Bảo tồn kiến trúc cầu Long Biên
Cầu Long Biên là công trình có giá trị lịch sử cao của Hà Nội, việc sửa chữa, cải tạo cây cầu cần làm theo hướng bảo tồn
Bảo tồn kiến trúc cầu Long Biên
Cầu Long Biên là công trình có giá trị lịch sử cao của Hà Nội, việc sửa chữa, cải tạo cây cầu cần làm theo hướng bảo tồn
Cầu có thể sập bất cứ lúc nào
|
Trong văn bản của Công ty tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên gửi Thủ tướng tháng 10.2014 có nội dung cảnh báo tính cấp bách của việc tu sửa cầu Long Biên. “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tàn phá của bom đạn, chiến tranh, cầu Long Biên hơn 100 tuổi đã xuống cấp trầm trọng. Nếu không đại tu cấp bách, cầu có thể sập bất cứ lúc nào”, văn bản nêu rõ.
Liên danh Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông cùng Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt đã được chỉ định làm tư vấn thiết kế. Phía tư vấn thiết kế khẳng định: gia cố, sửa chữa các kết cấu trên cầu Long Biên trên cơ sở tôn trọng cấu tạo của các kết cấu cầu hiện tại. Những hạng mục bị hư hỏng nặng nhất theo khảo sát sẽ được ưu tiên, bên cạnh đó là những hạng mục lần sửa cầu năm 2010 chưa làm. Theo đó, một số hệ dầm được gia cố các điểm hư hỏng nặng hoặc thay mới, sơn chống ăn mòn. Mặt đường bộ cũng được thay thế các tà vẹt đã mục nát, hư hỏng, các bản mặt bê tông, mặt cầu, hệ thống lan can đường bộ, đường bộ hành…
Được biết, dự án Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1 (hiện đang thực hiện) đảm bảo an toàn đường sắt đến năm 2020 có tổng kinh phí gần 298 tỉ đồng. Tuy đã có quyết định triển khai từ năm 2013, nhưng do thiếu vốn nên cuối năm 2014 mới chính thức được triển khai. Vì vậy, thời gian để lập thiết kế cơ sở cho dự án khá ngắn, gấp rút trong 2 tháng để dự án đi vào thi công trong năm 2015.
Ông Đặng Xuân Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt, khẳng định: “Thiết kế giữ nguyên hình dáng kiến trúc của cầu Long Biên, những bộ phận gỉ, hỏng sẽ được bóc ra để thay mới nhằm đảm bảo an toàn cho cầu”. Tuy nhiên, do cây cầu chưa được công nhận là “di sản”, nên ông Thuỷ cho rằng quá trình làm thiết kế không cần lấy ý kiến theo luật Di sản.
“Hồ sơ thiết kế cây cầu từ thời Pháp vẫn còn, hồ sơ các quá trình sửa chữa cải tạo, khảo sát cầu vẫn có, trên cơ sở đó chúng tôi khảo sát, đánh giá lại. Những đơn vị quản lý, sửa chữa cầu Long Biên cũng đều đã làm với cây cầu này rất lâu, biết được “bệnh tật” của từng vị trí”, ông Thuỷ khẳng định.
“Lập hồ sơ di tích cho cầu phức tạp lắm”
Về nguy cơ làm biến dạng cầu Long Biên trong giai đoạn 1 dự án, một chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích đánh giá: đây chỉ là việc tu sửa thông thường nên nguy cơ làm biến dạng không cao. Tuy nhiên, nó vẫn gợi đến mối nguy một di sản kiến trúc, di sản đô thị như vậy có thể sẽ không có chế độ bảo vệ tốt nhất từ góc độ văn hoá.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, cũng cho biết theo luật, do cầu Long Biên chưa phải là di tích nên việc tu bổ cầu này không cần phải thoả thuận với Bộ VH-TT-DL. Về nguy cơ tu bổ quá sai so với bản gốc, hoặc làm cầu biến dạng, ông Hùng cho rằng đây thuộc trách nhiệm của địa phương, cụ thể là Sở VH-TT-DL Hà Nội. “Cái này trước hết là Sở VH-TT-DL, Sở ở địa phương là toàn quyền rồi. Nếu có gì cứ báo cáo lên”, ông Hùng nói về khả năng lên tiếng khi cầu bị hư hại do tu bổ.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cũng cho biết đã có văn bản gửi Tổng công ty đường sắt VN. Theo đó, sở đề nghị họ khi triển khai dự án thì nên có ý kiến tham vấn các nhà khoa học về mặt di sản và kiến trúc. “Tất nhiên, bên giao thông không bắt buộc phải có thoả thuận chuyên ngành. Nhưng họ nên lấy ý kiến tham vấn xem tu sửa như thế nào để giữ được giá trị của nó. Chứ Sở VH-TT-DL cũng chẳng có quyền gì để mà giám sát”, ông Tiến kết luận.
Theo luật, nếu muốn cầu Long Biên trở thành di tích, địa phương mà ở đây Sở VH-TT-DL Hà Nội phải đứng ra làm hồ sơ. Về việc làm hồ sơ này, ông Tiến cho biết sở đã gửi văn bản cho Bộ GTVT về việc làm hồ sơ di tích cho cầu. “Sở đề nghị Bộ GTVT có thỏa thuận để TP.Hà Nội làm hồ sơ di tích. Bộ trưởng Đinh La Thăng ký văn bản nhất trí với ý kiến của Hà Nội. Chúng tôi mới đang khảo sát chứ hồ sơ cụ thể chưa làm vì nó phức tạp lắm. Cũng không nhanh được. Cái khó nhất vẫn là hồ sơ bảo tồn, trong đó sẽ phải xác định khoanh vùng đến đâu. Chúng tôi hoàn toàn không có vướng mắc kinh phí gì, ngoài việc làm thế nào cho tốt. Khi xếp hạng di tích được cầu Long Biên thì phải bảo tồn tốt nhất. Chúng tôi phải trình phương án bảo tồn trong hồ sơ di tích: bảo tồn ra sao, khoanh vùng thế nào, cầu đó sử dụng giao thông thế nào… Trong năm 2016 chúng tôi dần thu thập hồ sơ tư liệu. Sau đó còn tổ chức hội thảo lấy ý kiến nữa, nó mới bảo đảm được. Cũng không chắc là năm 2016 chúng tôi làm xong hồ sơ hay chưa. Vấn đề là cứ xong phương án bảo tồn lúc nào thì trình hồ sơ lúc đó”, ông Tiến nói.
Mai Thu – Trinh Nguyễn