Không nhen nhóm lòng háo danh
Đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Định, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), trong trao đổi với Tuổi Trẻ.
Thay “lớp trưởng” bằng “chủ tịch”: Không nhen nhóm lòng háo danh
Đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Định, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), trong trao đổi với Tuổi Trẻ.
Đồ hoạ: TẤN ĐẠT – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Trước nhiều ý kiến không đồng tình việc “thay chức lớp trưởng bằng chủ tịch trong lớp tiểu học”, ông Phạm Ngọc Định cho biết:
– Trong dự thảo điều lệ trường tiểu học, Bộ GD-ĐT không quy định cứng bỏ chức lớp trưởng, lớp phó thay bằng chức chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đối với tất cả các trường tiểu học mà cho phép các trường tham gia mô hình trường học mới.
Việc thực hiện mô hình trường học mới được triển khai trên tinh thần tự nguyện, nơi nào tự tin thì thực hiện, nơi nào chưa tự tin toàn bộ thì có thể áp dụng từng phần của mô hình, không chạy theo phong trào, không mang tính bắt buộc trên toàn quốc.
Những nơi đã thực hiện mô hình trường học mới (áp dụng hoàn toàn hoặc một phần mô hình này) thì có thể hướng dẫn học sinh bầu hội đồng tự quản với chủ tịch, các phó chủ tịch.
Ngoài ra trong lớp còn có các ban như ban học tập, ban đối ngoại, tuyên truyền, ban lễ tân, ban đời sống… tuỳ theo nhu cầu học tập của lớp học.
Học sinh được bầu chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban không do giáo viên áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, tập thể bình bầu luân phiên theo tháng hoặc học kỳ, năm để nhiều học sinh được tham gia hoạt động tập thể.
Thực tế đã chứng tỏ hội đồng tự quản trong lớp học như mô hình trường học mới không những không làm mất sự hồn nhiên, trong sáng mà còn khích lệ, nuôi dưỡng sự hồn nhiên, trong sáng của các em học sinh |
Không quy định cứng bỏ chức lớp trưởng
* Có nhiều ý kiến cho rằng “thay lớp trưởng bằng chủ tịch” là việc không cần thiết, làm nhen nhóm tư tưởng háo danh ở con trẻ. Vậy ông giải thích như thế nào về quy định mới này?
– Các em học sinh trong hội đồng tự quản không chỉ tuân thủ các yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm một cách cứng nhắc như vai trò của lớp trưởng, lớp phó của các lớp học truyền thống mà các em có thể đề đạt lên giáo viên, lên nhà trường những ý kiến thu thập từ các bạn hoặc ý kiến cá nhân về các hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản, điều hành lớp/ban, góp ý cho các bạn.
Thầy cô giáo và phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ. Đây là cách để học sinh tự tin, năng động, có trách nhiệm với tập thể và cá nhân, biết hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.
Trên thực tế, chúng ta có thể hỏi bất cứ phụ huynh nào có con từng được học mô hình trên đều thấy không hề có chuyện “nhen nhóm lòng háo danh” như một số người đề cập. Nói như vậy là chúng ta đang áp đặt quan điểm, suy nghĩ thông thường của người lớn vào con trẻ mà không hiểu bản chất vấn đề.
Các chức danh của hội đồng tự quản lớp học không có bất cứ quyền lợi gì mà chỉ đơn giản là vị trí học sinh tự bầu lên để cùng nhau quản lý lớp học, cùng học tập, hoạt động trong bầu không khí dân chủ.
* Có nhiều ý kiến cho rằng việc bắt các em nhỏ làm những chức vụ to tát như chức chủ tịch, phó chủ tịch là quá sức các em, trong khi trẻ em cần được sống hồn nhiên, trong sáng, tập trung vào học hành. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
– Muốn biết có “to tát” hay không thì phải tìm hiểu các quy định, phải nhìn vào hoạt động thực tế của các em chứ không thể suy luận từ tên gọi của các chức danh này. Bởi ở đây các em sẽ không bị áp đặt cứng nhắc, không sợ hãi, không lo phải giấu giếm suy nghĩ cá nhân, mà ngược lại được làm quen với việc nói lên suy nghĩ của mình, trao đổi, thảo luận, xây dựng các hoạt động của lớp và tự nguyện tham gia, nhận xét về bản thân và bạn bè.
