Có giếng trời không lo thiếu nước
Ở vùng thiếu nước, nhà xây giếng trời để có ánh sáng, không khí, có chỗ phơi quần áo và hứng nước mưa để dùng.
Có giếng trời không lo thiếu nước
Ở vùng thiếu nước, nhà xây giếng trời để có ánh sáng, không khí, có chỗ phơi quần áo và hứng nước mưa để dùng.
Nước mưa hứng qua giếng trời – Ảnh: N.V.Thước |
Không chỉ Rạch Giá (Kiên Giang), miền Trung hay miền núi phía Bắc, mà ngay ở bán đảo Cà Mau cũng có nhiều vùng từng lúc rất khó khăn về nước uống và sinh hoạt.
Nhưng bù lại ở đây có đến 6 – 7 tháng mùa mưa, nếu ai biết tạo điều kiện và tận dụng tốt nguồn nước mưa sẽ giảm bớt được khó khăn.
Không tính đến những cơn mưa rào, mưa dông bình thường trong mùa mưa, hằng năm Nam bộ sẽ có trung bình trên 15 đợt mưa kéo dài 5 – 7 ngày hoặc lâu hơn, do ảnh hưởng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như khi có vùng áp thấp, có không khí lạnh hay áp thấp nhiệt đới hoặc có bão xuất hiện trên Biển Đông, và thường cũng chỉ cách nhau khoảng 10 ngày/đợt, với những trận mưa có cường độ lớn đến hàng chục li.
Nếu có vật chứa phù hợp, người dân sẽ hứng chứa đủ lượng nước xài trong kỳ nắng khoảng 5 – 7 ngày để đón đợt mưa tiếp sau.
Ở bán đảo Cà Mau, nhất là các vùng ven biển Tây, số lượng ngày mưa còn nhiều và đều hơn, là lợi thế cần quan tâm khai thác, tận dụng để giúp nâng cao đời sống người dân, góp phần cho mỗi gia đình và cả Nhà nước tiết kiệm được nhiều thứ.
Nhà chúng tôi ở khu dân cư mới tập trung tại TP Cà Mau, diện tích đất 4,5 x 27m, khi xây dựng nhà đã chừa giếng trời phía sau, diện tích 3,5 x 4,5m để đón nắng phơi đồ và hứng nước mưa.
Phần giếng trời này dù nhỏ nhưng trước nhất, trong nhà thường được hưởng những luồng gió mát lòn vào, có được chỗ nắng phơi đồ và được hứng nước mưa xài thoả thích!
Mặc dù trong nhà chỉ có năm lu sành và hai lu ximăng để chứa nước mưa uống, có thêm ba thùng nhựa loại 200 lít, bốn thùng đựng sơn cũ loại 20 lít và một hồ nuôi rắn tận dụng, với tổng dung tích dùng chứa nước mưa khoảng 4,5m3, thế nhưng khi mùa mưa đến thì năm người trong nhà xài nước mưa thoải mái đến hơn 6 – 7 tháng, không sợ bị cúp điện – nước hay các đợt nắng ít mưa kéo dài, mà còn trữ đủ nước mưa tốt uống suốt cả mùa khô, khỏi mất tiền mua nước bình.
Chúng tôi nghĩ rằng tại các khu dân cư mới hay bất cứ đâu, khi xây dựng nhà bà con nên thiết kế có giếng trời để hưởng nhiều cái lợi của trời ban, và nên có hồ hay vật chứa nước mưa để tận dụng dùng cho sinh hoạt.
Có thể xây hồ ngay dưới phòng giếng trời phía sau nhà hoặc nơi nào thích hợp và nên thiết kế đường máng xối có van để tách loại nước mưa đầu chưa sạch khi không muốn hứng chứa lại.
