10/01/2025

‘Ma cô’ chiếm vỉa hè Sài Gòn

Nhiều khuôn viên công cộng ngay trung tâm TP.HCM đang bị một số người chiếm dụng bán nước giải khát, hàng rong… bát nháo gây mất mỹ quan đô thị, an ninh trật tự.

 

‘Ma cô’ chiếm vỉa hè Sài Gòn

 

 

Nhiều khuôn viên công cộng ngay trung tâm TP.HCM đang bị một số người chiếm dụng bán nước giải khát, hàng rong… bát nháo gây mất mỹ quan đô thị, an ninh trật tự.



'Ma cô' chiếm vỉa hè Sài Gòn - ảnh 1Buôn bán tấp nập ở khu vực công viên 30.4 trông lộn xộn làm mất mỹ quan đô thị – Ảnh: Đức Tiến
Ban đêm công viên trước Bưu điện TP.HCM (Q.1) đông nghịt người ra vào ăn uống; xe gắn máy xếp hàng ngang hàng dọc trông bát nháo, lộn xộn. Song bên trong khuôn viên được “phân lô” rõ ràng.
Phân chia lãnh địa
Vào một buổi tối gần đây, khi chúng tôi ngồi ở một góc công viên và gọi nước bên phía đối diện nhưng lạ thay, họ… không bán. “Nếu tụi em muốn uống nước của chị thì phải ngồi bên này chứ ngồi bên đó thuộc “địa phận” của người khác. Ở đây có nhiều chủ lắm. Em ngồi bên nào thì uống nước bên đó, chứ em ngồi bên người ta mà chị bán là dễ có chuyện”, chị “chủ quán” này giải thích. Chị này tiết lộ thêm về “luật ngầm” ở khu vực này: “Ngay cả mấy người bán hàng rong cũng vậy, nắng mưa gì cũng phải bán chết một chỗ chứ không được chạy qua khu khác bán là bị ăn đòn”.
Cách đó một con đường, công viên 30.4 (Q.1) còn đông đúc, nhộn nhịp hơn nhiều. Khu này được một người tên L. (ngụ Q.4) “cát cứ” bán cà phê, nước giải khát, kể cả người bán hàng rong. Đầu tháng 7.2015, tiếp xúc với chúng tôi, anh Ng. (chủ một thương hiệu cà phê di động) kể nhiều lần nhân viên anh vào công viên Lê Duẩn, khu vực trước Bưu điện TP.HCM bán cà phê đều bị “ma cô” ở đây đuổi đánh nhưng không biết vì sao.
'Ma cô' chiếm vỉa hè Sài Gòn - ảnh 2Lập bãi giữ xe lấy giá 10.000 đồng/xe gắn máy trên lề đường góc giao lộ Võ Văn Kiệt – Pasteur

Theo bà N. (kinh doanh gần khu vực Bưu điện TP.HCM) xác nhận bà là người từng đứng ra can thiệp kịp thời vụ việc nhân viên của anh Ng. bị người lạ đánh đập vô cớ vì dám đến khu vực bưu điện bán cà phê. “Tôi chứng kiến nhiều người bán hàng rong lạ mặt đến khu vực bưu điện bán cũng bị nhóm côn đồ đánh đập. Trong khi đó, ở đây cũng có nhiều người bán hàng rong quen mặt bán thì chẳng thấy có ai đánh đập, xua đuổi”, bà N. cho biết thêm.
Đầu tháng 3.2015, anh T.H.P (30 tuổi, quê Đồng Nai) đang đứng bán nước ở khu vực trên thì bị “ma cô” xông vào đánh hội đồng khiến anh bị thương. Anh P. nhớ lại: “Khi tôi vừa tới bán ở đây, có người tới nói: Mày biến đi chỗ khác bán. Không biến thì đừng có trách. Một lúc sau, người này dẫn thêm một thanh niên mặt mày bặm trợn đến kêu tôi ra nói chuyện riêng. Vừa đi ra thì bị tụi nó lao vào đấm đá túi bụi”. Nay anh phải chuyển đi bán ở nơi khác.
Ăn chặn tiền của khách

'Ma cô' chiếm vỉa hè Sài Gòn - ảnh 3

Lập bãi giữ xe lấy giá 10.000 đồng/xe gắn máy trên lề đường góc giao lộ Võ Văn Kiệt – Pasteur

Tại khuôn viên công cộng nằm sát bờ kênh Tàu Hủ (đoạn cuối đường Pasteur và đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.1), từ chiều đến tối có nhiều người bán nước giải khát, hàng rong tấp nập từ vỉa hè trải dài lên phía trên cầu Mống.
Vào một buổi tối cuối tháng 6.2015, chúng tôi vừa tạt vào khuôn viên trên thì có hai thanh niên lao đến níu kéo “tiếp thị” đồ ăn thức uống. Tưởng nhân viên của quán nên chúng tôi vào gọi một ly cà phê và vài xâu cá viên chiên, bò viên… Ăn xong, nhóm thanh niên đến tính tiền lấy hơn 75.000 đồng của chúng tôi, nhưng chỉ đưa 45.000 đồng cho chủ quán. “Nếu như em tới thẳng chỗ chị ngồi và gọi cà phê uống thì chị lấy 10.000 đồng/ly, còn nếu mấy đứa đó mời thì tụi nó sẽ tự ra giá từ 15.000 – 20.000 đồng/ly. Tụi nó sẽ đưa tiền gốc lại cho người bán, còn lại thì hưởng”, một chị bán nước giải khát ở đây giải thích.
“Đây là khuôn viên công cộng nhưng họ vào đây mua bán, chèo kéo khách gây mất an ninh trật tự. Bên kia đường, người ta còn giăng dây tổ chức giữ xe trên lề đường tại giao lộ Pasteur – Võ Văn Kiệt lấy giá 10.000 đồng/xe gắn máy. “Theo tui biết, khu vực mua bán trên do một người đàn ông tên Q. “súng” đứng phía sau; còn từ cột cờ (cầu Khánh Hội) kéo đến bến Bạch Đằng (gần khu vực Nhà máy Ba Son) là của H.”, ông T. (ngụ P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) tiết lộ.
Trung tá Lê Đức Thuận, Trưởng công an P.Bến Nghé (Q.1), thừa nhận các khu vực mà Báo Thanh Niên phản ánh có chuyện những người buôn bán hàng rong vì tranh giành khách mà xảy ra cãi vã, xô xát gây mất trật tự công cộng. Tuy nhiên, trung tá Thuận cho rằng: “Chưa phát hiện có chuyện bảo kê ở đây”. Còn thiếu tá Đặng Văn Cư, Trưởng công an P.Nguyễn Thái Bình (Q.1), cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch liên tịch giữa P.Nguyễn Thái Bình với P.9, P.12 (Q.4) và cả Ban Quản lý đường sông Sài Gòn và sẽ tiến hành đẩy đuổi số người bán hàng rong, đảm bảo an ninh trật tự”. Mặc dù vậy, về phản ánh của người dân về hai “trùm” Q. “súng” và H. thì lãnh đạo Công an P.Nguyễn Thái Bình thông tin sẽ xác minh và trả lời sau. 

Nguyên Bảo – Đức Tiến