09/01/2025

Con bí thư Đà Nẵng đổi đất tái định cư

Về việc con ông bí thư Thành uỷ Đà Nẵng được đổi đất tái định cư từ vùng ven vào trung tâm, ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho rằng không sai, nhưng nhạy cảm…

 

Con bí thư Đà Nẵng đổi đất tái định cư: Không sai, nhưng nhạy cảm…

 

 Về việc con ông bí thư Thành uỷ Đà Nẵng được đổi đất tái định cư từ vùng ven vào trung tâm, ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho rằng không sai, nhưng nhạy cảm…

 

 

Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện chuyển đổi đất tái định cư đang được dư luận quan tâm - Ảnh: Hữu Khá
Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện chuyển đổi đất tái định cư đang được dư luận quan tâm – Ảnh: Hữu Khá

Ngày 18-7, trao đổi với Tuổi Trẻ ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Người dân cũng được chuyển chứ không phải chỉ có mình con lãnh đạo.

Nếu các anh đến Trung tâm khai thác quỹ đất, nơi cấp sổ đỏ sẽ thấy rất nhiều trường hợp người dân chuyển đổi vị trí đất tái định cư, còn cán bộ bị giải toả chuyển đổi đất là số ít. Tôi tin như thế.

Trước năm 2015, việc chuyển đổi đất tái định cư thường hay xảy ra. Trên cơ sở người dân có nhu cầu gửi đơn, hội đồng trình duyệt.

Thời tôi còn làm chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, rất nhiều hộ các nơi khác được đồng ý chuyển về tái định cư ở đây và nộp tiền theo giá đất ở đây, đó cũng bình thường thôi.

Hiện giải tỏa ở phường Hoà Quý nhưng không còn đất tái định cư, nhưng quỹ đất ở quận Cẩm Lệ (có giá cao hơn) vẫn còn nên đang nghiên cứu tái định cư bố trí ở Cẩm Lệ, số lượng bao nhiêu do hội đồng xét duyệt. Tôi cho rằng việc di chuyển là bình thường”.

* Người dân cũng được cho chuyển đất từ vị trí này qua vị trí khác nhưng có giá đất tương đương nhau. Còn ở trường hợp chị Trần Thị Yến Minh – con gái Bí thư Thành uỷ Trần Thọ – được chuyển sang đất đường Phan Bội Châu có giá cao gấp nhiều lần giá đất khu tái định cư Phước Lý?

– Giá thị trường đối với đất đường Phan Bội Châu từ 30 – 40 triệu đồng/mlà nói theo hiểu biết của mình, chứ thường theo định giá nhà nước. Bố trí tái định cư thì theo giá đất tái định cư, được hội đồng định giá làm cả.

Giờ tôi không rõ giá cả trường hợp đó. Nhưng việc xem xét chuyển từ vị trí này đến vị trí khác là được, thể theo nguyện vọng của nhân dân, trong đó có cán bộ.

Theo tôi biết, rất nhiều người dân được chuyển. Họ cũng xin, rồi bằng cách này cách khác cũng được TP cho phép chuyển đổi đất tái định cư.

* Bao nhiêu người dân và cán bộ được chuyển đất tái định cư như chị Minh, thưa ông?

– Trường hợp chị Minh tôi không ký nên không nắm rõ lắm. Đơn vị nào trình trường hợp chị Minh sẽ có trách nhiệm giải trình đầy đủ. Tôi chỉ nói việc chuyển vị trí đất tái định cư không phải là cá biệt, rất là nhiều.

Giờ tôi không nắm hết nhưng muốn biết rõ không khó, hàng đống hồ sơ bao nhiêu năm nay, trong đó không ít hồ sơ chuyển đổi đất tái định cư. Tôi nghĩ chắc chắn hơn 300 trường hợp, nhiều lắm chứ không ít.

* Có trường hợp người dân có đơn, TP đồng ý rồi nhưng giờ lại bị dừng, tại sao chị Minh lại được giải quyết?

– Trước năm 2014, việc chuyển đổi vị trí đất tái định cư là phổ biến, nhưng từ năm 2015 tôi lên làm chủ tịch UBND TP, cũng có một số ý kiến người dân phản ảnh vấn đề chuyển đổi nơi này, nơi khác, có trường hợp giải quyết được, có trường hợp không.

Lý do chính là quỹ đất trung tâm TP còn quá ít, sắp tới giải toả nhiều dự án trung tâm thì không có chỗ bố trí tái định cư, từ đó không giải quyết nữa. Tôi nói dứt khoát là bây giờ không còn trường hợp xin chuyển về trung tâm nữa, đã hết từ lâu rồi.

Chỉ còn chuyển từ nơi này sang nơi khác, lân cận TP chứ không còn giải quyết chuyển về trung tâm TP nữa, kể cả những trường hợp có ý kiến lãnh đạo TP chỉ đạo cuối năm 2014, UBND TP cũng như ý kiến Thành uỷ cũng đồng ý dừng luôn.

Hiện tôi cũng nhận được nhiều đơn xin chuyển nhưng không giải quyết trường hợp nào cả. Nếu còn quỹ đất trung tâm, bố trí hết tái định cư rồi thì đem ra bán đấu giá.

* Theo phương án tái định cư, mẹ chị Minh (thu hồi 260m2) và chị Minh (thu hồi 400m2), mỗi người chỉ được bố trí một lô đất hộ chính nhưng tại sao họ được mỗi hộ hai lô? Có sự ưu ái trong việc thay đổi vị trí nữa?

