29/11/2024

Lớp 1 không dạy từ đầu thì dạy từ đâu ?

Đọc bài “Con như “chim trúng đạn” vì không học trước lớp 1” của chị Yến Phương (Tuổi Trẻ ngày 10-7), tôi thấy rất đồng cảm, bởi chính gia đình chúng tôi cũng ăn không ngon, ngủ không yên suốt năm lớp 1 của con.

 

Lớp 1 không dạy từ đầu thì dạy từ đâu ?

 

 Đọc bài “Con như “chim trúng đạn” vì không học trước lớp 1” của chị Yến Phương (Tuổi Trẻ ngày   10-7), tôi thấy rất đồng cảm, bởi chính gia đình chúng tôi cũng ăn không ngon, ngủ không yên suốt năm lớp 1 của con.

 

 

Phụ huynh và học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường năm học mới 2014 - 2015 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh và học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường năm học mới 2014 – 2015 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Tất cả cũng chỉ vì cái “tội” không cho con học trước lớp 1.

Các bạn thì đọc viết đều trơn tru, thông thạo, còn con mình vì chưa được học vỡ lòng trước nên từng bước đi cứ… bì bõm. Có lúc chồng tôi trêu: “Sự nghiệp lớp 1 của con còn khủng khiếp và căng thẳng hơn cả khi mẹ học tiến sĩ”!

Khi con sắp sửa vào lớp 1, nghe theo lời khuyên của bạn bè, vợ chồng tôi cũng quyết định không vội cho con đi học trước. Nhưng tôi đã ngã ngửa khi được biết mình quá sai lầm, khi lớp có 35 cháu thì có đến xấp xỉ 30 cháu được cha mẹ cho đi học trước rồi. Chúng tôi thật dại khi không “đi trước đón đầu” chuyện học của con, khiến con bị áp lực một, cha mẹ căng thẳng mười khi con chân ướt 
chân ráo vào lớp 1.

Hôm họp phụ huynh đầu năm, tôi khá choáng khi cô giáo hỏi thẳng: “Mong phụ huynh cho biết những em nào ở nhà chưa được đi học lớp 1, để tôi khoanh vùng dạy lại từ đầu cho chắc”.

Thế là ngay từ đầu năm con đã được dạy riêng, tức là dạy bất cứ lúc nào, rèn chữ, luyện đọc, tập tính toán kể cả khi các bạn được nghỉ trưa, còn con cặm cụi như con ong chăm chỉ. Nhiều khi cô phê vào vở của con những câu nặng nề, quá lời khiến người mẹ như tôi buồn lòng lắm. Nào là “cháu chả biết gì”, rồi “cháu viết chậm lắm, nét chữ chưa rõ chưa thanh”, hoặc “cháu đọc còn hơi ngọng, nên ở nhà anh 
chị chỉ bảo cháu thêm”…

Đau đầu nhất là có lúc con dở tỉnh dở mơ, có hôm trong giấc ngủ vẫn còn giật mình choàng dậy ú ớ đòi viết chữ, đòi tập làm toán kẻo cô la. Con bì bõm từng chữ suốt năm học lớp 1 như thế. Thú thật, vợ chồng tôi đánh vật cả một năm trời với chương trình lớp 1 của con đến mức ăn không ngon, 
ngủ không yên.

24 chữ cái nhưng con vẫn chưa nhớ hết, đếm số còn tệ hơn. Tôi nóng ruột nên rất hay cáu gắt mỗi khi ngồi giúp con học. Thấy mình vô lý đấy, nhưng thi thoảng hỏi tình hình của con, cô giáo lại phản ảnh rằng: “Cháu nhà chị chả biết gì cả, hỏi gì cũng ấp úng, thành ra em cứ phải dạy lại từ đầu”. Tôi thật sự thắc mắc ở chỗ lớp 1 không dạy từ đầu 
thì dạy từ đâu?

Vất vả hơn cả học tiến sĩ

Có lúc tôi thấy hình như mình đang đặt chỉ tiêu thi đua giữa con với các bạn khác, chứ không phải muốn con học thật sự. Bởi lẽ lúc nào tôi cũng cho con lên bàn cân để so sánh với các trẻ khác, để nhận biết được năng lực của con.

Cộng với việc các bạn khác khoẻ re khi học lớp 1, còn con lúc nào cũng phải căng ra, gồng mình lên để học. Con ganh đua với bạn thì ít mà phụ huynh ganh đua với nhau thì nhiều.

Thế mới biết nếu không học trước thì thật khó để con trụ được với chương trình quá nặng của lớp 1 hiện nay. Bởi những áp lực không chỉ bủa vây con mà còn bủa vây cả cha mẹ nữa. Nếu không chạy trước sẽ là sai lầm lớn, bởi có một sự thật rằng con tôi đã phải gồng lên học lớp 1 còn vất vả, cực hơn cả khi tôi học tiến sĩ trước đây.

