Góc trưng bày nhà thơ, nhà văn Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh tại Bảo tàng Văn học VN – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Chưa thu hút
Hiện bảo tàng vẫn còn tiếp tục bổ sung một số clip (đoạn phim) liên quan đến tác phẩm, tác giả. Góc trưng bày về nhà thơ Tố Hữu đã hoàn thiện và chiếm diện tích lớn hơn so với nhiều trưng bày khác, có tái hiện góc làm việc của ông, cùng nhiều hình ảnh ông qua các thời kỳ. Một màn hình để người tham quan có thể xem một đoạn phim về Tố Hữu, về cuộc đời và sáng tác của ông. Trong đó, còn có cả một đoạn ngâm thơ Tố Hữu nữa. Tuy nhiên, đoạn phim quá dài và quá ôm đồm. Trong khi người xem lại không thể tua nhanh hoặc biết trước nội dung để chọn phần mình ưng hơn cả.
|
|
|
Có những nhà văn không giải thưởng nhưng tác phẩm của họ xuất sắc thì họ vẫn xứng đáng. Bảo tàng Văn học phải nói được tiến trình của văn học
|
|
|
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên
|
|
|
“Thông thường người ta (chuyên gia bảo tàng – NV) khuyên là mỗi clip ở bảo tàng nên ngắn chỉ 3-4 phút”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói. Đoạn phim về nhà thơ Tố Hữu, theo ông Huy nên được cắt ra thành đoạn nhỏ. Tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên mà ông Huy là người sáng lập, các chuyên gia bảo tàng cũng đã cắt các tư liệu về GS-TS, nhà sử học Nguyễn Văn Huyên ra thành nhiều video clip, mỗi cái có một chủ đề riêng. Khách xem có thể tùy chọn các chủ đề mình thích để xem cho tiện.
Bảo tàng Văn học định dạng cho mỗi nhân vật bằng hình ảnh, tóm tắt sơ lược tiểu sử tác giả, tác phẩm. Vài nhân vật thêm một hai hình ảnh tư liệu hay chân dung do họa sĩ vẽ hoặc tượng. Phía dưới danh sách các tác phẩm là một loạt sách đã được in, thêm vài hiện vật như máy chữ, áo quần của tác giả nhưng không có câu chuyện đi kèm. “Chúng tôi không thấy những ấn bản sách hay bản thảo hiếm có ở đây”, một nhà sưu tập sách chia sẻ.
Chính vì thế, việc trưng bày này theo ông Huy nhận định là khá đơn điệu. Chẳng hạn, do thiếu câu chuyện kể nên trưng bày về nhà văn Nguyễn Tuân trở nên đáng tiếc. Bảo tàng cho biết gia đình nhà văn đã tặng chiếc gậy trên đó nhà văn khắc tên những vùng đất đã đi qua. Bởi thế, nếu có những câu chuyện về “chủ nghĩa xê dịch” mà ông Nguyễn Tuân từng tôn thờ, hiện vật đó sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều với công chúng. Ông Huy cũng tỏ ra tiếc nuối khi phần trưng bày về nhà thơ Trần Dần không có những câu chuyện liên quan về cuộc đời của ông. Chẳng hạn, có thể có những phỏng vấn nhân vật để nói về việc tác phẩm của Trần Dần như cuốn Những ngã tư và những cột đèn đã được xuất bản ra sao.
Chọn nhân vật bằng giải thưởng
Ông Huy cho rằng, việc lựa chọn các nhân vật để đưa vào bảo tàng cũng chưa ổn. “Mình lựa chọn con người vào bảo tàng với con mắt của người bây giờ, chỉ chọn bằng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh thì chưa phản ánh hết sự hình thành, phát triển của đời sống văn học”, ông Huy nói.
Nhà văn bản học Lại Nguyên Ân đưa ý kiến: “Anh em nói, văn học hiện đại mà chỉ bày những nhà văn được giải thưởng thì không ổn”. Ông cũng thấy bảo tàng thiếu vắng những dấu mốc văn học, tiến trình văn học. Chẳng hạn tác phẩm được coi là mở đầu văn xuôi quốc ngữ cũng không thấy trưng bày.
Góc trưng bày về những tác phẩm của nhóm Tự lực Văn đoàn – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên lại cho rằng, bảo tàng chưa thể hiện sự toàn diện của văn học. Chẳng hạn, trong thế kỷ 20, văn học hải ngoại cũng vẫn là văn học VN. “Bảo tàng Văn học nên gọi là Bảo tàng Văn học cách mạng VN thì đúng hơn”, ông Nguyên nói. Ông Nguyên cũng nuối tiếc vì bảo tàng đã không có góc tôn vinh Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh: “Đó là hai tác giả lớn của văn học VN hiện đại, cũng là hai thành tựu của văn học đổi mới. Họ là người đưa được văn học VN ra thế giới”.
“Tôi thấy ở đây vẫn là tư duy như xét danh hiệu nghệ sĩ ấy, theo huy chương. Có những nhà văn không giải thưởng nhưng tác phẩm của họ xuất sắc thì họ vẫn xứng đáng. Bảo tàng văn học phải nói được tiến trình của văn học. Thì nó phải nói được tiến trình, đội ngũ, sự phát triển”, ông Nguyên nói.