượt trên cảm xúc và cảm giác của con người nên rất nhiều người chúng ta không cảm thấy gì khi bị đói. Chỉ những ai quan tâm đến tinh thần mới cảm nghiệm được sự đói khát siêu nhiên; chỉ những người nào muốn phát huy trọn vẹn sự sống của mình mới cảm nghiệm đôi chút sự đói khát đó.

Vậy tinh thần của chúng ta cần ăn, cần uống thứ gì? 

Chúng ta đều biết tinh thần con người cần sự thật, sự thiện, cái đẹp,  cần hy vọng và tin tưởng, cần độc lập, tự do và hạnh phúc, cần tình yêu, công lý và bình an. Hơn nữa, nếu ai tin vào Trời và biết rằng tinh thần con người luôn mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên (x. Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 130) thì tinh thần con người còn cần đến ân huệ của Trời cao, cần đến sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của chính Thiên Chúa, như hiện nay có hàng chục ngàn người mỗi năm đi vào các rặng núi Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) hy vọng tìm gặp được các đạo sĩ, thiền sư để tìm những thứ đó.

Tất cả những giá trị đó là lương thực tinh thần mà chúng ta cần phải đón nhận vào mình để nuôi tinh thần sống động và phát triển trọn vẹn con người. Tuy nhiên tất cả những giá trị đó không phải ngẫu nhiên con người đón nhận được như một món quà từ trên trời rơi xuống. Chúng chỉ đến được với con người khi họ biết mở rộng tâm hồn và trí khôn để học hỏi, suy tư, cảm nghiệm và sống những giá trị đó trong cuộc đời mỗi người. Hơn nữa, họ cũng chỉ có thể học hỏi, suy tư, cảm nghiệm nếu họ được tạo điều kiện để có thời giờ và tiền bạc cho các việc như nghỉ ngơi, giải trí, đọc sách báo, xem phim ảnh, cầu nguyện, dự lễ nghi tôn giáo và các hoạt dộng văn hoá khác. Hiện nay, bao nhiêu triệu người đầu tắt, mặt tối để làm việc kiếm sống mà chẳng có giờ nghỉ ngơi, giải trí.

Chúng ta hãy nghe người công nhân nói gì về cái đói tinh thần của họ. Chị Nguyễn Thị Mai, Công nhân Công ty TNHH Matrix, chia sẻ: “Chúng tôi không có thời gian để giải trí và cũng không có tiền để có thể được vui chơi. Ở trọ điều kiện sống vất vả, xa nhà, thiếu thốn đủ bề. Phòng trọ chật hẹp, bức bối, mùa hè nóng lắm, không có ti vi. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại là đi làm ở công ty, loanh quanh trong dãy trọ, rồi đi ngủ”. Anh Nguyễn Văn Linh, Công ty CP May Minh Anh – Kim Liên, chia sẻ: “Tôi làm việc quần quật, chi tiêu tiết kiệm để có tiền nuôi con, thỉnh thoảng giải trí bằng cách rủ bạn bè ngồi quán bia tán gấu. Giải trí chủ yếu là mở điện thoại để nghe nhạc, chát” (x. Bài Để công nhân không còn “nghèo vật chất, đói tinh thần” , ngày 28/07/2015, lúc 16g19 trên mạng Internet).

Câu hỏi chúng ta đặt ra: con người đang ăn gì cho tinh thần của mình?  Xét về mặt thể xác, ngày nay con người có đủ loại lương thực bổ dưỡng cho người mẹ và thai nhi phát triển tốt, cho thiếu nhi cần phát triển chiều cao, cho các cụ già khó tiêu hoá… Nhưng hình như con người hiện nay ít quan tâm đến việc sản xuất những thứ lương thực an toàn, bổ dưỡng cho tinh thần con người. Trái lại, người ta bày bán quá nhiều những lương thực độc hại với giá rẻ mạt, thậm chí cho không, như ta đang thấy qua những sách báo, phim ảnh, trò chơi khiêu dâm, đồi truỵ, ma quái, bạo lực hoặc những tin tức giả dối, lừa đảo, bôi nhọ nhân phẩm trên mạng internet hay truyền tới tận điện thoại chúng ta đang sử dụng.

Tất cả những tư tưởng, lời nói, hành động nào đi ngược với những giá trị văn hoá, đi ngược với chân thiện mỹ đều là những thứ lương thực độc hại, làm cho tinh thần chúng ta suy nhược và có thể dẫn đến cái chết về tinh thần. Thế mà hằng ngày nhiều người chúng ta vẫn nuôi tinh thần của mình bằng những thứ lương thực đó.

3. Lương thực thiêng liêng

Hôm nay, các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta dùng lương thực thiêng liêng để chiến thắng cái đói tinh thần.

Người Do Thái, qua bài đọc I (x. Xh 16,2-4.12-15), được Thiên Chúa yêu thương, giải thoát khỏi ách nô lệ và những tủi nhục tinh thần, đưa vào Đất Hứa để sống mãi mãi với Ngài. Thế nhưng, họ chỉ đi tìm thứ lương thực cho thể xác. Họ nói với ông Môsê rằng: “Phải chi chúng tôi chết trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê” (Xh 16,3) còn hơn ở sa mạc như thế này. Họ đói khát về tinh thần nhưng lại chấp nhận nó.

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều như dấu hiệu mời gọi người Do Thái đi tìm một thứ lương thực cao quý cho tinh thần là sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Nhưng họ vẫn không nhận ra ý nghĩa của phép lạ ấy, nên Người nói với họ: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ nhưng vì đã được ăn bánh no nê”. Chúa mời gọi họ hãy tìm thứ lương thực thường tồn mang lại cho họ sự sống thần linh, vĩnh hằng, cao cả của chính Thiên Chúa. Thứ lương thực ấy là chính Người. Người là tấm bánh trường sinh được Chúa Cha xác nhận bằng những dấu hiệu lạ lùng mà Người vừa mới làm cho người Do Thái và vẫn còn tiếp tục làm trong thời đại chúng ta hôm nay.

Khi Chúa Giêsu nói: “Chính tôi là bánh trường sinh”, Người muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Người là thứ lương thực giúp cho tinh thần chúng ta no đủ và phát triển trọn vẹn vì Người là sự thật và sự sống, là sự thánh thiện và ân sủng, là công lý, tình yêu và hoà bình. Người là niềm hy vọng và niềm tin trọn vẹn giúp ta sống mãi với Thiên Chúa và sống như Thiên Chúa. Đó là thứ lương thực cần thiết mà chúng ta phải tìm kiếm trong cuộc đời trần thế này. Nên khi người Do Thái hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn và để có được thứ lương thực thường tồn ấy?” (Ga 6,28). Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Ngài đã sai đến” (Ga 6,29).

Lời kết

Hôm nay suy nghĩ về cái đói tinh thần và lương thực thiêng liêng, chúng ta hãy tìm đến Chúa Giêsu là bánh trường sinh, để chúng ta luôn được no đủ, khoẻ mạnh về tinh thần và phát huy trọn vẹn “con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính, thánh thiện” (Ep 4,24), tràn đầy sự thật và sự sống, tràn đầy niềm vui và hy vọng, tràn đầy tình yêu và an bình.