11/01/2025

Đau họng 6 người chết: Không chích ngừa do chưa có điện

Xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam có ổ bệnh bạch hầu, giờ này không có điện nên không thể vận hành dây chuyền bảo quản văcxin?

 

Đau họng 6 người chết: Không chích ngừa do chưa có điện

 

 Xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam có ổ bệnh bạch hầu, giờ này không có điện nên không thể vận hành dây chuyền bảo quản văcxin?

 

 

Bác sĩ đang điều trị các bệnh nhân bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, Quảng Nam - Ảnh: TẤN VŨ
Bác sĩ đang điều trị các bệnh nhân bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, Quảng Nam – Ảnh: TẤN VŨ

Sau khi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết khu vực xảy ra 6 người chết, gần 10 người khác nhiễm bệnh (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) có ổ bệnh bạch hầu, ông Huỳnh Tấn Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, thừa nhận công tác tiêm chủng tại đây còn hạn chế.

Ông Dũng cho biết tiêm chủng trên địa bàn huyện đạt tỉ lệ 95,6%, tuy nhiên tại xã Phước Lộc giờ này không có điện nên không thể vận hành dây chuyền bảo quản văcxin. “Lên tiêm chủng trong ngày, người dân ở trong rẫy nên phải quay về. Đặc biệt người dân thôn 8B ở xã này chỉ ở miết trong rẫy” – ông Dũng nói.

Không thể bảo quản
văcxin

Khi được hỏi tại sao không ướp lạnh các loại văcxin mang đi chích cho người dân vùng không có điện, ông Dũng cho rằng: “Như vậy văcxin sẽ không đảm bảo, tiêm cũng không có hiệu quả. Do người dân ở trong rẫy quá xa, đi bộ 3 – 4 giờ mới đến nên không thể”.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, ngoài những người chết có 13 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh bạch hầu. Độ tuổi mắc bệnh từ 2 – 45 tuổi, trong đó có nhiều thanh niên khỏe mạnh tuổi từ 17 – 25. Ông Dũng cho rằng riêng tại hai thôn 8A và 8B, mọi người có thể nhiễm bệnh do chưa từng được tiêm văcxin. Sắp đến sẽ có một chương trình tiêm chủng quy mô lớn cho toàn dân trong xã.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Văn – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam – khẳng định khu vực này người dân hoàn toàn chưa được tiêm văcxin. Theo ông Văn, do người dân không hợp tác vì ngại tiêm.

“Qua kiểm tra chúng tôi thấy người dân còn không có cả các sẹo khi tiêm chủng lao”, ông Văn nói. Cũng theo ông Văn, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đang chờ văcxin từ Viện Pasteur Nha Trang cung cấp và sẽ triển khai tiêm cho toàn dân ở xã Phước Lộc, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, rubella…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết một khó khăn khác khiến bệnh tình của cộng đồng ở đây trở nên trầm trọng hơn là lối sống và các tập tục. Đa số người dân khi gặp bệnh đều cúng bái và ít xuống trạm y tế. “Một số người bị bệnh nhưng không chịu đi, chính quyền phải “cưỡng chế” cho đi điều trị” – ông Hà chia sẻ.

Nguy cơ dịch ở vùng sâu vùng xa

Trong khi đó, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết xã Phước Lộc có 6 thôn thì tỉ lệ tiêm phòng tại hai thôn 8A và 8B đều kém, một phần do điều kiện người dân sống trên núi là chính, một phần là do tập quán của họ.

Tỉ lệ tiêm phòng thấp nên không lạ khi thấy các vụ dịch lớn gần đây đều xuất phát tại vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi Sơn La, Nghệ An, Lào Cai, và khi vụ dịch lây qua đường hô hấp (như dịch sởi và hiện là dịch bạch hầu) thì nguy cơ lây lan phạm vi rộng không phải không có thể.

Theo ông Phu, văcxin ngừa bạch hầu, văcxin sởi, ho gà… đều được miễn phí và đều nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vậy vì sao tỉ lệ tiêm chủng vùng sâu, vùng xa lại thường chỉ bằng 1/2 so với đồng bằng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh?

Gần đây Bộ Y tế đã tổ chức một hội nghị về tăng cường tỉ lệ tiêm chủng ở vùng sâu, vùng khó khăn cho thấy có những địa phương miền núi như Điện Biên, Bắc Kạn, Sơn La… có đến hàng trăm điểm tiêm chủng lưu động, bên cạnh tiêm chủng thường xuyên tại trạm y tế xã phường. Nhưng cũng có những khó khăn như chưa có chi phí trả cho cán bộ y tế đi đến điểm tiêm ngoài trạm, đường tới điểm tiêm lưu động không thuận lợi…

Nhưng dù còn khó khăn tài chính, trách nhiệm của địa phương trong những vụ dịch như thế này là rất lớn. Nếu địa phương không nắm hết tình hình dịch bệnh ở tỉnh thành mình, khi phát hiện hậu quả lây lan ra diện rộng, phòng chống khó khăn hơn nhiều.

Theo ông Phu, bạch hầu lây qua đường hô hấp, qua các giọt bắn nước bọt của người bệnh lưu trên đồ dùng, sàn nhà, tay vịn… thuộc nhóm bệnh rất dễ lây lan. Song đã rất lâu rồi mới có một ổ dịch bạch hầu được ghi nhận. Nếu không sớm xử lý triệt để, ổ dịch này có thể lây lan trên diện rộng hay không?

Hoàn toàn có. Bài học vụ dịch sởi 2013 – 2014 vẫn còn đó và cho thấy dịch bệnh gì cũng có thể có nguy cơ quay trở lại, nếu chính chúng ta vẫn cho rằng vài người mắc bệnh (truyền nhiễm) ở một xã vùng cao, còn lâu dịch mới ra phố!

Tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu

Chiều 16-7, ông Nguyễn Văn Văn, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện yêu cầu sở tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

Cùng ngày, Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu chính quyền huyện Phước Sơn tiếp tục tổ chức các biện pháp cách ly cho đến khi ổ dịch được giải quyết dứt điểm và hỗ trợ cho người bệnh, người nhà bệnh nhân. Phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và đối tượng nguy cơ, người có biểu hiện lâm sàng…

LÊ TRUNG

 

TẤN VŨ – LAN ANH