Riêng nhà nghèo nếu không đủ tiền xây hồ, mua dụng cụ chứa nước, có thể mua vật liệu rẻ tiền như các tấm vải nhựa sọc khổ lớn, các tấm nhựa PE… rồi chọn vị trí thích hợp, gần đường máng xối mái nhà để đào hố đất hay tấn gạch, cũng có thể cắm cọc cây bao quanh thành dạng hồ nước, rồi trải lót các tấm nhựa ấy làm hồ chứa nước trong mùa mưa để dùng sinh hoạt hằng ngày cũng đỡ khó khăn.
Lưu ý là các vật chứa nước đều phải có nắp đậy hoặc có biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy để không cho các loài muỗi, nhất là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển.
* Ông ĐỖ MẠNH CƯỜNG (Cục Quản lý môi trường y tế): Dùng vật liệu an toàn hứng và trữ nước mưa Nếu được thu hứng và lưu trữ đúng cách, nước mưa được coi là một nguồn nước an toàn để sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt tại các khu vực chưa được cấp nước đường ống, những nơi thiếu nước sạch hoặc có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai thảm hoạ, lũ lụt. Tuy nhiên, nước mưa không được khuyến khích uống trực tiếp mà vẫn cần phải đun sôi trước khi uống. Chất lượng nước mưa có thể bị suy giảm bởi hai nguyên nhân chính sau đây: – Nghiên cứu của G. Simmons và các cộng sự (2001) về nước mưa thu hứng từ mái nhà tại New Zealand, nghiên cứu của P. Smedley và D. Kinniburgh (2002) về asen trong các nguồn nước tự nhiên, trong đó có nước mưa, cho thấy hàm lượng một số chất ô nhiễm, ví dụ như kim loại nặng như asen, chì, kẽm, trong nước mưa cao hơn mức cho phép nếu nước mưa được ngưng tụ tại bầu khí quyển bị ô nhiễm do khí thải của các nhà máy, xí nghiệp khu công nghiệp, do sự bay hơi của một số hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, do thiên tai thảm hoạ như núi lửa, cháy rừng. Tuy nhiên nguy cơ ô nhiễm này khá thấp. – Việc thu hứng, lưu trữ và sử dụng nước mưa tại hộ gia đình không đảm bảo: trường hợp nước mưa được thu hứng từ mái, ống thu dẫn nước mưa nếu không làm vệ sinh mái, ống thu nước mưa thường xuyên thì bụi bẩn, phân chim, động vật, côn trùng, xác động vật, côn trùng có thể gây ô nhiễm nước mưa trong quá trình thu hứng nước. Bể chứa nước mưa nếu không được che đậy kín và làm vệ sinh thường xuyên cũng có thể bị ô nhiễm. Nước mưa cũng có thể bị nhiễm loại vi khuẩn thường gặp là E. coli trong quá trình thu hứng và lưu trữ. Đây là loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Ngoài ra nước mưa cũng có thể bị nhiễm một số vi khuẩn khác như Salmonella, Shigella gây tiêu chảy. Tuy nhiên, nhìn chung nguy cơ và mức độ nhiễm vi sinh vật của nước mưa thấp hơn rất nhiều so với nước giếng đào hoặc nguồn nước mạch và có thể giảm thiểu tới mức an toàn nếu chúng ta thiết kế hệ thống thu hứng và lưu trữ nước mưa an toàn, hoặc sử dụng các vật liệu an toàn để thu hứng, lưu trữ nước mưa. Khi sử dụng vật liệu để thu hứng và lưu trữ nước mưa cần chú ý sử dụng các vật liệu an toàn để tránh thôi nhiễm hoá chất từ vật liệu do nước mưa thường có tính axit nhẹ, có khả năng hoà tan các kim loại và chất khoáng. Không sử dụng tấm lợp amiăng để thu hứng nước mưa; không tận dụng các loại thùng đựng hoáchất, sơn, thuốc trừ sâu hoặc hoá chất bảo vệ thực vật… để trữ nước. |