Trải nghiệm trước lớp 1 cũng là điều tốt

Tháng 9 tới đây con trai tôi chính thức bước vào lớp 1. Như bao phụ huynh khác, tôi cũng băn khoăn không biết nên cho con học chữ trước hay không. Con trai tôi khá nhút nhát và hiền lành.

Cháu cũng đã được học để biết mặt 24 chữ cái và 10 chữ số ở lớp mẫu giáo. Tôi cứ nghĩ như thế là con đã có một ít “vốn” để tự tin vào lớp 1. Nhưng khi thấy các bạn bằng tuổi cháu ở chung khu phố đều đi học hè, tôi lại chẳng yên tâm.

Với suy nghĩ: thôi cho con đi học hè để rèn thêm kỹ năng, chuẩn bị tâm lý tốt cho những ngày học chính thức, tôi bèn đăng ký cho cháu đi học lớp 1 với các bạn cùng lứa.

Tôi cảm thấy may mắn vì mình đã kịp thời. Bởi khi ra trường tiểu học gần nhà tôi mới nhận ra: nếu không cho con đi học trong hè là cả một sai lầm. Có đến hơn 10 lớp tổ chức dạy cho các bé cùng tuổi với con tôi. Cháu được học đọc, học viết, học làm toán, học điền dấu lớn hơn bé hơn, điền số và dấu vào ô trống.

Tất cả các bạn cùng tuổi với cháu đều học, không lý gì con tôi lại không. Cháu còn được học ở bạn, ở lớp những điều mà trước đây trường mầm non cháu chưa biết hoặc chưa định hình rõ. Bên cạnh những điều hay lẽ phải như ngồi học thì phải nhường nhịn nhau, không được tranh giành đồ dùng học tập… cháu còn được dạy phải biết tự giữ gìn đồ đạc của mình, biết ứng phó khi bị bạn bắt nạt. Qua những buổi học ngắn ngủi nhưng con trai tôi đã biết tự lập và chủ động hơn, biết nhận thức được đâu là cái xấu, cái ác.

Có hôm con bị bạn Long đánh vì không chịu chơi với bạn ấy. Đi học một tuần thì con bị mất hộp bút và ba cây viết chì. Con cũng cảm thấy buồn và ấm ức vì bị các bạn ức hiếp. Thế mà hôm đến lớp mới đây nhất, con vui vẻ khoe rằng con đã hòa giải và chơi lại với bạn Long rồi. Con cũng đã phát hiện ra người lấy hộp bút của mình và yêu cầu bạn kia phải trả lại.

Tôi khen ngợi con và động viên rằng: “Con giỏi hơn nhiều so với hồi con học mẫu giáo!”. Đúng là trước đây dù tôi có dặn con giữ gìn túi xách, bút vở cẩn thận, nhưng những điều tôi dạy con như “nước đổ đầu vịt”. Nay thì con sống có ý thức hơn với bản thân.

Các bậc phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1 hãy suy nghĩ một cách nhẹ nhàng về việc học hè, học chữ trước của con mình. Không phải tôi “cầm đèn chạy trước ôtô”, cũng không phải là cổ xuý cho việc dạy chữ trước, nhưng thật sự nếu con được trải nghiệm trước những điều tích cực và tiêu cực ở trong môi trường mới, sau này con sẽ vững vàng hơn.

Tất cả những gì con học được ở cô giáo, con sẽ được học lại và củng cố thêm vào năm học mới. Nhưng điều quan trọng hơn các cháu sẽ học được là những kỹ năng giao tiếp trong mối quan hệ với bạn bè cùng lứa tuổi. Khi không có sự can thiệp quá sâu của cô giáo và của cha mẹ (như ở bậc mầm non) bé sẽ tự tin, tích cực và bản lĩnh hơn.

Học chữ những ngày hè không hẳn chiếm hết toàn bộ thời gian của bé. Con trai tôi vẫn đi học bơi, vẫn được vui chơi cùng nhóm bạn những lúc ở nhà. Vì cùng đi học như nhau nên khi chơi chung các bé còn đố nhau những bài toán, những con chữ đánh vần thế nào.

Thấy các bạn của con tranh cãi nhau cách học, tôi hình dung ra đây là bước đầu thể hiện kỹ năng làm việc nhóm giữa các bé rất hiệu quả. Tôi ở nhà dạy đánh vần trầy trật mãi mà cháu vẫn không nhớ, nhưng trao đổi qua lại với bạn bè khiến bé hiểu và nhớ lâu hơn. Tôi tin chắc qua những bài học từ cô giáo, nhất là từ các bạn cùng trang lứa, bé con nhà tôi sẽ sẵn sàng và vững vàng tâm lý để bước vào lớp 1.

PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)

 

NGỌC LIÊN