10/01/2025

“Chủ tịch” có hay hơn “lớp trưởng”?

Tuần qua, dư luận xôn xao khi Tuổi Trẻ giới thiệu dự thảo điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó có mô hình trường học mới (VNEN).

 

“Chủ tịch” có hay hơn “lớp  trưởng”?


Tuần qua, dư luận xôn xao khi Tuổi Trẻ giới thiệu dự thảo điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó có mô hình trường học mới (VNEN). 

 

 

 

Điều băn khoăn nhất chính là việc quản lý lớp học với hội đồng tự quản học sinh gồm có một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban tham gia hội đồng. 

Mô hình và gọi “chủ tịch” có gì khác, có hay hơn “lớp trưởng” mấy chục năm qua hay không? Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận các ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Luật sư TRẦN VŨ HẢI (Đoàn luật sư Hà Nội):

Luật sư Trần Vũ Hải
Luật sư Trần Vũ Hải

Tên gọi không quan trọng

Theo chương trình VNEN, hội đồng tự quản là một phần của mô hình học mới này. Tất cả các em trong lớp tạo thành hội đồng tự quản và bầu ra người có tín nhiệm nhất để điều hành hội đồng. Tên gọi người điều hành hội đồng là chủ tịch không có gì bất hợp lý.

Theo tôi, do chúng ta quen gọi lớp trưởng nên thấy chủ tịch hội đồng tự quản thì ngạc nhiên. Đấy là tư duy của người lớn. Trong khi các em học tiểu học vẫn có thể chấp nhận tên chủ tịch hội đồng tự quản thay lớp trưởng. Cần hỏi chính các em về việc này, nhất là các em đã trải nghiệm chương trình VNEN.

Tên gọi lớp trưởng hay chủ tịch không quá quan trọng, đừng lo vì cái tên gọi này các em sẽ hám danh. Mà cần mừng các em có ý thức xung phong đảm nhận trọng trách trong lớp, nhưng thông qua tranh cử và thuyết phục bạn học, học cách dân chủ.

Các bạn học, những cử tri tương lai sẽ giám sát chính chủ tịch có giữ lời như khi tranh cử không và sẽ không bầu tiếp khi bạn chủ tịch không tròn nhiệm vụ.

Qua sinh hoạt, học tập trong hội đồng tự quản, các em sẽ năng động hơn, tự chủ hơn khi ra xã hội. Theo tôi, lớp người qua sinh hoạt hội đồng tự quản sẽ góp phần xây dựng một nước Việt Nam mới dân chủ và pháp quyền, không thụ động như lớp lớn tuổi hiện nay.

Ai thông minh hơn học sinh lớp 5? Trò chơi đó chứng minh trẻ em luôn có tiềm năng hiểu biết và suy nghĩ hơn người lớn.

Ông NGUYỄN QUỐC VƯƠNG (nghiên cứu sinh giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản):

Ông Nguyễn Quốc Vương
Ông Nguyễn Quốc Vương

Xin đừng 
“chế Mercedes thành công nông”

Ở Việt Nam các từ “chủ tịch”, “phó chủ tịch” vốn thường chỉ được sử dụng phổ biến trong thế giới người lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng chuyện gọi “chủ tịch” hay “lớp trưởng” không quan trọng. Ban đầu dẫu lạ thì dùng mãi cũng sẽ quen.

Trong trường học nước ngoài, cách gọi này rất phổ biến. Vấn đề nằm ở chỗ việc thay đổi tên gọi cùng sự ra đời của hội đồng tự quản có phát huy được mục đích phát huy quyền làm chủ, tinh thần tự giác của học sinh hay không.

Bản chất của việc tồn tại các hội đồng tự quản (ở nước ngoài có trường hợp gọi là ủy ban tự trị) này là tạo điều kiện cho học sinh thực hành làm “công dân dân chủ” và “người lãnh đạo dân chủ”. Giáo dục trường học tác động đến học sinh không chỉ thông qua chương trình giáo dục, mà còn thông qua môi trường và các hoạt động khác.

Chẳng hạn đời sống ở trường tiểu học Nhật Bản được tạo thành từ ba thành tố: (1) các môn giáo khoa, (2) giáo dục đạo đức, (3) hoạt động đặc biệt (nghi lễ trường học, hoạt động lớp, hoạt động câu lạc bộ). Vai trò của hội đồng tự quản hay chủ tịch thể hiện rõ nhất ở thành tố thứ ba nói trên.

Vì vậy nếu muốn học sinh được trải nghiệm làm “công dân dân chủ”, “nhà lãnh đạo dân chủ” mà chỉ học theo nước ngoài bằng việc thay đổi hình thức thì sẽ khó đạt được thành công.

Cách thức cải cách theo mô hình nước ngoài với lối tư duy “học hỏi có chọn lọc” cho “phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam” phần lớn dẫn tới hành động “chế Mercedes thành công nông”. Nếu chỉ học cái vỏ bên ngoài mà gạt bỏ triết lý, bản chất, nền tảng của mô hình tiên tiến sẽ chỉ gây nên sự lãng phí và rối loạn.

