11/01/2025

Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường

Những ngày đầu trẻ vào lớp 1 sẽ gặp nhiều trở ngại, cha mẹ nên chủ động phối hợp với nhà trường để học sinh lớp 1 đỡ căng thẳng khi chuyển từ bậc mầm non sang tiểu học.

 

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1: Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường

 

Những ngày đầu trẻ vào lớp 1 sẽ gặp nhiều trở ngại, cha mẹ nên chủ động phối hợp với nhà trường để học sinh lớp 1 đỡ căng thẳng khi chuyển từ bậc mầm non sang tiểu học.

 

 

Phụ huynh và học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường năm học mới 2014-2015 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh và học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường năm học mới 2014-2015 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Đó là lời khuyên của ông Nguyễn Quang Vinh – trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM – dành cho các bậc phụ huynh khi chỉ còn khoảng một tháng nữa, học sinh TP.HCM sẽ bước vào năm học mới.

Cách bố trí lớp học 
ở mầm non và lớp 1 
khác nhau

* Những trở ngại đầu tiên khi trẻ vào lớp 1 là gì, thưa ông?

– Mặc dù TP.HCM đã có nhiều hoạt động giúp trẻ chuẩn bị vào lớp 1 như tổ chức cho trẻ tham quan trường, các lớp học, làm quen với môi trường học mới (thông qua ngày hội ngôi trường tiểu học của em), nhưng những trở ngại vẫn sẽ đến với trẻ trong những ngày đầu vào lớp 1.

Đó là chuyện hết sức bình thường vì môi trường học tập, cách học, tiếp xúc của trẻ thay đổi khi chuyển từ bậc mầm non sang tiểu học. Trong khi ở mầm non, cô đón trẻ ngoài lớp học, hướng dẫn từng bé vào lớp thì học sinh lớp 1 sẽ tự mình vào lớp, ngồi vào vị trí đã sắp xếp. Cách bố trí lớp học ở mầm non và lớp 1 cũng khác nhau, một bên có không gian thoáng, sĩ số lớp ít, lớp học chia nhóm để các cô dỗ dành; một bên trẻ phải ngồi vào ghế, bàn, tiếp xúc với các dụng cụ học tập như bảng, phấn, bút…

Vì thế, học sinh lớp 1 thường gặp phải những trở ngại chính trong thời gian đầu bước vào lớp học như lạ lẫm, bỡ ngỡ với môi trường mới, bạn mới, cô giáo mới, cách học mới…

* Ngành tiểu học tại TP.HCM đã làm gì để giúp trẻ giảm bớt những trở ngại đó?

– Trong những năm qua TP.HCM luôn làm hai việc song song để giảm đến mức tối đa những trở ngại của học sinh lớp 1 mới nhập học. Đó là bố trí giáo viên có kinh nghiệm dạy lớp 1 và dành 1-2 tuần để học sinh thích nghi.

Cụ thể, hằng năm khi đón trẻ vào lớp 1, trường tiểu học sẽ hướng dẫn học sinh về trường, về lớp, biết mối quan hệ giữa lớp này với lớp khác, biết được vị trí nhà vệ sinh, làm quen với các bạn trong lớp, với cô giáo của mình… Trẻ lớp 1 cũng được làm quen với góc học tập, thư viện, vị trí bàn ghế, phương tiện học tập…

Sau đó trẻ được hướng dẫn các quy tắc ra vào lớp học, tư thế ngồi, thời gian các hoạt động diễn ra… Cô giáo dạy lớp 1 phải thực hiện công tác giảng dạy trên tinh thần nhẹ nhàng, tạo sự thân thiện, vui vẻ cho trẻ để trẻ thích đi học. Trong thời gian đầu, các hoạt động giới thiệu, làm quen này được lặp đi lặp lại cùng với hoạt động giảng dạy trong nhà trường.

Ảnh nhân vật cung cấp
Ảnh nhân vật cung cấp

Chủ trương phổ cập mầm non 5 tuổi chính là sự chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Dù trường mầm non và tiểu học có nhiều khác biệt nhưng trẻ đến trường mầm non cũng đã làm quen với giờ giấc, thực hiện các hoạt động theo quy định, hướng dẫn

Ông NGUYỄN QUANG VINH

Học cùng con 
vô cùng cần thiết

* Cha mẹ có nên cho trẻ làm quen với sách tiếng Việt lớp 1?

Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Vì thế, nếu cha mẹ phối hợp tốt với nhà trường thì trở ngại trong những ngày đầu đến trường của học sinh lớp 1 giảm đi đáng kể. Theo đó, khi học sinh lớp 1 tựu trường, cô giáo sẽ hướng dẫn các loại sách, dụng cụ học tập cần thiết phải chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

Cha mẹ cũng nên liên hệ với cô giáo để nắm tình hình học tập, tâm lý hằng ngày của trẻ (có thể gặp trực tiếp, email, điện thoại…). Phải quan tâm đến việc học tập của con mình hằng ngày để trẻ có thể chia sẻ cảm xúc, thắc mắc của mình với cha mẹ.

Tốt nhất là nên dành cho trẻ ít nhất 30 phút/ngày để tập cho trẻ ngồi vào bàn học. Sự chuẩn bị đó vừa tốt cho ý thức tự học của trẻ sau này, vừa là sợi dây gắn kết, thắt chặt tình cảm cha mẹ với con cái. Tập thói quen ngồi vào bàn cho trẻ không chỉ là bắt trẻ tập viết, tập đọc mà có thể hướng dẫn trẻ chuẩn bị tập vở, giấy bút, đồ dùng học tập, sắp xếp sách vở…

Những ngày đầu vào lớp 1, việc cùng học với con 30 phút/ngày là vô cùng cần thiết. Đó là thời gian cha mẹ lắng nghe con kể chuyện ở lớp, ở trường để chia sẻ, động viên, hướng dẫn cho con, để phối hợp với giáo viên, làm cho ngày đầu đến lớp của trẻ sẽ nhẹ nhàng, ít vướng mắc.

* Phụ huynh nên rèn kỹ năng gì để trẻ thích nghi nhanh khi vào lớp 1?

– Phụ huynh nên xây dựng các thói quen học tập tốt, rèn một số kỹ năng giao tiếp cho trẻ với thái độ nhã nhặn, không cáu gắt.

Cụ thể, có thể yêu cầu trẻ tự chuẩn bị đồ dùng đi học, tự ngồi vào bàn học đúng tư thế, tự trang trí góc học tập, viết các nét cơ bản, viết tên mình… Nên hướng dẫn trẻ biết lắng nghe, biết xếp hàng chờ đến lượt mình, biết tự làm vệ sinh cá nhân… Nếu có điều kiện (nhà gần trường tiểu học nơi trẻ học), nên cho trẻ đến trường chơi hoặc tham quan, giới thiệu cho trẻ về ngôi trường trẻ sắp học…

4 bước cần làm để giúp trẻ 
học tốt lớp 1

Thạc sĩ Lê Thị Liên Hoan, nguyên phó phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết để trẻ học chữ tốt khi vào lớp 1, cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ từ bậc mầm non theo bốn nội dung sau:

– Thường xuyên đọc truyện tranh chữ to cho trẻ nghe (câu ngắn, có nhiều chữ lặp lại), khi đọc chỉ vào từng chữ. Trẻ sẽ nhận ra và đọc theo một số chữ lặp lại đó. Làm tủ sách trong nhà cho trẻ.

– Đọc cho trẻ nghe các chữ ghi trên bao bì đồ chơi, thức ăn… Khi dẫn trẻ đi đâu cũng hướng trẻ quan sát chữ xung quanh, giúp trẻ có thể nhận ra một số chữ quen thuộc.

– Làm các thẻ chữ gắn lên đồ vật trong nhà như bàn, ghế, tủ, tủ lạnh… cho trẻ quan sát mỗi ngày, gỡ thẻ ra rồi cho trẻ đặt lại đúng chỗ. Bắt đầu bằng hai thẻ rồi tăng dần.

– Làm cuốn tập về trẻ. Trong đó viết cho trẻ xem về bản thân trẻ, em bé, con vật, món ăn yêu thích, các sự kiện của gia đình, viết theo lời kể của trẻ… rồi khuyến khích trẻ bắt chước theo những chữ đã biết. Sau đó thường xuyên đọc lại cho trẻ nghe.

 

Mỹ DUNG thực hiện