09/01/2025

Đi bơi cho đời thêm tươi, thân thêm khoẻ

Trời vừa tờ mờ sáng, hồ bơi Trung tâm Văn hoá quận Gò Vấp (TP HCM) đã tấp nập người trung niên.

 

Đi bơi cho đời thêm tươi, thân thêm khoẻ

 

Trời vừa tờ mờ sáng, hồ bơi Trung tâm Văn hoá quận Gò Vấp (TP HCM) đã tấp nập người trung niên.

 

 

Nhiều người đến hồ bơi Trung tâm Văn hóa Gò Vấp tập bơi vào mỗi buổi sáng để rèn luyện sức khỏe - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều người đến hồ bơi Trung tâm Văn hoá Gò Vấp tập bơi vào mỗi buổi sáng để rèn luyện sức khoẻ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Sương sớm hơi lành lạnh, ngó xuống nước có hơi ớn nhưng sau khi làm nóng và tắm tráng trên bờ, nhảy ùm xuống nước thì ấm áp vô cùng.

Dưới làn nước trong xanh, từng người bơi nối đuôi nhau sải tay quạt nước lướt đi nhẹ nhàng. Hồ có hàng dây phao chia đường thẳng băng, chạy suốt chiều dài 50m nên mọi người bơi thoả sức.

Xen giữa đợt nghỉ để thở nước, mọi người hỏi thăm nhau: “Mấy vòng rồi, bữa nay khoẻ hông, cái chưn (chân) bớt nhức hông?”, “Mới năm vòng hà, khoẻ hơn hồi bữa, đỡ dữ lắm”. Rồi nghe nhắc nhau: “Còn hai vòng nữa đủ, ráng lên. Vọt!”.

Vậy là làn nước toé ra trắng xoá, những bóng người lao đi như xé nước, chẻ ra hai bên những vệt sóng dài…

Chân hết bị “xỉa”

Dù tuổi trung niên nhưng mọi người bơi rất khoẻ. Người bét nhất cũng năm vòng (mỗi vòng 100m), trung bình 7 – 8 vòng, người giỏi nhất phải tới 18 – 20 vòng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, 55 tuổi – người được coi là nổi nhất bữa nay (bởi bà đội nón bơi màu hồng) – cho biết: “Mỗi ngày tui kiếm chừng 10 vòng là đủ, lượt đi thì (trườn) sấp, về thì ếch, sau đó “đi bộ”.

Nói rồi bà cắp cái phao tim trước ngực, buông người đứng dưới nước, hai chân đạp đạp giống như đi bộ. Bà nói rằng động tác này giúp hai chân cân bằng, phục hồi chức năng rất hiệu quả.

Khi bà Hồng lên bờ và bước đi, dáng hơi khập khiễng. Bà bộc bạch: “Tui bệnh bại liệt từ nhỏ. Cũng có chồng, sinh con bình thường nhưng lúc lớn tuổi thì cái chưn từ từ yếu đi. Tui ráng đi bơi cho chưn nó khoẻ mà cả người cũng khoẻ luôn. Bơi riết nay đã 10 năm rồi, cái chưn bị liệt gần như hồi phục. Chẳng những cơ không bị teo mà còn đầy trở lại”.

Cũng có dáng đi khập khiễng là ông Đinh Thanh Sơn, 55 tuổi. Ông vốn là vận động viên quyền anh. Chín năm trước trong một lần tập luyện ông bị đột quỵ và liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Sau nhiều đợt chữa trị, cả uống thuốc và tập vật lý trị liệu, ông quyết tâm đi bơi.

“Lúc xuống nước con người nó thiệt nhẹ nhàng, sảng khoái. Lúc lên bờ cái đầu nhẹ tênh hà, hầu như mọi ưu phiền, mệt mỏi đều tan biến hết. Mà cái chưn càng tuyệt vời hơn. Sau sáu năm đi bơi cái chưn đi không bị “xỉa” nữa mà chỉ còn nghiêng chút đỉnh thôi”.

Còn bạn Đỗ Minh Phúc mới 30 tuổi, chưa vợ con, công việc ổn định. Trong một trận đá banh, Phúc té và nghe đau ở khớp háng. Về nhà Phúc uống thuốc giảm đau, thấy hết nên đi đá banh nữa.

“Nhiều lần như vậy, tới lần đó sao nó đau quá trời – Phúc kể lại – tối ngủ mà nằm hổng được, trở mình cũng đau, ngồi dậy cũng đau, đi đứng càng đau dữ, chỉ có nước… lết.

Vô bệnh viện chụp X-quang không thấy, chụp MRI mới tá hoả, bác sĩ nói em bị hoại tử chỏm xương đùi. Lúc định đúng bệnh thì cái chân teo từ từ rồi, bác sĩ kêu mổ mà em hổng dám. Em ráng tập vật lý trị liệu, uống thuốc mà sao thấy lâu quá.

Ba tháng nay em đi bơi thì thấy khoẻ lắm. Cái chân hồi phục nhanh hơn, hình như đang có “cơ” trở lại”. Phúc nói “phải có ý chí mạnh mẽ lắm mới gượng dậy được chứ nếu buông xuôi rất dễ bị tật vĩnh viễn”.