Điều này giáo dục các em biết sống tự tin, tự lập, thẳng thắn, chủ động. Nếu duy trì được thì con trẻ của chúng ta sẽ sửa chữa được nhiều khiếm khuyết mà các thế hệ học sinh trước đó thường có như sự thụ động, né tránh, không có chính kiến, không dám phản biện, thuyết phục, không có tinh thần tập thể, bàng quan với mọi vấn đề của bạn bè và cuộc sống xung quanh…
Trẻ em chưa phải là người lớn, đừng nghĩ các em phải chạy đua để được vào vị trí chủ tịch, phó chủ tịch như người lớn từng làm ở đâu đó, vì còn có vai trò của giáo viên.
Trái lại, công việc của các em trong hội đồng tự quản là những việc gần gũi với hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi của các em. Bên cạnh các em còn có thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng tham gia tư vấn, giúp đỡ.
Để các em tự quản, chủ động trong sinh hoạt, học tập cũng chính là hướng tới việc giáo dục con người mới. Nói cách khác, đó là một trong những hoạt động học tập theo định hướng mới, chứ không phải cứ bắt các em ngồi ngay ngắn, nghe thầy cô giảng bài mới là học tập.
Không nặng về điểm
* Vậy ngoài quy định thành lập hội đồng tự quản lớp học, ông có thể nêu thêm ưu điểm nào khác nổi bật của mô hình trường học mới được đưa vào điều lệ trường tiểu học?
– Khi Bộ GD-ĐT triển khai việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học (quy định trong thông tư 30), nhiều trường tiểu học, giáo viên lo lắng, sợ việc không chấm điểm thường xuyên sẽ làm mất động lực học tập của học sinh hoặc kêu ca là khó thực hiện, nhưng những nơi từng áp dụng mô hình trường học mới thì lại thực hiện tốt.
Điều này do ngay trong mô hình trường học mới đã quy định cách đánh giá học sinh tương tự thông tư 30. Có nghĩa việc đánh giá học sinh thực hiện trong quá trình, với việc phát hiện và hướng dẫn học sinh từng bước vượt qua khó khăn, khích lệ sự tiến bộ của các em, không nặng nề vào điểm số.
Việc đánh giá như vậy có tác dụng động viên sự ham thích học tập của chính các em chứ không phải tạo động lực từ sự thúc ép của người lớn. Việc đánh giá học sinh cũng coi trọng năng lực, phẩm chất cá nhân của mỗi em chứ không áp dụng cứng nhắc các tiêu chí như trước.
Đặc biệt, những hành vi như phê phán học sinh trước cả lớp bị nghiêm cấm. Đây là những thay đổi có tính nhân văn và cũng đã được rút ra từ thực tiễn triển khai mô hình trường học mới và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, vì thế bộ đã đưa vào dự thảo điều lệ.
* Tại dự thảo điều lệ học sinh tiểu học vẫn giữ quy định trong điều lệ đã ban hành về sĩ số không quá 35 học sinh/lớp. Nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên cho rằng quy định này lạc hậu so với thực tế, vì sao không điều chỉnh?
– Hiện nay tại một số trường ở thành phố lớn, sĩ số học sinh/lớp của một số trường tiểu học ở mức cao, nhiều nơi trên 50 học sinh/lớp. Tuy nhiên, điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành áp dụng trên toàn quốc, căn cứ vào mục đích, chương trình giáo dục và đối tượng học sinh chứ không thể căn cứ vào tình trạng ở một số nhà trường để “nắn” quy định theo.
Với chương trình giáo dục tiểu học hiện hành, việc quy định sĩ số không quá 35 học sinh/lớp là phù hợp với khả năng đầu tư, yêu cầu dạy học, tâm sinh lý học sinh và khả năng bao quát, thực hiện nhiệm vụ dạy học của giáo viên. Đây là quy định nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục tối thiểu.
Ở những nước tiên tiến, một lớp học tiểu học thường không quá 25 học sinh. Trên thực tế nước ta, tại nhiều trường, sĩ số học sinh tối đa chỉ ở mức 35 học sinh/lớp, có thể còn thấp hơn.
Những nơi có sĩ số vượt quá quy định này, lãnh đạo ngành GD-ĐT của các địa phương đó phải có giải pháp và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên, mở rộng mạng lưới trường học, thực hiện nghiêm túc quy định tuyển sinh để đảm bảo thực hiện đúng quy định này.
Cá nhân tôi đề xuất ở những nơi tạm thời chưa giảm được sĩ số học sinh như quy định thì cấp chính quyền hỗ trợ ngành giáo dục có thể bố trí hai giáo viên một lớp.