Lịch sử không quên những bi hùng của dân tộc
Không chỉ chăm lo cho gia đình thân nhân liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, năm 2015, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN đã khởi công đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Lịch sử không quên những bi hùng của dân tộc
Không chỉ chăm lo cho gia đình thân nhân liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, năm 2015, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN đã khởi công đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Đến năm 2016, Tổng LĐLĐ VN sẽ tiếp tục xây dựng “Khu tưởng niệm Hoàng Sa” để tưởng nhớ những người con đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7), PV Thanh Niên đã phỏng vấn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng về các hoạt động có ý nghĩa trên.
Thưa ông, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐ VN phát động, trong đó có dự án xây dựng Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đã chiến đấu trong trận hải chiến Gạc Ma đang được dư luận xã hội và đông đảo tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Từ đâu, Tổng LĐLĐ VN có ý tưởng xây dựng công trình này?
Cuối năm 2009 đầu năm 2010, khi đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, ngư dân ta thường bị phía Trung Quốc (TQ) bắt, phải đóng tiền chuộc lại tàu thuyền mới được thả, hoặc bị thu cá, thu lưới, thu ngư cụ. Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả, Tổng LĐLĐ VN chủ trương thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, đồng thời phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” nhằm kêu gọi các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động, các tổ chức, cá nhân ủng hộ tài chính, vật chất để hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân… mua lại trang thiết bị, sửa chữa tàu thuyền tiếp tục ra khơi bám biển.
Tiếp nối thành công trên, năm 2014, Tổng LĐLĐ VN đã phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, kêu gọi ủng hộ thân nhân và gia đình các liệt sĩ Trường Sa, thân nhân những người đã ngã xuống khi tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 đang gặp khó khăn trong cuộc sống và hỗ trợ các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang làm nhiệm vụ trên Biển Đông. Đặc biệt, để tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc VN trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Tổng LĐLĐ VN chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã chiến đấu trong trận hải chiến Gạc Ma.
Sau khi thống nhất với Bộ LĐ-TB-XH, T.Ư Đoàn, ngày 13.3.2015, Tổng LĐLĐ VN phối hợp UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức Lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại khu Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hoà).
27 năm sau trận chiến, chúng ta mới có một công trình tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma, phải chăng là quá muộn?
Do những điều kiện hoàn cảnh lịch sử, nên 27 năm qua chúng ta vẫn chưa xây dựng một công trình tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó, theo tôi, muộn còn hơn là không bao giờ hoặc không dám thực hiện một việc cần làm như vậy. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh, Khánh Hoà nhằm tri ân và ghi công các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma ngày 14.3.1988.
Bất cứ ai ngã xuống vì chiến đấu bảo vệ biển đảo Tổ quốc đều đáng vinh danh và được tưởng nhớ công ơn cho dù họ là các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 1988 hay các cựu binh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Có ý kiến cho rằng nên đổi thành khu tưởng niệm các liệt sĩ bảo vệ chủ quyền Biển Đông, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi nghĩ rằng không nên đổi tên thành Khu tưởng niệm các liệt sĩ bảo vệ chủ quyền Biển Đông vì tên gọi Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được gắn liền với sự kiện lịch sử không thể nào quên, đó là ngày 14.3.1988 Trung Quốc đưa quân xâm chiếm đảo Gạc Ma.
Mặt khác, sắp tới đây, ngày 19.1.2016 đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm Trung Quốc đưa quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và 74 binh sĩ hải quân VN Cộng hòa đã vĩnh viễn nằm lại tại vùng biển này, chúng tôi sẽ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng Sa để thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và giáo dục thế hệ trẻ vì sự kiện không thể nào quên của trận hải chiến Hoàng Sa.
Tổng LĐLĐ VN phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” nhằm tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên những bi hùng của dân tộc, cũng là dịp để chúng ta tôn vinh những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Xin cảm ơn ông!
Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” sẽ vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực (vật chất, kinh phí) để xây dựng Khu tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân nhân dân VN anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma và hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính hải quân nhân dân VN đã hy sinh tại Gạc Ma năm 1988 và thân nhân của những người lính VN Cộng hoà đã nằm lại Hoàng Sa trong trận chiến Hoàng Sa (1974) đang gặp khó khăn. Mỗi tin nhắn (GM gửi 1407) ủng hộ 14.000 đồng cho chương trình và hoặc ủng hộ 1 viên gạch (tương ứng 20.000 đồng) để xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
|
Thu Hằng
(thực hiện)