09/01/2025

Thị trường mỹ thuật: “Giấc mơ 
hão huyền”?

VN có hay không một thị trường mỹ thuật nội địa? Có tồn tại một thị trường mỹ thuật VN hay không? Những hướng đi nào để thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mỹ thuật VN?

 

Thị trường mỹ thuật: “Giấc mơ 
hão huyền”?

 

VN có hay không một thị trường mỹ thuật nội địa? Có tồn tại một thị trường mỹ thuật VN hay không? Những hướng đi nào để thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mỹ thuật VN?



Những bức tranh chép na ná nhau và bày bán công khai góp phần làm thị trường tranh thật giả lẫn lộn - Ảnh: THÁI LỘC
Những bức tranh chép na ná nhau và bày bán công khai góp phần làm thị trường tranh thật giả lẫn lộn – Ảnh: THÁI LỘC

Đó là hàng loạt câu hỏi được các hoạ sĩ, nhà phê bình, những người làm công tác quản lý mỹ thuật, quản lý bảo tàng… đặt ra và đi tìm câu trả lời tại buổi hội thảo Giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật VN trong bối cảnh kinh tế – xã hội đương đại do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) 
tổ chức sáng 30-7 ở Hà Nội.

Thị trường mỹ thuật chưa hình thành

Trong báo cáo đề dẫn mở đầu hội thảo, ông Vi Kiến Thành – cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm – khẳng định tầm quan trọng của việc hình thành một thị trường mỹ thuật trong nước:

“Thị trường mỹ thuật trong nước vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển nền mỹ thuật nước ta. Đây có thể xem là mục tiêu lớn nhất của mỹ thuật trong 10 năm tới. Nếu không có thị trường mỹ thuật trong nước thì mỹ thuật nước ta chưa phát triển bền vững được và tiếp tục bị thị trường mỹ thuật nước ngoài tác động”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tham luận đã thẳng thắn chỉ ra VN thật sự chưa hình thành một thị trường mỹ thuật. TS Mã Thanh Cao, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng vì chưa hình thành một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp nên xảy ra tình trạng sao chép tranh giả tràn lan ở VN, làm giá tranh VN rẻ trên thị trường quốc tế.

ThS Nguyễn Đình Thành (Đại học Paris Dauphine) thẳng thắn chỉ ra hàng loạt dấu hiệu chứng tỏ VN chưa hình thành một thị trường mỹ thuật thật sự:

“Nước ta không tồn tại bất kỳ một địa điểm nào (có thể gọi là một cái “chợ” nghệ thuật) là nơi các đồ cổ, đồ cũ, đồ mỹ nghệ và các tác phẩm nghệ thuật được trao đổi một cách chính thức, có tổ chức.

Không có các chuyên gia thẩm định giá trị tác phẩm, sản phẩm được đào tạo và được Nhà nước cấp bằng hành nghề; thiếu vắng hệ thống thống kê, trao đổi, cập nhật thông tin về tác giả, tác phẩm, giá tiền; không tồn tại hiệp hội các nhà môi giới nghệ thuật; các trao đổi thường là trực tiếp hoặc bằng tiền mặt mà không giao dịch qua ngân hàng, không có sự chứng kiến của cán bộ công chứng; bản thân nghệ sĩ cũng không có thói quen làm giấy chứng nhận tính nguyên bản và số lượng của tác phẩm.

Người mua có muốn mua cũng không có cơ sở nào để định lượng, để có được sự xác thực. Các ngân hàng cũng không mặn mà hỗ trợ người mua giống như hỗ trợ vay mua bất động sản, ôtô, xe máy”.

Cũng chung nhận định, bà Giáng Vân – giám đốc điều hành Heritage Space – nêu thực trạng: “Một thị trường mà người mua chủ yếu từ bên ngoài, còn nội địa nhiều người không phải không đủ tiền mua tranh, mà bởi họ không hiểu mỹ thuật và không có văn hoá sử dụng đồng tiền cho mỹ thuật.

Các nghệ sĩ sáng tác hầu như phải tự mình bán tranh bằng nhiều cách khác nhau. Các gallery tưởng chừng là những địa điểm lý tưởng cho nghệ sĩ thì lại là nơi chép tranh, đạo ý tưởng phổ biến đến mức hoạ sĩ rất sợ để tranh 
mình ở các gallery”.

