09/01/2025

‘Ngán’ với chó thả rông nơi công cộng

Mặc dù đã có quy định cấm thả rông chó tại khu vực công cộng nhưng nhiều người vẫn vô tư đưa chó ra chốn đông người mà không hề rọ mõm và còn để chó phóng uế bừa bãi.

 

‘Ngán’ với chó thả rông nơi công cộng

 

 

Mặc dù đã có quy định cấm thả rông chó tại khu vực công cộng nhưng nhiều người vẫn vô tư đưa chó ra chốn đông người mà không hề rọ mõm và còn để chó phóng uế bừa bãi.



Chó chạy rông trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) mà không hề được rọ mõm - Ảnh: Đức Tiến

Chó chạy rông trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) mà không hề được rọ mõm – Ảnh: Đức Tiến

Một tối đầu tháng 7, có mặt tại khu vực phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), chúng tôi ghi nhận rất nhiều người dắt chó ra đây… hóng mát, tản bộ giữa dòng người đông đúc.
“Tui thấy còn ớn, đừng nói trẻ con”
Chó nhỏ, chó lớn, thậm chí có con ước chừng nặng đến 30 – 40 kg khiến nhiều khách tản bộ thấy… ngán. “Mỗi khi rảnh tôi đều dắt chó ra khu vực này đi dạo. Mấy loại chó này hiền và thân thiện lắm. Nó không biết cắn người đâu (!?)”, một người dẫn con chó nặng hơn 20 kg nói. Vừa nói xong, thấy một người khác cũng đang dắt con chó cùng loại rảo bước trên phố đi bộ, người này vội chạy lại làm quen. Hai người cùng tháo dây xích để 2 con chó không rọ mõm thoải mái “vờn” nhau nơi công cộng. Được thoát khỏi dây xích, 2 chú chó lập tức lao vào nhau sủa ầm ĩ rồi rượt đuổi nhau khiến những người đang vui chơi ở đây lo sợ né tránh.
 
 

Phạt từ 100.000 – 300.000 đồng

 
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Minh Trí, Trạm trưởng Trạm phòng chống dịch và kiểm dịch động vật – Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết quy định tại Nghị định 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm việc thả rông chó nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị.

 
Theo quy định này, chó nuôi phải được xích, nhốt hoặc có người trông giữ, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng tới người xung quanh.
Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Cũng theo ông Trí, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… quy định hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã, nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.

 

Không chỉ thế, những chú chó còn “làm bậy” trên phố đi bộ! “Nó làm bậy thì mình hốt bỏ vào thùng rác liền chứ có để đó đâu mà sợ”, một người đang dắt chó đi dạo phân trần. Tuy nhiên, một người dân khác cho rằng: “Dù có dọn ngay cũng không hết mùi hôi được. Chưa nói, chó tè thì làm sao dọn? Một hai con mình thấy còn mệt, huống chi người ta dắt cả bầy ra đây”.

Trả lời Thanh Niên, trung tá Lê Đức Thuận, Trưởng công an P.Bến Nghé (Q.1), cho biết đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về tình trạng chó thả rông ở phố đi bộ. “Nói thiệt, tui thấy mấy con chó nặng 40 – 50 kg còn ớn, nó mà vật một cái thì mình cũng tiêu chứ đừng nói là trẻ em. Hơn nữa, chó còn phóng uế gây mất vệ sinh, làm mất mỹ quan ở phố đi bộ”.
Không trở tay kịp
Việc nuôi và quản lý chó không đúng quy định tại các chung cư cũng khiến nhiều người lo sợ. Ông Trần Minh Châu, Trưởng ban Quản lý chung cư Thái An 3 và 4 (đường Nguyễn Văn Quá, Q.12, TP.HCM), cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhận được phản ánh về việc nhiều người thả chó chạy rông trong khu vực chung cư mà không rọ mõm, để chó phóng uế làm hôi thối mất vệ sinh. Nhưng đây là việc khá “tế nhị” nên ban quản lý chủ yếu chỉ vận động chứ không cấm được”.
Cũng vào đầu tháng này, ghi nhận tại chung cư Thái An 1 và 2 (đường Nguyễn Văn Quá, Q.12), có hộ còn vô tư đặt cả chuồng nuôi chó ngay tại khu vực tiểu công viên. Trong chuồng sắt, 3 con chó lớn đang bị nhốt, thấy người lạ chúng sủa vang; phía bên ngoài, vài con chó khác thả rông không được rọ mõm, không có dây xích chạy tứ tung; vài con thì được xích ngay cạnh các ghế đá. Một lúc sau, người đàn ông đến mở cửa chuồng, 3 con chó phóng ra ngoài vừa chạy vừa lè lưỡi khiến ai cũng e ngại. Một phụ nữ đưa con nhỏ đi dạo phía trước chung cư nói: “Thấy lo cho mấy cháu nhỏ trong chung cư quá, lỡ chó bất ngờ vồ cắn các cháu thì không ai trở tay kịp”.
Chó là gia súc hay vật cảnh
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết: “Việc xử phạt đối với vi phạm về nuôi, thả rông chó, mèo ở khu đô thị, khu dân cư thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phường. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có trường hợp nào cơ quan chức năng chủ động xử phạt, thường chỉ khi xảy ra hậu quả như chó cắn người thì mới truy lại để xử phạt nhưng cũng rất hiếm, mỗi năm chỉ xử phạt 1 – 2 vụ”.
 Chó được thả rông, không rọ mõm tại chung cư Thái An - Ảnh: Hải Nam

 Chó được thả rông, không rọ mõm tại chung cư Thái An – Ảnh: Hải Nam

Theo ông Trần Minh Châu, hiện quy định chưa rõ ràng dẫn đến rất khó xử lý các hộ nuôi chó tại chung cư. Cụ thể, Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng quy định cấm nuôi gia súc, gia cầm trong chung cư làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ dân, nhưng quyết định trên lại không cấm nuôi vật cảnh. “Pháp luật không định nghĩa rõ vật cảnh là gì, như vậy chó nhỏ là gia súc hay vật cảnh vẫn là vấn đề tranh cãi nên rất khó để xử lý”, ông Châu nói.
Cấm dẫn gia súc vào phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thông tin UBND TP vừa có chỉ đạo khẩn về chấn chỉnh hoạt động trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Theo đó, thành phố nghiêm cấm việc dẫn súc vật vào phố đi bộ, vì thời gian qua, tình trạng người dân dẫn súc vật vào phố đi bộ rất nhiều, làm mất mỹ quan đô thị.
Trả lời Thanh Niên, một số đại biểu HĐND TP cho rằng việc thả rông chó không rọ mõm ở những nơi công cộng, chung cư… tiềm ẩn nguy cơ chó tấn công người, đe doạ sự an toàn của trẻ em, nên cần nghiêm cấm.
Tân Phú

Hải Nam – Đức Tiến