11/01/2025

Nhiều nhà xuất bản gồng mình để tồn tại

Trong số 39 NXB chưa đủ điều kiện hoạt động thì có đến 36 NXB thiếu vốn khi không có đủ 5 tỉ đồng vốn tối thiểu…

 

Nhiều nhà xuất bản gồng mình để tồn tại

 

Trong số 39 NXB chưa đủ điều kiện hoạt động thì có đến 36 NXB thiếu vốn khi không có đủ 5 tỉ đồng vốn tối thiểu…

 

 

“Trừ một vài NXB trong các trường đại học được cơ quan chủ quan bao cấp cơ sở vật chất, tài chính, còn đại bộ phận các NXB đều thiếu hụt trước sau, luôn phải gồng mình để tồn tại với cơ chế tự hạch toán và tự chủ tài chính”.

Đó là ý kiến của ông Lê Thanh Hà – giám đốc NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM – tại hội nghị giao ban công tác xuất bản sáu tháng đầu năm 2015, do Bộ Thông tin – truyền thông (TT-TT), Ban Tuyên giáo trung ương và Hội Xuất bản VN tổ chức ngày 16-7 tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Thiếu vốn tối thiểu

Theo ông Chu Văn Hoà – cục trưởng Cục Xuất bản, in & phát hành (Bộ TT-TT), hiện chỉ có 24/63 NXB (chiếm 38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật xuất bản. Trong số 39 NXB chưa đủ điều kiện hoạt động thì có đến 36 NXB thiếu vốn khi không có đủ 5 tỉ đồng vốn tối thiểu, năm NXB thiếu chức danh lãnh đạo, ba NXB thiếu diện tích trụ sở. Thậm chí có NXB vốn chưa đến 1 tỉ đồng nhưng đang nợ nần đến cả chục tỉ đồng.

Ông Hoà đã nêu đích danh nhiều NXB hoạt động thua lỗ, cầm chừng: “Suốt sáu tháng đầu năm 2015, nhiều NXB chỉ xuất bản được trên dưới 10 đầu sách như: NXB ĐH Công Nghiệp TP.HCM (3 cuốn), NXB ĐH Nông Nghiệp (5 cuốn), NXB Sân Khấu (8 cuốn), NXB Công Thương (10 cuốn)…”.

Một lãnh đạo NXB Nghệ An cho rằng một trong những nguyên nhân làm các NXB lâm vào tình trạng khó khăn là vì hiện nay các NXB vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Mà hai nhiệm vụ này gần như đối lập nhau. Vì phải làm cả hai nhiệm vụ cùng lúc, nên các đầu sách do NXB ấn hành ngày càng giảm sút sự cạnh tranh 
trên thị trường.

Ông Lê Thanh Hà còn chỉ ra một nghịch lý nữa, gây bức xúc cho không ít NXB bấy lâu nay: “NXB chúng tôi khi đối mặt với khó khăn tài chính thì được coi là đơn vị kinh doanh, tự chủ tài chính, nghĩa là phải tự lo, không được kêu ca. Nhưng các hoạt động thường ngày như trả lương, chi tiêu… thì chúng tôi lại được coi là một đơn vị hành chính sự nghiệp, nghĩa là phải tuân theo những quy định của một đơn vị hành chính sự nghiệp.

Ngay cả việc cho một nhân viên thôi việc, nghỉ hưu sớm vì không thể bố trí công việc cũng rất khó khăn. Như vậy gọi là tự chủ, nhưng thực chất chỉ là tự chủ trong khuôn khổ một đơn vị hành chính sự nghiệp”.

Không đủ vốn 
thì xin nghỉ!

Đáp lại ý kiến của các NXB nêu khó khăn do thiếu vốn hoạt động, ông Chu Văn Hoà trả lời: “Vốn là vấn đề đau đầu nhức óc nhất của các NXB. Các NXB vừa là nạn nhân, cũng là thủ phạm. Là thủ phạm vì lâu nay các NXB cứ chờ cơ quan quản lý nhà nước cấp vốn.

Một khi các đồng chí (các NXB – PV) không đủ vốn hoạt động thì các đồng chí xin nghỉ, chứ tại sao các đồng chí lại đi xin cấp vốn từ ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động. Như thế là không được. Tư duy đó cũ rồi!”.

Ông Phạm Minh Thuận – tổng giám đốc Công ty phát hành sách Fahasa – chia sẻ khó khăn của các NXB, đồng thời chỉ ra nhiều nguyên nhân làm các NXB hoạt động không hiệu quả.

Theo ông Thuận, thị trường sách VN đang tăng trưởng tốt, nhưng ngày càng khó tính hơn trước đây rất nhiều. Các đơn vị làm sách không thể nào làm chơi để ăn thật hoặc “làm túc tắc” mà có thể sống được ở thị trường hiện nay.

“Sự khắc nghiệt của thị trường sách dẫn đến sự đào thải là tất yếu. Hiện nay các công ty truyền thông và văn hoá đang chi phối toàn bộ thị trường sách. Các công ty sách như Alpha Books, Thaiha Books, Đông A Books, Nhã Nam… đầu tư cho mỗi đầu sách rất công phu từ khâu chọn mua bản quyền đến việc in ấn, thiết kế bìa, lên kế hoạch truyền thông, tiếp thị…

Vì thế các đầu sách của họ khi ra đời đều tạo được dấu ấn trên thị trường và đều bán được rất tốt. Trong khi đó, các NXB thì hết sức khó khăn và lúc nào cũng thấy khó khăn về mặt tài chính. Có lẽ do các NXB chưa có tính chuyên nghiệp, không tiếp cận được với xu thế, không đáp ứng yêu cầu của thị trường, yêu cầu của độc giả.

Khi không đáp ứng được yêu cầu của thị trường và độc giả thì các đầu sách của NXB xuất bản xong lại nằm một chỗ chứ không thể bán được. Từ đó dẫn đến những khó khăn cho các NXB” – ông Phạm Minh Thuận phân tích.

Mong tới ngày cạnh tranh làm sách giáo dục

Liên quan đến vấn đề phá bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa của NXB Giáo Dục suốt mấy chục năm qua, ông Vũ Văn Hùng – giám đốc kiêm tổng biên tập NXB Giáo Dục VN – phát biểu đồng tình với chủ trương sẽ có một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa để mọi cá nhân, tổ chức, các NXB đều được tham gia làm sách giáo khoa: “Chúng tôi phải cạnh tranh để làm sách giáo dục tốt hơn, nâng cao chất lượng hơn. Chúng tôi mong chờ ngày ấy, mong chờ sự cạnh tranh ấy”.

 

VŨ VIẾT TUÂN