11/01/2025

‘Vá’ sai lầm khi khởi nghiệp

Có ý tưởng tốt và khao khát khởi nghiệp nhưng không ít bạn trẻ vẫn rơi vào thất bại. Đó là băn khoăn của nhiều người trẻ tại diễn đàn do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM vừa tổ chức.

 

‘Vá’ sai lầm khi khởi nghiệp

 

Có ý tưởng tốt và khao khát khởi nghiệp nhưng không ít bạn trẻ vẫn rơi vào thất bại. Đó là băn khoăn của nhiều người trẻ tại diễn đàn do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM vừa tổ chức.

 

 

Dự án Nâng tầm đàn UKULELE, một dự án khởi nghiệp của nhóm sinh viên TP.HCM có nhiều hiệu quả - Ảnh: Tuyết TrangDự án Nâng tầm đàn UKULELE, một dự án khởi nghiệp của nhóm sinh viên TP.HCM có nhiều hiệu quả – Ảnh: Tuyết Trang
Không nên tập trung quá nhiều vào ý tưởng
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho rằng: “Có hai sai lầm mà các bạn trẻ khởi nghiệp thường gặp phải. Thứ nhất, bản kế hoạch kinh doanh thiếu chuyên nghiệp và không chính xác. Đây là một sai lầm phổ biến của những người trẻ khởi nghiệp. Nếu doanh nghiệp không dành thời gian và công sức vào bản kế hoạch kinh doanh chuyên nghiệp với đầy đủ các nội dung phù hợp thì khả năng thất bại rất lớn. Bên cạnh đó, những bản kế hoạch kinh doanh vẽ số, phóng đại về triển vọng và không thực tế cũng sẽ dẫn đến thất bại. Thứ hai, do tập trung quá nhiều vào ý tưởng và quá ít vào quản lý cũng nhanh chóng dẫn đến thất bại”.
Theo ông Quỳnh, để hạn chế và tránh những tổn thất nặng nề trong khởi nghiệp, trước khi quyết định hoặc đề ra một kế hoạch kinh doanh mang tính chiến lược cần tham khảo ý kiến của những cộng sự tin cậy, cố vấn có kinh nghiệm, giỏi trong lĩnh vực mà mình đang triển khai.
“Ngay cả những chú ngựa đua xuất sắc nhất thế giới để dành phần thắng trong các cuộc đua vẫn cần tới một nài ngựa giỏi. Công thức này cũng đúng với các hoạt động kinh doanh”, ông Quỳnh nói.

 
 
'Vá' sai lầm khi khởi nghiệp - ảnh 2
Hai người hợp tác làm ăn, cách chia việc dễ nhất đó là một người công và một người thủ. Người thủ là người chịu trách nhiệm làm ra được sản phẩm, quản lý vận hành hằng ngày. Người công là người đưa ra được chiến lược, biết cách mang sản phẩm, dịch vụ đi thuyết phục khách hàng
'Vá' sai lầm khi khởi nghiệp - ảnh 3
 
Ông Hoàng Ngọc Gia Long Giám đốc Công ty YesIwant Vietnam
 
Đồng quan điểm với ông Quỳnh, ông Hoàng Ngọc Gia Long, Giám đốc Công ty YesIwant Vietnam, chia sẻ: “Những người trẻ khởi nghiệp thường ít kinh nghiệm nên rất cần một người đồng hành am hiểu trong lĩnh vực mình đang nhắm đến. Người đồng hành tốt nhất là giỏi những thứ mà bạn không giỏi, có nghĩa là phải trám vừa khít những khuyết điểm của bạn và thậm chí phải giỏi hơn bạn trong một số lĩnh vực trọng yếu, để giúp bạn hạn chế tối đa những sai lầm mang tính hiển nhiên nhưng lại rất khó nhận ra khi bản thân chưa có va chạm”.
Cũng theo ông Long, khi khởi nghiệp, nếu chỉ có hai người hợp tác làm ăn, cách chia việc dễ nhất đó là một người “công” và một người “thủ”. Người thủ là người chịu trách nhiệm làm ra được sản phẩm, quy trình tốt, quản lý vận hành hằng ngày. Người công lại là người đưa ra được chiến lược, biết cách mang sản phẩm, dịch vụ đi thuyết phục khách hàng mua và mang lại tiền cho doanh nghiệp. Nếu bạn giỏi công, bạn nên tìm một người cộng sự giỏi thủ. Ngược lại, nếu bạn không lanh lợi trong việc ngoại giao, buôn bán nhưng lại có khả năng tạo dựng hệ thống vững chãi, hãy tìm cho mình một người có năng lực và từng trải trên thương trường.
“Và hãy luôn nhớ một điều rằng, đừng bao giờ làm việc với người cộng sự mà bạn không thích. Người cộng sự của bạn phải là người mà bạn thực sự yêu mến, nể phục, tôn trọng vì đó chính là điều sẽ giúp cho bạn vượt qua những hiểu lầm rất thường xảy ra khi làm việc cùng nhau”, ông Long khuyên.
Cần phát huy ưu thế cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc điều hành Công ty Sri Training, cần hiểu khởi nghiệp là cuộc chạy marathon chứ không phải cuộc đua nước rút, nên sự cẩn trọng tối đa trong những bước đi đầu tiên là hết sức cần thiết.
Cũng theo ông Minh, trước khi quyết định khởi nghiệp phải xác định rõ động cơ chính là gì và biết mình có những nguồn lực nào có thể dùng cho khởi nghiệp (kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, tiền). Đặc biệt, phải mổ xẻ để trả lời được các câu hỏi: “Ý tưởng của mình có thực sự giúp giải quyết một nhu cầu có thực từ khách hàng? Cách mình giải quyết nhu cầu đó có điểm gì khác biệt, vượt trội hơn những công ty khác?”.
Ông Minh đúc kết: “Tôi thấy những bạn trẻ thất bại trong khởi nghiệp thường rơi vào một số trường hợp do không biết cách tạo ra sản phẩm cụ thể từ ý tưởng, thiếu kỹ năng bán hàng và giới thiệu sản phẩm cho những thời điểm đầu tiên, khởi nghiệp từ một lĩnh vực quá mới và lạ lẫm, không có kinh nghiệm kế thừa”.
Trong khi đó, ông Đức Huy, Giám đốc một công ty trong lĩnh vực xây dựng và nội thất tại TP.HCM, chia sẻ: “Một số bạn trẻ mới bắt đầu lập nghiệp nhưng không biết xuất phát điểm từ đâu, định hướng không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến thất bại”.
Ông Huy cho biết: “Khi nghe các bạn trẻ trình bày ý tưởng kinh doanh, tôi luôn đặt câu hỏi: ưu thế cạnh tranh của bạn là gì? Hay đơn giản hơn, bạn mang lại điều gì tốt cho khách hàng và độc đáo hơn so với đa số các đối thủ khác? Nếu không trả lời được câu hỏi này một cách rõ ràng mà khởi nghiệp theo ý thích của mình thì xác suất thất bại rất cao”.
Ông Huy khuyên: “Sau khi xác định được sở trường, ưu thế cạnh tranh của mình, bạn cần thiết lập một kế hoạch cụ thể với mục tiêu, lộ trình hành động rõ ràng, nguồn lực cần thiết để thực hiện. Khi đã có kế hoạch trong tay, coi như bạn đã đi được 1/3 chặng đường đến thành công, 2/3 còn lại tuỳ thuộc vào việc thực thi kế hoạch”.

Lê Thanh