Giữ cho sức khỏe tuột chậm chậm

Ở sát thành hồ, ông Ngọc Anh, 56 tuổi, đang dựa lưng vô thành cho cái vòi nước ở dưới bắn tia mạnh vô lưng. Mắt ông lim dim, người đong đưa ra chiều thích thú. “Sau khi bơi xong, tui matxa lưng bằng cách này – ông Ngọc Anh cho biết – nó thư giãn toàn thân và cần nhất là thư giãn đầu óc”.

Thì ra ông bị ung thư não hồi ba năm trước. “Lúc đó tui tưởng hổng sống nổi, chắc nhờ mạng lớn nên qua khỏi – ông Ngọc Anh bồi hồi nhớ lại – Bạn bệnh nằm chung phòng năm đó 20 người thì “đi” hết, chỉ còn mình tui sống sót.

Giờ vẫn còn uống thuốc, tháng nào cũng tái khám nhưng đi bơi thấy khoẻ hẳn. Quan trọng là cái tâm mình nó “yên” hơn, cái đầu hổng bị động nhiều thì giảm được nguy cơ “thằng kia” (tế bào ung thư) trở lại”.

Ông Dương Văn Lộc, 65 tuổi, có cách thư giãn riêng của mình. Lúc xuống nước ông cứ bơi lững lờ như con cá… khờ. Ai bơi nhanh hoặc đua gì thì kệ, ông cứ đủng đỉnh thả mình như lục bình trôi trên dòng sông lười. Đặc biệt là ông “thả tàu” thật lâu.

“Lúc đó mình ngửa mặt ngó lên trời coi có gì – ông cảm xúc – trời ơi, nhiều cái hay lắm mà ít người biết. Có vô số chim bay qua bay lại. Có khi nó rượt nhau, cắn nhau, giỡn nhau chí chóe. Có nhiều đám mây trắng, xanh, xám với đủ thứ hình thù kỳ dị.

Rồi tưởng tượng mây giống hình con gì, khi là con gấu, lúc là con chó… Có lúc mình thấy cả chiếc máy bay bay ngang, để lại sau đuôi nó nguyên đường khói trắng dài thoòng.

Ấn tượng nhất có lẽ là cụ Trần Đức, 95 tuổi. Lúc xuống xe vô hồ cụ đi rất chậm, thậm chí có người theo dìu. Tới nỗi anh em cứu hộ lo lắng, dặn nhau phải “coi” cụ thiệt kỹ. Nhưng lúc xuống hồ thì người cụ linh hoạt hẳn lên. Cụ bơi thiệt êm, chân tay nhịp nhàng, hơi thở đều đặn.

Rồi cụ lên bờ tắm nắng, giở “tuyệt chiêu” nằm thẳng xuống nền gạch, lăn mình nhiều vòng để… thư giãn. Anh em cứu hộ bái phục hỏi “sao ông bơi ở dưới rồi mà lên đây còn lăn?”. Cụ nháy mắt: “Bơi chưa đã, lăn thêm mới đủ đô”.

Gặp nhau mỗi ngày riết rồi mọi người thân nhau như người trong nhà. Bơi xong họ rủ nhau đi ăn sáng, cà phê… rồi đi làm. Ngoài những nhân vật “nổi tiếng” kể trên, hồ bơi còn có bà Nga, bà Hương, ông Vui, Lê Em, Văn Ảnh…

Tất cả đều mê đi bơi vì đem lại sức khỏe thật tuyệt vời. “Từng tuổi này giống như đã qua thời đỉnh núi, nay đang xuống dốc – ông Lê Em tâm sự – nếu không tích cực vận động, sức khoẻ rất mau tuột dốc, thậm chí rớt xuống vực.

Thôi thì ráng giữ cho nó tuột… chậm chậm là hay lắm rồi. Người có bệnh thì bơi cho hết bệnh, người còn khoẻ thì bơi để phòng bệnh. Vậy là đời tươi quá rồi còn gì”.

Miễn phí với nhiều người

Ông Bùi Ngọc Thanh, chủ nhiệm hồ bơi Trung tâm Văn hoá quận Gò Vấp, cho biết: “Ngoài nhóm khách trung niên bơi từ 6 – 8g (khoảng 50 người), hồ bơi còn đón hơn 300 lượt khách mỗi ngày từ sau 8 – 18g30, bao gồm thanh niên, học sinh trung học và người dân trong quận.

Riêng các cô chú cao tuổi, có bệnh hoặc người tàn tật thì được vào bơi miễn phí. Chính sách này khuyến khích cô chú vào bơi nhằm phòng chữa bệnh tật, rèn luyện sức khoẻ.

Riêng các cháu học sinh khối lớp 3 thì hằng năm hồ bơi đều có tổ chức các lớp dạy bơi phổ cập miễn phí nhằm giúp các cháu có khả năng chống đuối nước, khi té nước thì không chìm, đứng nước được trong khi chờ người tới cứu”.

DƯƠNG THẾ HÙNG