Giấc mơ hão huyền?

Để thúc đẩy hình thành một thị trường mỹ thuật VN, PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo – chủ tịch Hội đồng lý luận – phê bình mỹ thuật (Hội Mỹ thuật VN) – nêu giải pháp nên hướng thị trường đến những doanh nghiệp lớn để thúc đẩy họ đầu tư cho mỹ thuật.

“Doanh nghiệp đầu tư cho mỹ thuật bao nhiêu thì Nhà nước nên có chính sách miễn thuế cho họ bấy nhiêu. Tuy nhiên, tôi không tán thành việc đề nghị các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào thị trường mỹ thuật bởi sẽ rất manh mún” – ông Bảo nêu quan điểm.

Không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó, ông Vi Kiến Thành cho biết việc hướng thị trường mỹ thuật nhằm vào các doanh nghiệp lớn, các đại gia chỉ là một phần nhỏ của những giải pháp tổng thể.

“Trong việc hình thành và phát triển thị trường mỹ thuật VN đương đại, Nhà nước mới là người nắm vai trò chủ đạo và có định hướng rõ ràng nhất. Nếu như tất cả công sở, khu du lịch, cơ quan nhà nước đều không sử dụng tranh ảnh của Trung Quốc, của Thái Lan… nữa mà sử dụng các tác phẩm mỹ thuật VN thì đây đã là một thị trường rất lớn. Việc xây dựng các tượng đài, công trình mỹ thuật phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân do Nhà nước đầu tư cũng là một giải pháp để phát triển thị trường mỹ 
thuật” – ông Thành nói.

Trả lời câu hỏi của PV nếu lựa chọn những giải pháp đó sẽ dẫn đến tình trạng Nhà nước bao cấp thị trường mỹ thuật VN (nếu được hình thành) thay vì xã hội hoá, ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Xã hội hoá không có nghĩa đẩy vấn đề phát triển thị trường mỹ 
thuật về cho tư nhân”.

Trái ngược với quan điểm của ông Vi Kiến Thành, ThS Nguyễn Đình Thành cho rằng thay đổi lớn nhất cần phải có để hình thành thị trường mỹ thuật VN là phải coi đó là một thị trường, vận động theo các quy luật của thị trường.

Ông nói: “Rộng hơn nữa, cần nhìn toàn bộ ngành nghệ thuật từ mỹ thuật, âm nhạc tới văn học, điện ảnh dưới góc độ một ngành công nghiệp văn hoá. Đó là cách các quốc gia phát triển ở phương Tây, sau này là Hàn Quốc, Trung Quốc và gần đây là Philippines đã 
làm và thành công”.

Bà Giáng Vân lại cho rằng đào tạo mỹ thuật mới là công việc khẩn thiết. Theo bà Vân, nếu ngay từ bây giờ Nhà nước và các đơn vị làm mỹ thuật không có những chương trình cụ thể cho việc đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những phóng viên viết sâu về mỹ thuật, các nhà phê bình mỹ thuật, các chuyên viên tư vấn, môi giới chuyên nghiệp, đào tạo lớp công chúng yêu mỹ thuật… thì việc hình thành thị trường mỹ thuật nội địa sẽ mãi chỉ là một giấc mơ hão huyền trong nhiều năm nữa.

ThS Nguyễn Đình Thành dẫn nhiều số liệu chứng tỏ sự sôi động của thị trường mỹ thuật thế giới những năm gần đây: năm 2013, thị trường mỹ thuật đương đại thế giới vượt mức 1 tỉ euro và đạt mức 1,5 tỉ euro năm 2014 (tăng 33% so với năm 2013 và tăng gấp 10 lần trong vòng một thập kỷ qua). Thị trường đồ cổ, đồ cũ cũng đạt mức 1,126 tỉ euro. Theo trang web artprice.com, nghệ sĩ “đắt giá” nhất Trung Quốc Zeng Fanzhi đã thu về gần 60 triệu euro qua các phiên đấu giá năm 2014.

VŨ VIẾT TUÂN