Nên cắt thắng lưỡi cho trẻ khi nào?
Thắng lưỡi là một màng niêm mạc hình tam giác dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Chức năng chính xác của thắng lưỡi hiện nay chưa được biết rõ.
Blog bác sĩ: Nên cắt thắng lưỡi cho trẻ khi nào?
Thắng lưỡi là một màng niêm mạc hình tam giác dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Chức năng chính xác của thắng lưỡi hiện nay chưa được biết rõ.
Dính thắng lưỡi |
Tại sao phải cắt thắng lưỡi ?
Dính thắng lưỡi hay còn gọi là thắng lưỡi ngắn, tức là màng niêm mạc này ngắn hoặc dính vào sát đầu lưỡi làm cho lưỡi di động kém. Đây là một bất thường bẩm sinh. Bệnh thường đưa đến các hậu quả là trẻ nhỏ khó bú, chậm tăng cân, làm đau núm vú hoặc viêm núm vú của mẹ. Khi lớn hơn sẽ làm trẻ phát âm không rõ một số âm tiết.
Có nhiều cách phân độ và phân loại dính thắng lưỡi.
Có hai loại dính thắng lưỡi: một là dính phía trước của lưỡi, chỉ dính phần màng mỏng gần đầu lưỡi. Loại này thường gặp nhất chiếm khoảng 95%. Hai và dính phía sau của lưỡi, dính sàn miệng vào phía sau mặt dưới của lưỡi, không dính ở đầu lưỡi, lớp màng rất dày, loại này rất ít gặp chỉ chiếm khoảng 5%.
Cả hai loại đều được chia ra thành ba mức độ: thứ nhất là bình thường: đầu lưỡi có thể chạm vào vòm khẩu cái cứng, lưỡi hoạt động bình thường, đưa ra trước và hai bên dễ dàng; Thứ nhì là dính mức độ trung bình: đầu lưỡi không thể chạm vòm khẩu cái cứng, có sự hạn chế chuyển động của lưỡi; Thứ ba là dính mức độ nặng: đầu lưỡi hầu như dính vào sàn miệng, di chuyển rất kém, không thể đưa đầu lưỡi lên trên, ra ngoài và sang hai bên.
Thời điểm cắt thắng lưỡi phù hợp ?
Thông thường sau sanh, bác sĩ nhi khoa sẽ tiến hành kiểm tra, nếu có dính thắng lưỡi hoặc nghi ngờ có dính thắng lưỡi, bé sẽ được chuyển đến khoa tai mũi họng để các bác sĩ tai mũi họng khám và đưa ra chẩn đoán sau cùng. Nếu có dính thắng lưỡi phần màng thì nên cắt ngay lập tức. Thủ thuật thì lại rất đơn giản, chỉ cần dùng kéo cắt ngay phần màng, không cần thuốc tê, hầu như không chảy máu, rất ít đau, bé bú lại ngay sau khi cắt từ 10 đến 15 phút không làm tổn thương đến tâm lý trẻ về sau, làm gia đình an tâm không phải lo lắng theo dõi. Không nên trì hoãn vì càng lớn mạch máu và thần kinh đến nuôi thắng lưỡi sẽ nhiều hơn do vậy sẽ đau hơn, chảy máu nhiều hơn. Đối với các trường hợp dính thắng lưỡi phía sau thì phải đợi trẻ lớn đến hai tuổi mới có thể tiến hành phẫu thuật tạo hình lưỡi dưới gây mê.
Khi nào thì không nên cắt thắng lưỡi ?
Dính thắng lưỡi |
Thủ thuật cắt dính thắng lưỡi tuy đơn giản nhưng không nên thực hiện trong tình huống bé có rối loạn đông máu hoặc có nhiễm trùng răng miệng,
Dính thắng lưỡi có phải là nguyên nhân của chậm nói ?
Dính thắng lưỡi chỉ làm nói ngọng một số âm cần phải dùng đến đầu lưỡi như âm: t, d, l, n, th.
Khi bé bị chậm nói, có thể do nghe kém do viêm tai giữa tiết dịch hoặc do bất thường não bộ do viêm não, bại não, sanh non; hoặc do rối loạn phát triển như bệnh tự kỷ; hoặc do di truyền.
Do vậy khi bé bị chậm nói nên đưa bé đến khám tai mũi họng, chuyên khoa thần kinh, chuyên khoa tâm lý hơn là tập trung vào vấn đề dính thắng lưỡi.