10/01/2025

Khi răng lệch, lung lay

Vì một nguyên nhân nào đó, tế bào men răng có thể phát triển bất thường và tạo thành bướu phá huỷ xương hàm.

 

Khi răng lệch, lung lay

 

Vì một nguyên nhân nào đó, tế bào men răng có thể phát triển bất thường và tạo thành bướu phá huỷ xương hàm. 


Bướu nguyên bào tạo men phát triển lớn, người bệnh sẽ thấy răng ở vùng có bướu lệch lạc, di chuyển và lung lay.

 

 

Bác sĩ Nguyễn Thúy Châu khám răng cho bệnh nhân T.T.B.H. - Ảnh: L.TH.H.
Bác sĩ Nguyễn Thuý Châu khám răng cho bệnh nhân T.T.B.H. – Ảnh: L.TH.H.

Tháng nào Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM cũng tiếp nhận hơn năm bệnh nhân bị bướu nguyên bào tạo men đến điều trị trong tình trạng quá muộn. Vì quá muộn nên hầu hết bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khoẻ trầm trọng và khuôn mặt biến dạng nặng nề.

Mang bệnh 15 năm

Một ngày tháng 6, chị T.T.B.H. (24 tuổi, Hà Tĩnh) đến khoa phục hình Bệnh viện Răng hàm mặt TP khám với mong muốn nhổ hết các răng hô và chìa của hàm trên rồi trồng răng giả.

Khi khám, bác sĩ thấy hàm dưới của chị H. bị mất xương, răng di lệch rất nhiều nên chuyển bệnh nhân qua khoa phẫu thuật hàm mặt. Sau khi thăm khám, cho chụp CT-scan, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy xương hàm dưới (bên phải) do đã phẫu thuật bướu nguyên bào tạo men từ nhỏ.

Chị H. kể cách đây 15 năm bị u xương hàm dưới, đã được bác sĩ của một bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội phẫu thuật. Tuy nhiên khi phẫu thuật, bác sĩ của bệnh viện này không đặt nẹp tái tạo giữ khoảng xương hàm dưới nên xương hàm dưới của chị bị biến dạng.

Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Thuý Châu – trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt TP, do hàm dưới của bệnh nhân bị gãy xương bệnh lý, chỉ còn vài cái răng lung lay, cơ ở hàm mặt bị co rút, trong khi hàm trên lại vẩu ra và lệch hẳn 2cm so với hàm dưới nên bệnh nhân không nhai được.

Do hoàn cảnh quá khó khăn, không điều kiện phẫu thuật lại nên chị H. chấp nhận “sống chung” với bệnh tật. Cũng vì mắc bệnh này từ nhỏ nên chị H. gặp khó khăn trong ăn uống, dẫn đến suy dinh dưỡng nặng (24 tuổi nhưng chỉ cao 1,4m, nặng 35kg lúc nhập viện), bị thiếu máu nặng, không thể mổ sớm mà phải điều trị bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt để phục hồi sức khoẻ mới đủ sức chịu đựng cuộc mổ kéo dài ít nhất 5 – 6 giờ.

Bác sĩ Thuý Châu nhận định nếu sức khoẻ bệnh nhân H. tiến triển tốt, cuối tháng 7-2015 chị sẽ được phẫu thuật đưa xương hàm về vị trí đúng, rồi đặt nẹp tái tạo khung xương hàm dưới, đồng thời ghép xương mác của chính bệnh nhân vào chỗ thiếu hổng xương hàm dưới, sau đó gắn răng giả để chức năng ăn nhai và thẩm mỹ của chị H. được phục hồi.

Chị H. kể vì hàm răng bị biến dạng nên không dám tiếp xúc với nhiều người vì họ nhìn chị như “người kỳ dị”. Hồi còn đi học, chị chỉ biết đến trường rồi về nhà và rất buồn, sợ hãi vì hay bị bạn bè trêu chọc.

