11/01/2025

Bảo tàng nghìn tỉ đìu hiu

Đổ ra hơn 2.300 tỉ đồng để xây dựng hoành tráng, Bảo tàng Hà Nội đưa vào sử dụng 5 năm qua lại rất èo uột.

 

Bảo tàng nghìn tỉ đìu hiu

 

Đổ ra hơn 2.300 tỉ đồng để xây dựng hoành tráng, Bảo tàng Hà Nội đưa vào sử dụng 5 năm qua lại rất èo uột.

 

Siêu bảo tàng với mô hình kim tự tháp ngược - Ảnh: Ngọc Thắng

Siêu bảo tàng với mô hình kim tự tháp ngược – Ảnh: Ngọc Thắng

Bảo tàng Hà Nội được xây dựng nằm trong khu vực xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia VN (P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm), khuôn viên khu đất rộng khoảng 54.000 m2, tổng mức đầu tư 2.300 tỉ đồng. Công trình có hình dạng kim tự tháp ngược, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, cao 30,7 m. Công trình thuộc nhóm A, do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, giao Tổng công ty Vinaconex thực hiện theo hình thức BT, khởi công từ ngày 19.8.2008 và khánh thành ngày 6.10.2010, chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Rỗng ruột, ế khách
Khi mới khánh thành, Bảo tàng Hà Nội được ví von sánh ngang với các bảo tàng tầm cỡ trên thế giới. Nhưng trái ngược với sự hoành tráng, bề thề đó, bên trong “ruột” chỉ lèo tèo hiện vật, cùng sự đìu hiu của khách tham quan.
Chiều 16.7, có mặt tại siêu dự án này, chúng tôi quan sát thấy từ cổng vào đến “đại sảnh” chỉ có 1 – 2 người với vài chiếc xe máy. Mặc dù đưa vào sử dụng không lâu, nhưng tầng 1 và tầng 2 đang được quây kín bằng các bức tranh để sửa chữa. Một nhân viên cho hay: “Bảo tàng quây để sửa chữa, hiện nay chưa có đồ, một loạt tủ kính chưa có đồ nào cả”. Ba tầng còn lại, các tủ đồ cũng đã được bổ sung thêm phần lớn là cổ vật khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, triển lãm tranh thống nhất đất nước… nhưng số lượng quá ít, còn khách tham quan thì đếm được trên đầu ngón tay, chưa quá 10 người.
Trong khi đó, thống kê của Bảo tàng Hà Nội cung cấp cho thấy lượng khách tham quan của bảo tàng trong 3 năm gần đây đều trên dưới 10 vạn người. Năm 2012, bảo tàng tiếp đón 88.159 khách tham quan. Năm 2013, con số này là 84.977 người và lên tới 111.825 người vào năm 2014.
Một chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết ông cảm thấy con số này không ổn. “Tôi không dám chắc vì số đó là số lớn chứ không phải con số thấp đâu. Bên tôi có vé thì dễ phản ánh hơn, có sổ sách, có số vé phát hành. Chúng tôi có thể tính được số người tham quan dựa trên những thống kê đó, kể cả lượng miễn vé như trẻ em. Nên không rõ bên kia thống kê kiểu gì”, chuyên gia nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc, đánh giá những nội dung đang trưng bày tại bảo tàng chỉ là “trưng bày lấp chỗ trống”. “Đấy chưa gọi là trưng bày chuyên nghiệp mà mới chỉ là những thứ mang tính nhất thời thôi”, ông Huy nói và cho biết đã góp ý với Bảo tàng Hà Nội nên tập trung tiền để làm những trưng bày chuyên đề nhỏ hay và hấp dẫn. Nếu suốt 5 năm qua, mỗi năm Bảo tàng Hà Nội làm một chuyên đề thì đã có một bề dày kinh nghiệm để làm bảo tàng rồi.
Rỗng ruột với lèo tèo hiện vật được trưng bàyRỗng ruột với lèo tèo hiện vật được trưng bày
Sở Xây dựng phụ trách trưng bày ?!
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết dự án xây dựng bảo tàng cả phần xây dựng và trưng bày đều nằm ở Sở Xây dựng hết. “Sở Xây dựng là chủ đầu tư hết. Cái vỏ đã hoàn thành năm 2010 rồi, từ đó đến nay Sở Xây dựng đang tập trung làm phần trưng bày theo đúng đề cương thiết kế mà UBND thành phố đã phê duyệt. Sở VH-TT-DL mà trực tiếp là Bảo tàng Hà Nội tham gia vào phần sưu tầm hiện vật theo hợp đồng với Sở Xây dựng”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhìn nhận việc sưu tầm hiện hiện vật “rất nan giải”. “Quy trình mua hiện vật tư nhân cho nhà nước giờ rất khó khăn. Nguồn gốc xác định rất phức tạp. Chưa kể trong đề cương trưng bày trước đây các nhà khoa học lập thì hiện vật đó tư nhân lại bán mất rồi. Hoặc giá định mua trước so với bây giờ thì khác hẳn nhau”, ông Tiến nói.
Từng xuống cấp, thấm dột
Ngoài việc Bảo tàng Hà Nội sử dụng không hết công suất, thu hút được lượng khách khiêm tốn thì đầu năm 2012, người dân thủ đô còn giật mình bởi thông tin công trình hình kim tự tháp ngược bị xuống cấp trầm trọng. Cụ thể là không ít hạng mục của Bảo tàng Hà Nội bị bong tróc, thấm dột khiến công trình này phải nhiều lần tạm dừng đón khách để sửa chữa. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Hoài Nam dẫn báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận với báo chí về tình trạng xuống cấp của nhiều công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, trong đó có công trình Bảo tàng Hà Nội. Theo vị này, nguyên nhân bị thấm dột của Bảo tàng Hà Nội là do khâu ốp lát, hoàn thiện còn về vấn đề kết cấu, chất lượng không bị ảnh hưởng.

Dây dưa nợ nần
Theo báo cáo tài chính mới được Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex) công bố, tính đến hết quý 1/2015, Sở Xây dựng Hà Nội đang nợ đơn vị này 1.589 tỉ đồng khoản thu từ việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội theo hình thức BT. Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Chí Sơn, Chánh văn phòng Tổng công ty Vinaconex, cho biết hiện theo giấy tờ thì TP.Hà Nội đang nợ đơn vị này 1.589 tỉ đồng từ năm 2010.
Cũng theo ông Sơn, khoản nợ 1.589 tỉ đồng này chưa phải giá quyết toán mà chỉ là giá tạm tính. Hiện Vinaconex đã đề nghị tính lãi của khoản nợ 1.589 tỉ đồng nhưng chưa nhận được động thái đồng ý hay không của TP.Hà Nội.

 

Anh Vũ – Lê Quân – Trinh Nguyễn