Chủ tịch hay hội đồng tự quản cũng sẽ không làm học sinh có ý thức dân chủ cao hơn nếu như vẫn còn tồn tại phương thức đánh giá hạnh kiểm (đạo đức) trong trường học và người giáo viên vẫn phải hằng ngày lo sợ với bao thứ từ cơm áo gạo tiền tới sổ sách, giấy tờ và những đợt thanh tra, kiểm tra từ nhiều cấp.

Ông PHẠM TẤT THẮNG 
(uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Ông Phạm Tất Thắng - Ảnh: V.Dũng
Ông Phạm Tất Thắng – Ảnh: V.Dũng

Hình thức, 
hoàn toàn 
không phù hợp

Theo dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi thì lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh.

Theo tôi, ở đây cách gọi chủ tịch là không phù hợp vì hai lý do: Thứ nhất, cách gọi lớp trưởng gắn với trường học đã có từ lâu, đã trở thành một thói quen trong xã hội và trong các bạn học sinh. Không cần thiết thay đổi.

Thứ hai, việc thay đổi như dự thảo nêu trên đề ra, nói riêng về tên gọi chủ tịch, không có giá trị về mặt nâng cao chất lượng dạy và học cũng như chất lượng hoạt động dưới mái trường nói chung của học sinh. Chỉ là một thay đổi mang tính hình thức.

Không phải vì trong lớp có một em được gọi là chủ tịch thì lớp học đó sẽ đạt các mục tiêu đề ra như dự thảo đã nêu.

Gọi là lớp trưởng không ảnh hưởng gì đến việc phát huy quyền làm chủ của các em. Vấn đề quan trọng ở đây là thầy cô nghĩ ra cơ chế gì để học sinh phát huy được vai trò của các em nhiều hơn, việc đó tốt hơn là thay đổi tên gọi mang tính hình thức.

Theo tôi, nên giữ cách gọi truyền thống lâu nay. Muốn phát huy vai trò của các em thì tạo điều kiện cho các em phát huy khả năng cá nhân nhiều hơn, đó là cái khó làm, còn đổi tên thì quá dễ. Đổi tên không nhằm mục đích gì thì không nên đổi. Đó là chưa kể đến việc đổi tên này có thể dẫn đến những “phản ứng phụ” không cần thiết.

Chúng ta biết rằng trong truyền thống, trong văn hoá của người Việt Nam thì cách gọi chủ tịch thường dành cho cương vị lãnh đạo của người lớn.

Không nên để trẻ em vì một lý do gì đó suy nghĩ về việc giữ vị trí quản lý, lãnh đạo hay là có quyền hơn các bạn khác. Tuyệt đối không nên để học sinh có suy nghĩ như vậy. Về mặt giáo dục là không hay.

Điều lệ trường tiểu học sửa đổi nên tập trung vào việc dạy của thầy cô sao cho nề nếp hơn, việc học của các em tích cực, tự giác và hăng say hơn. Những thay đổi về hình thức là không cần thiết.

Sáng 17-7, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn giai đoạn 3 mô hình trường tiểu học mới (VNEN) cụm tỉnh cho 250 cán bộ, giáo viên các trường tiểu học Đắk Lắk và Đắk Nông. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến ban đầu:

Cô CAO THỊ ĐÀO(Trường tiểu học Ngô Quyền, 
Cư Jút, Đắk Nông):

Các giáo viên nghiên cứu tài liệu tại lớp tập huấn ngày 17-7 - Ảnh: Hà Bình
Các giáo viên nghiên cứu tài liệu tại lớp tập huấn ngày 17-7 – Ảnh: Hà Bình

Gặp nhiều 
khó khăn

Sau đợt tập huấn này về, trường tôi mới áp dụng mô hình VNEN. Tôi thấy mô hình này rất tốt khi giúp học sinh mạnh dạn, tự tin. Khi học theo mô hình VNEN, tất cả học sinh đều có cơ hội bày tỏ, tìm hiểu vấn đề và chia sẻ cho các bạn khác.

Tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng trường tôi sẽ gặp những khó khăn ban đầu như kiến thức học sinh không đồng đều, nhiều học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Nếu nhà trường được tài trợ sách vở, trang thiết bị dạy học sẽ thuận lợi hơn cho việc dạy và học mô hình mới. Nếu không được hỗ trợ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về các chức danh trong lớp sẽ thay đổi so với trước đây như lớp trưởng, lớp phó sẽ gọi là chủ tịch hội đồng tự quản, phó chủ tịch hội đồng tự quản, các ban học tập… tôi thấy chỉ khác nhau về tên gọi chứ cách thức vẫn như thế.

Các em vẫn điều hành lớp học. Đã thay đổi tổ chức lớp thì thay đổi cách gọi cho phù hợp chứ không ảnh hưởng gì đến quá trình học của các em.

HÀ BÌNH ghi

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng vụ Giáo Dục tiểu học Bộ GD-ĐT:

Ảnh: V.Hà
Ảnh: V.Hà

Mô hình bắt đầu từ những vùng khó khăn, miền núi Colombia

Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) không phải là dự án vốn vay, mà là dự án được tổ chức Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu tài trợ không hoàn lại, uỷ thác qua Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan giám sát là Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng một số nhà tham gia tài trợ.

