28/11/2024

Ngôi chùa cổ 500 năm tuổi chờ… sập

Chùa Phúc Lâm (hay còn gọi là chùa Nả, ở xã Chu Minh, H.Ba Vì, Hà Nội) – một trong số ít ỏi những ngôi chùa thời Mạc còn lại đến ngày nay – đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

 

Ngôi chùa cổ 500 năm tuổi chờ… sập

 

Chùa Phúc Lâm (hay còn gọi là chùa Nả, ở xã Chu Minh, H.Ba Vì, Hà Nội) – một trong số ít ỏi những ngôi chùa thời Mạc còn lại đến ngày nay – đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.


Phía trong chùa có rất nhiều cây cột chống đề phòng phần trần nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào - Ảnh: Dũng Minh

Phía trong chùa có rất nhiều cây cột chống đề phòng phần trần nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào – Ảnh: Dũng Minh

Hiện tại, các hạng mục xung quanh chùa Phúc Lâm hầu như đã được xây mới. Chùa cổ chỉ còn một gian mang kiến trúc cổ thời Mạc (thế kỷ 16). Lối kiến trúc đặc trưng thời nhà Mạc của chùa cổ vẫn còn giữ được đến ngày nay, chẳng hạn toà nhà có kết cấu một gian hai chái, 4 cột cái lớn, xung quanh là 12 cột quân (cột con) tạo thành hai bộ. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ 17 đạo sắc phong, 5 tấm bia tạo tạc 2 mặt được dựng từ nhiều thế kỷ trước, nhiều pho tượng cổ, cổ vật, chẳng hạn như chiếc chuông có niên đại năm Đinh Tỵ (1797).
Với những giá trị lịch sử và văn hoá của chùa Phúc Lâm cổ, năm 2004, chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Vậy nhưng công trình cổ hiện đang có nguy cơ thành phế tích.
Di tích lịch sử quốc gia phải “chống nạng”
Theo quan sát của chúng tôi, tại gian chùa cổ này, toàn bộ cột, kèo gỗ của chùa đã bị mục ruỗng, các đầu mối đã bị rời ra, thay vào đó là những cột gỗ chống đỡ tạm bợ. Các bức tường nhiều chỗ đã nứt toác, gạch và ngói rơi vãi khắp nơi trong chùa. Ngoài ra, phần mái của ngôi chùa cổ cũng có nhiều chỗ đã bị xô, sạt thủng. Ông Phùng Quang Chiến, người tham gia trông coi chùa, lo lắng: “Trước tình trạng chùa Phúc Lâm xuống cấp nghiêm trọng, mọi người đã phải chống tạm bằng những trụ gỗ. Chỉ cần một cơn bão đi qua, ngôi chùa có thể đổ sập bất cứ lúc nào”.
Năm 2014, chính quyền xã huy động vốn xây thêm mái tôn lợp ra bên ngoài phần ngói cũ để che chắn. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, nhà chùa đã cho di dời các tượng phật ra ngoài và treo biển cấm phật tử vào trong chùa hành lễ. “Năm nào cũng có đoàn đến tìm hiểu thông tin, bảo sẽ tiến hành tu sửa chùa nhưng chờ mãi vẫn không thấy thay đổi gì”, một bà vãi trong chùa nói. Chúng tôi đã liên hệ ông Lê Văn Minh – Chủ tịch UBND H.Ba Vì thì được cho biết sau khi nhận đơn thư trình báo của người dân đã gửi kiến nghị lên TP.Hà Nội nhưng chưa có câu trả lời. “Tạm thời vẫn chỉ quây tôn và chờ thôi”, ông Minh nói.
Mái ngói cổ bị rơi vỡ, để lại mảng thủng lớn

Mái ngói cổ bị rơi vỡ, để lại mảng thủng lớn

Chưa thể trùng tu vì thiếu kinh phí
Theo thông tin từ Phòng Quản lý di tích, Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội, hồ sơ xin phép trùng tu, tu bổ chùa Phúc Lâm đã được gửi lên Bộ VH-TT-DL và nhận được văn bản thoả thuận ký từ tháng 10.2014. Cán bộ phụ trách hồ sơ chùa Phúc Lâm của Phòng Quản lý di tích cho hay, việc trùng tu, tu bổ di tích này nằm trong kế hoạch 50 – Chương trình mục tiêu quốc gia văn hoá trên địa bàn TP.Hà Nội. Vậy nhưng, vì sao đã gần một năm trôi qua, di tích cổ vẫn ngắc ngoải kêu cứu?
“Hiện nay, ngân sách đang khó khăn. Hà Nội còn nhiều di tích sắp sập nhưng tiền chưa có”, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH-TT-DL nói. Ông Động khẳng định: “Chủ trương của Sở là ủng hộ 100% cho các di tích bị xuống cấp phải được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Kiến nghị là thế nhưng bí là ngân sách không có tiền”.
“Nói thành phố không có ngân sách để trùng tu, tu bổ di tích thì cũng không đúng nhưng vì Hà Nội có nhiều di tích quá! Với số lượng như thế, cả kinh phí từ ngân sách lẫn từ nguồn xã hội hóa đều chưa thể đáp ứng nhu cầu trùng tu, tu bổ” – ông Động giải thích. Hiện tại, Sở VH-TT-DL chỉ phụ trách về mặt chuyên môn, còn kinh phí lại do Sở Kế hoạch – Đầu tư quản lý. Theo quy định về phân cấp quản lý, tiền của thành phố “rót” xuống cho chính quyền địa phương. Bởi vậy, theo ông Động, dù cơ quan quản lý có chủ trương nhưng đành “lực bất tòng tâm”. “Khi đã phân cấp rồi, ngân sách chuyển xuống cấp nào thì cấp đó phải lo. Có lẽ, huyện đang có những vấn đề an sinh bức xúc khác, nên chưa dành ngân sách cho trùng tu, tu bổ di tích. Hiện việc phân cấp quản lý về di tích đang bộc lộ nhiều hạn chế”, vị Giám đốc Sở VH-TT-DL nói.
Đã nhiều lần tới chùa Phúc Lâm (chùa Nả), PGS-TS Trần Lâm Biền đau xót trước tình trạng của chùa: “Nhà chùa chỉ thích xây mới, lấy tiền để xây chùa mới, làm chung quanh mới toét cả ra, riêng ngôi chùa cổ mang giá trị như vậy thì không thèm quan tâm, không biết bảo vệ cái truyền thống. Trách nhiệm cao hơn chính là trách nhiệm của những cơ quan chính quyền và cơ quan văn hoá không chịu quan tâm, mặc dù biết là ngôi chùa cổ có giá trị như vậy. Đừng đổ tội là không có tiền, nếu có ý thức bảo vệ thì đã khác”.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cảnh báo: “Số lượng những ngôi chùa thời Mạc hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu không bảo vệ, thì chùa cổ sẽ… một đi không trở lại”.

 

Ngọc An – Dũng Minh