Cần điều trị sớm

Bác sĩ Thuý Châu cho biết bướu nguyên bào tạo men là loại bướu phát triển từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong quá trình phát triển của bản thân người đó. Trong quá trình này, tế bào men răng phát triển bất thường và tạo thành bướu phá huỷ xương hàm của người bệnh. Khi bướu nguyên bào tạo men phát triển lớn, bệnh nhân sẽ thấy răng ở vùng có bướu bị lệch lạc, di chuyển và lung lay nhiều răng.

Tại Bệnh viện Răng hàm mặt TP, hầu hết bệnh nhân đến khám có biểu hiện sưng mặt, một số kèm theo đau, có người đến khám vì thấy răng bị lệch lạc, lung lay. Để chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang, CT-scan đánh giá mức độ xương hàm bị phá huỷ.

Nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị sớm, bệnh nhân chỉ bị khoét bướu và vị trí xương bị mất sẽ ít hơn nên chức năng ăn nhai phục hồi sớm hơn, răng không bị lệch lạc và về thẩm mỹ không bị ảnh hưởng nhiều do tổn thương xương ít, mặt không bị lép, lõm.

Trường hợp bướu phát triển quá to, xâm lấn phần mềm, bắt buộc bác sĩ phải cắt đoạn xương để bướu không tái phát. Đồng thời đặt nẹp tái tạo giữ khoảng khung hàm để sau này ghép xương đúng vị trí, tránh tình trạng bị co kéo cơ hàm mặt làm biến dạng khuôn mặt.

Xương ghép cho bệnh nhân được lấy từ xương mào chậu (nằm bên hông) hoặc xương mác (ở chân) của chính bệnh nhân nên tỉ lệ ghép thành công nhiều hơn, phục hồi về mặt thẩm mỹ tốt hơn.

Đáng tiếc đa số bệnh nhân bị bướu nguyên bào tạo men đến điều trị tại bệnh viện đã ở giai đoạn muộn do hiểu biết về bệnh còn rất ít. Ngay cả bệnh nhân ở TP.HCM cũng có người bị sưng hàm vẫn không đi khám mà tự mua thuốc uống. Uống thuốc hoài không hết sưng mới đi khám bệnh.

Khi đến bệnh viện khám thì hàm đã sưng to và bướu nguyên bào tạo men đã phá huỷ xương hàm rất nhiều. Vì thế hầu hết bệnh nhân bị cắt bỏ hẳn một đoạn xương chứ không thể chỉ khoét một vị trí bướu, dẫn đến phục hồi chức năng ăn nhai thấp và gương mặt cũng xấu đi rất nhiều do bị lép hàm.

Bệnh có thể tái phát và hoá ác tính

Theo bác sĩ Thuý Châu, năm 2014 bệnh viện nhận phẫu thuật cho 23 bệnh nhân bị bướu nguyên bào tạo men nhưng chỉ sáu tháng đầu năm 2015 đã có 36 bệnh nhân được phẫu thuật.

Sau phẫu thuật cắt bướu nguyên bào tạo men, bệnh nhân vẫn có thể tái phát bệnh vì hai lý do: một là bác sĩ cắt không hết bướu, hai là bướu đã quá lớn, xâm lấn ra phần mềm và không được cắt theo lề an toàn, khi bướu đã ăn lan ra phần mềm thì bệnh rất dễ tái phát.

Khi bị bướu nguyên bào tạo men, bệnh nhân còn có nguy cơ ung thư với tỉ lệ hóa ác tính là 1%. Muốn tránh nguy cơ này, ở giai đoạn đầu bệnh nhân phải được điều trị triệt để, cắt rộng bướu.

Để phát hiện sớm bướu nguyên bào tạo men, bệnh nhân nên khám răng định kỳ sáu tháng một lần để nha sĩ tầm soát bệnh bằng việc khám lâm sàng từng răng và cho chụp X-quang răng kiểm tra.

Ngoài ra, nếu thấy có thay đổi bất thường như sưng, đau, răng lung lay, di chuyển thì phải đi khám sớm ở bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt.

Với bệnh nhân bị bướu nguyên bào tạo men đã phẫu thuật, sau khi xuất viện cần tái khám theo hẹn của bác sĩ để theo dõi u tái phát nhằm điều trị sớm.

 

LÊ THANH HÀ