– Do vụ việc mới quá, tôi chưa có thời gian coi lại hồ sơ đó, chỉ nghe qua báo chí.

Việc xét duyệt bao nhiêu lô đất là trách nhiệm của hội đồng giải phóng mặt bằng, còn việc chuyển đổi vị trí lô đất về nơi khác là ban giải phóng mặt bằng, hội đồng dưới kia đề xuất thôi, các cơ quan trên TP này mới có quyết định. Tôi sẽ đọc lại hồ sơ này mới hiểu được tại sao bố trí chừng ấy lô.

Việc đó thời kỳ trước, tôi nghĩ mấy anh lãnh đạo nghiên cứu kỹ trước khi họ ký, cũng như hội đồng giải phóng mặt bằng từ đó mới biết phương án bố trí tái định cư bao nhiêu lô.

Bất cứ khu tái định cư nào cũng có phương án cả nhưng phương án phê duyệt thì khác, cơ quan có trách nhiệm trình, TP xem xét. Hội đồng giải phóng mặt bằng trình bao giờ cũng có lý do. Thu hồi bao nhiêu, bố trí bao nhiêu lô đất tái định cư thì hội đồng nắm rõ lắm.

Tôi chưa có thời gian đọc hết hồ sơ đó, các cơ quan có trách nhiệm sẽ giải trình chuyện đó.

* Dư luận cho rằng nếu lấy lý do tạo điều kiện giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho chị Minh gần khu trung tâm tiện cho công việc và học hành của con cái thì bố trí một lô chứ sao bố trí đến hai lô đất?

– Mình nói là phải căn cứ hồ sơ, đơn của người ta, hội đồng đề xuất bao nhiêu. Trường hợp chị Minh là tái định cư thì bố trí lại đất tái định cư cho người ta, tạo điều kiện cho chị Minh này cũng giống như một số công dân khác.

Theo tôi nghĩ, ngoài chị Minh ra, có nhiều trường hợp cũng được chuyển đất tái định cư như thế mà không phải là cán bộ.

* Bài học đối với lãnh đạo TP qua câu chuyện này là gì?

– Tôi khẳng định lại là không sai, sai thì đã bị xử lý rồi. Bao nhiêu đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nữa, đặc biệt các đoàn thanh tra về đất đai làm rất nghiêm khắc, nhưng không ai có ý kiến về việc này. Nếu sai, họ đã thổi còi rồi.

Nhưng đây là trường hợp con bí thư Thành uỷ, mặc dù rất nhiều người dân được nhưng trong đó có chị Minh, người ta quan tâm, để ý đến, rồi dư luận xã hội. Tôi nghĩ nếu chị Minh là người bình thường, sự việc đã bình thường.

Khi tôi lên làm chủ tịch UBND TP, quỹ đất tái định cư trung tâm còn như thế, bí thư Thành uỷ có chỉ đạo mình chấm dứt việc giải quyết chuyển đổi về trung tâm TP, ưu tiên bố trí tái định cư các dự án. Tôi khuyến cáo anh em rằng có thể dân được còn mình thì né đi, mình phải chịu hi sinh.

Có khi anh em quan tâm giải quyết được đó nhưng mà thôi, để tránh dư luận không tốt bởi họ không hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện. Tất nhiên mình có thể đáp ứng giải quyết được nhưng họ hiểu mình có cái gì đó mới được.

Những trường hợp thân thiết với mình, có hơi nhạy cảm tốt hơn là nên rút lui, đừng tham gia vào mấy cái đó. Có những chuyện không thể là dân được, tôi cũng được, làm cán bộ là phải hi sinh.

Qua vụ việc này, tôi khuyến cáo anh em, những người thân thiết tìm cách khuyên ngăn, đừng tham gia vào.

Tiêu chuẩn 2, bố trí 4?

Khu tái định cư Phước Lý - Ảnh: Hữu Khá
Khu tái định cư Phước Lý – Ảnh: Hữu Khá

Theo quyết định số 8437 phê duyệt phương án bố trí tái định cư đối với các hộ giải toả dự án khu tái định cư Phước Lý năm 2009, trường hợp hộ giải toả đi hẳn: hộ có diện tích đất ở, đất khuôn viên bị thu hồi từ 250 – 300m2 được bố trí tái định cư một lô đất diện hộ chính đường 7,5m (diện tích bà Phan Thị Thanh Tiền bị thu hồi là 260m2).

Hộ có diện tích đất ở, đất khuôn viên bị thu hồi trên 300m2 trở lên được bố trí một lô diện hộ chính đường 10,5m (diện tích bị thu hồi của bà Minh là 400m2).

Nếu chiếu theo tiêu chuẩn này, bà Minh được bố trí một lô đường 10,5m diện hộ chính, còn bà Tiền được bố trí một lô đường 7,5m diện hộ chính.

Tuy nhiên, sau đó TP đã gộp hai hồ sơ giải toả của bà Minh và bà Tiền, đồng ý bố trí bốn lô đất diện hộ chính đường 7,5m ở khu tái định cư Phước Lý. Sau đó, bà Minh xin chuyển bớt hai lô về đường Phan Bội Châu (Q.Hải Châu).

 

HỮU KHÁ – VIỆT HÙNG – 
ĐĂNG NAM