29/11/2024

Chuyển từ ‘ban ơn’ sang phục vụ

Ngày 14.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch đổi mới phong cách phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

 

Chuyển từ ‘ban ơn’ sang phục vụ

 

 

Ngày 14.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch đổi mới phong cách phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

 

Chuyển từ 'ban ơn' sang phục vụ - ảnh 1Bệnh viện công cam kết đổi mới toàn diện phục vụ người bệnh – Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng cán bộ y tế cần tự nguyện cam kết với chính lương tâm, trái tim mình; tránh tình trạng ký cam kết lấy lệ, hình thức, không hiệu quả. Bà Tiến cương quyết: “Cần loại khỏi ngành nhân viên y tế thiếu văn hoá, thiếu y đức, đó là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xói mòn niềm tin của người bệnh đối với cán bộ y tế”.
 
 
Theo Bộ Y tế, qua tổng đài đường dây nóng 19009095, trong 6 tháng đầu năm nay, trong số 3.159 cuộc gọi đến có 388 cuộc (12%) phản ánh về tinh thần, thái độ, trách nhiệm của y bác sĩ; vẫn còn 5% cuộc gọi phản ánh về tiêu cực trong BV như vòi vĩnh, đòi hối lộ… Ngoài ra, nhiều ý kiến phàn nàn về cơ sở hạ tầng, thủ tục viện phí, an ninh trật tự. Đã xử lý kỷ luật 62 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp và 79 trường hợp được khen thưởng do được bệnh nhân biểu dương.
 

Theo Bộ Y tế, hơn hai năm qua đã có thêm gần 5.000 giường bệnh, trong đó nhiều giường bệnh thuộc các chuyên khoa quá tải: nhi, ung bướu, ngoại khoa được đưa vào phục vụ và sẽ tiếp tục có thêm hàng ngàn giường bệnh trong các năm tới. “Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đã đổi mới nhiều nhưng vẫn cần đột phá trong phong cách phục vụ để thay đổi toàn diện chân dung hình ảnh cán bộ y tế. Nếu chỉ có công nghệ mà không có tấm lòng thì không thể làm người bệnh hài lòng”, bà Tiến nhấn mạnh và yêu cầu các bệnh viện (BV) phải duy trì 24/24 đường dây nóng tiếp nhận ý kiến từ bệnh nhân và người nhà để kịp thời xử lý. Các BV công phải thay đổi cơ bản mối quan hệ với người bệnh: từ “ban ơn” sang phục vụ.

Không thể mới ngay được
Đồng tình với việc phải đổi mới trong phục vụ bệnh nhưng PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho rằng việc thay đổi phong cách của một cá nhân là vô cùng khó bởi nó đã thuộc về bản tính, thói quen; bởi vậy, về cơ bản, chỉ có thể “đổi mới” cho nhân viên y tế về kỹ năng giao tiếp và cách tư vấn cho người bệnh, tạo được thái độ ứng xử đúng mực thông qua tập huấn. Còn PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư, đề nghị BV cần có cơ chế để người bệnh sẽ là người giám sát, phản ánh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, trang phục, giày dép ngay ngắn, sạch sẽ cũng là một bước được chấn chỉnh, thể hiện sự đổi mới, tôn trọng người bệnh; từ ngày 1.1.2016 cả nhân viên y tế và người bệnh sẽ có “quần, áo mới”. Theo đó, một loạt các quy định về trang phục được áp dụng cho 15 đối tượng khác nhau trong bệnh viện từ bảo vệ, lái xe, kỹ thuật cho đến nhân viên hành chính, đón tiếp; điều dưỡng, bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức; nhân viên dinh dưỡng, hộ lý, dược sĩ, bác sĩ lâm sàng; kỹ thuật viên cận lâm sàng, học sinh sinh viên. Kèm theo đó là kiểu dáng giày dép, biển tên công chức viên chức người lao động trong BV. Đặc biệt, lần đầu tiên có quy định đồng nhất về trang phục cho người nhà bệnh nhân (màu vàng sẫm) và trang phục cho bệnh nhân.

Liên Châu