Lúc đầu, mô hình trường học mới được WB và UNESCO hỗ trợ để các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới thiết kế cho các nước đang phát triển và được triển khai thành công đầu tiên ở Colombia, hiện nay đã được nhiều nước đang phát triển khác áp dụng.

Chính vì vậy WB đã giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam tham quan mô hình tại Colombia và đề xuất tổ chức Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu (quỹ huy động từ nhiều nước phát triển khác nhau) tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng.

Khi nghiên cứu, chúng tôi thấy điều kiện làm giáo dục của Colombia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nhất là những khó khăn về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất nhà trường.Colombia đã khắc phục những khó khăn đó thành công thông qua mô hình trường học mới.

Chúng tôi thấy họ có nhiều cách làm hay, có những điều Việt Nam đã làm, có những điều Việt Nam nói đến nhiều mà chưa làm được. Chẳng hạn khi họ triển khai mô hình bắt đầu từ những vùng khó khăn, miền núi thành công rồi mới mở rộng ra vùng thuận lợi trên tinh thần tự nguyện với những gì mắt thấy tai nghe.

Mô hình giáo dục này gắn liền với đời sống, làm học sinh hiểu biết và yêu mến, muốn đóng góp xây dựng quê hương của chính các em. Họ vui mừng báo cáo đã chặn được làn sóng cách đây hàng chục năm ai cũng muốn về thành phố rồi không có việc làm.

Tìm hiểu sâu về mô hình, thấy rằng họ cũng vận dụng các thành tựu chung về giáo dục của nhân loại vào mô hình và đưa ra cách làm thực tiễn hiệu quả phù hợp với đất nước họ.

Quan điểm về VNEN là nghiên cứu lựa chọn cách làm hay để vận dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam, đồng thời kế thừa những gì Việt Nam đã có để xây dựng mô hình phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ngoài nghiên cứu mô hình của Colombia, VNEN cũng dựa vào những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến của thế giới dựa trên quy luật nhận thức và những thành tựu tiên tiến của khoa học giáo dục, được thiết kế thành các bước chung cho các nội dung học tập và hoạt động giáo dục.

VĨNH HÀ ghi

“Chủ tịch hội đồng… lớp 1”

Trong tiếng Việt, người đứng đầu một tổ chức hành chính, một tổ chức xã hội, một dòng tộc được gọi là trưởng: quốc trưởng, bộ trưởng, ngoại trưởng, cục trưởng, chỉ huy trưởng, hội trưởng hội phụ huynh, tộc trưởng, tù trưởng… Vậy lớp trưởng là oai lắm rồi.

Người đứng đầu một tổ chức hành chính, một tổ chức xã hội… cũng được gọi là chủ tịch: chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, chủ tịch huyện, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội nhà văn…

Hai từ chủ tịch và trưởng gần như đồng nghĩa, nhưng được dùng phân bố với nhau. Nghĩa là danh xưng nào dùng từ trưởng thì không dùng từ chủ tịch và ngược lại. Tuy nhiên cũng có trường hợp dùng cả hai: chủ tịch tỉnh và tỉnh trưởng, chủ tịch xã và xã trưởng… Đây là dấu vết tên gọi theo những giai đoạn xã hội khác nhau.

Trong nhiều trường hợp từ chủ tịch nghe cao sang hơn, trọng vọng hơn từ trưởng. Khi người đứng đầu ở một đơn vị be bé, nhỏ nhỏ, con con thì người ta gọi là trưởng mà không gọi là chủ tịch: toán trưởng, đội trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng… Không ai thưa gọi chủ tịch toán (biệt kích), chủ tịch đội, chủ tịch nhóm, chủ tịch lớp… cả.

Vậy thì ít nhất cũng có hai lý do để không gọi là “chủ tịch hội đồng lớp 1”:

Một, tôn vinh những em hỉ mũi chưa sạch này sẽ khiến các em ảo tưởng “mình cao hơn một bậc” như Chí Phèo từng ảo tưởng mỗi khi được Bá Kiến cho tiền. Chúng ta được những gì khi hình thành trong những đầu óc non trẻ một quan niệm tôn ti, quyền uy, thứ bậc mất dân chủ này?

Hai, để học sinh lớp 1 hiểu những từ chủ tịch, hội đồng, tự quản… thì hoặc là phải dạy các em những khái niệm này, nghĩa là phải đảo lại phương pháp sư phạm: dạy từ khó đến dễ. Hoặc là cứ để các em tuỳ tiện hiểu về những từ này, nghĩa là chúng ta cổ xúy phương pháp học vẹt, cứ tụng những từ ngữ mà chẳng cần hiểu làm gì.

Sao không nghĩ ra những điều thực chất cho việc nâng cao chất lượng trong trường học, mà cứ ngồi vẽ ra điều lệ rất hình thức trong trường tiểu học có chức danh “chủ tịch hội đồng… lớp 1”?

NGUYỄN ĐỨC DÂN

V.V.THÀNH ghi