10/01/2025

Đi đường lún vẫn phải trả phí

Người dân vẫn đang phải trả phí để đi trên những con đường xuống cấp, trong khi quy định tiêu chuẩn dừng thu phí của Bộ GTVT còn khá mập mờ.

 

Đi đường lún vẫn phải trả phí

 

 

Người dân vẫn đang phải trả phí để đi trên những con đường xuống cấp, trong khi quy định tiêu chuẩn dừng thu phí của Bộ GTVT còn khá mập mờ.

 

Đi đường lún vẫn phải trả phí - ảnh 1
Chỉ sau 5 tháng đưa vào sử dụng, đoạn Quốc lộ 1A từ tuyến tránh TP.Hà Tĩnh đến Đèo Con (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bị hằn, lún nghiêm trọng – Ảnh: Nguyễn Dũng
Dù số dự án bị hằn lún, xuống cấp nhiều đến hàng chục, nhưng chỉ mới một vài dự án bị yêu cầu dừng thu phí như QL18, hầm đường bộ đèo Ngang.
Xuống cấp vẫn đòi tăng phí
 
 
Tổng cục Đường bộ mới đây đã có văn bản gửi các nhà đầu tư và các đơn vị trực thuộc, giao các cục quản lý đường bộ thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp BOT có công trình BOT đã đưa vào khai thác phải thực hiện đúng quy định về quản lý, bảo trì công trình đường bộ. Trường hợp mất an toàn giao thông, kiến nghị tổng cục xem xét, quyết định dừng thu phí theo quy định.
 

Trên tuyến QL5 đoạn qua khu vực Hưng Yên, TP.Hải Dương, nhiều đoạn hằn lún nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện từng rãnh lớn khiến các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. Một số đoạn tuyến đang được đơn vị bảo trì xử lý bằng cách cào lên, tạo thành những rãnh nham nhở.

Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Cục phó Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ VN) – đơn vị được giao quản lý, bảo trì tuyến QL5, những đoạn bị lún dưới 2,5 cm sẽ sử dụng máy cào để cào bằng mặt đường, còn những vị trí lún trên 5 cm sẽ bóc lên thảm lại. QL5 có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, trong đó nhiều xe tải container tải trọng lớn nên mặt đường cũng nhanh xuống cấp.
Trong khi đó, mới đây Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI), đơn vị được Chính phủ cho phép thu phí QL5 để hoàn vốn cho dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến hết thời gian kinh doanh BOT, vừa có văn bản đề nghị tăng phí trên QL5 kịch trần theo thông tư của Bộ Tài chính. Theo đó, VIDIFI đề xuất từ 1.4.2016 phí trên QL5 thấp nhất 52.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi và cao nhất là 200.000 đồng/lượt/xe tải 18 tấn trở lên, container 40 feet.
Bất cập ở chỗ, VIDIFI được thu phí và đang đề xuất tăng phí hoàn vốn đầu tư cho tuyến đường khác, trong khi kinh phí duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này lại lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư. Hằng năm, quỹ bảo trì cấp khoảng 8 tỉ đồng để bảo trì tuyến đường này. Sắp tới, khi hết thời hạn bảo hành dự án nâng cấp, sửa chữa mặt đường QL5, việc duy tu, sửa chữa QL5 sẽ tiếp tục trông chờ vào ngân sách từ quỹ bảo trì, trong khi mật độ lưu thông các phương tiện trên tuyến này dày đặc, mức độ hư hỏng mặt đường rất nhanh.
Đi đường lún vẫn phải trả phí - ảnh 2
Chưa đầy nửa tháng sau khi Quốc lộ 18, đoạn Uông Bí – Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thông xe, hiện tượng lún, nứt nghiêm trọng đã xuất hiện – Ảnh: Thúy Hằng
Nếu đề xuất tăng phí của VIDIFI được thông qua, người tham gia giao thông trên QL5 sẽ phải chịu thêm phí mới cao hơn, dù vẫn phải đi trên con đường đã xuống cấp, chậm được sửa chữa.
Mập mờ quy định dừng thu phí
Không chỉ QL5, hàng loạt đoạn tuyến trên QL1A, QL20, QL18 đều đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, nhiều tuyến xuất hiện hằn lún chỉ sau vài tháng đưa vào khai thác như các gói thầu trên dự án nâng cấp, mở rộng QL1A.
Theo thống kê của Bộ GTVT, trên tuyến QL1 đến nay vẫn còn nhiều đoạn tuyến bị hằn lún vệt bánh xe nghiêm trọng như đoạn Hà Nam (Đồng Văn, Phủ Lý), đoạn qua tỉnh Ninh Bình, dự án đoạn Dốc Xây – TP.Thanh Hóa, đoạn Thanh Hóa – Nghi Sơn, Cầu Giát – Diễn Châu, Diễn Châu – Quán Hành, đoạn qua Thừa Thiên-Huế, đoạn Phan Thiết – Đồng Nai…
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), cho biết Bộ đã cho thời hạn các dự án này đến hết tháng 7.2015 phải sửa chữa xong các đoạn hằn lún, hư hỏng. Về việc có yêu cầu dừng thu phí với các đoạn tuyến hằn lún kéo dài hay không, ông Sanh nói nếu quá thời hạn nhà đầu tư không sửa chữa xong mới tính đến chuyện dừng thu. “Đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phải dừng để sửa chữa, anh cung cấp sản phẩm cho xã hội phải tốt, nếu không tốt thì phải dừng thu phí”, ông Sanh khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho rằng không thể vì một đoạn ngắn hằn lún mà dừng thu phí cả tuyến đường. Hiện đã có tiêu chuẩn nếu hằn lún trên 2,5 cm nhà thầu phải cào bóc, sửa chữa, nếu không sửa chữa được mới dừng thu phí. Theo ông Huyện, cuối năm nay dự kiến Tổng cục Đường bộ sẽ trình Bộ GTVT xây dựng thông tư quy định những tiêu chuẩn cụ thể, như bao nhiêu mét vuông hằn lún, hằn lún sâu bao nhiêu, ổ trâu ổ gà bao nhiêu, độ nhám mặt đường có bảo đảm không, nhà thầu phải khắc phục trong bao lâu… thì dừng thu phí.
Đi đường lún vẫn phải trả phí - ảnh 3
Chỉ sau 5 tháng đưa vào sử dụng, đoạn Quốc lộ 1A từ tuyến tránh TP.Hà Tĩnh đến Đèo Con (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bị hằn, lún nghiêm trọng – Ảnh: Nguyễn Dũng
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng những quy định này trong tiêu chuẩn khai thác đường bộ đã có, điều cần làm là rà lại tiêu chuẩn, như lún bao nhiêu thì chấp thuận cho khai thác, lún bao nhiêu thì phải dừng thu phí, sửa chữa.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông, về nguyên tắc chỉ được thu phí khi đường đảm bảo tiêu chuẩn khai thác, việc thu phí khi đường hằn lún kéo dài nhiều tháng là bất hợp lý.
“Với các dự án BOT quy định càng phải chặt chẽ, như lún trên đoạn bao nhiêu mét vuông, lún sâu bao nhiêu, dài bao nhiêu ki lô mét, kéo dài bao nhiêu tháng thì dừng thu phí. Thậm chí phải dựa trên nghiên cứu những đoạn hư hỏng đó gây bất lợi cho người tham gia giao thông và mất an toàn giao thông như thế nào. Bộ phải có quy định chặt chẽ và công khai các quy định này. Ngoài ra, những quy định này phải đưa ra trong hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, chứ không thể chỉ khi Bộ trưởng kiểm tra thấy dự án nào dư luận bức xúc quá, yêu cầu dừng thu thì chủ đầu tư mới dừng thu phí. Bộ phải đứng về phía người dân”, ông Sanh nói.

Mai Hà