Tranh chấp dai dẳng trên đèo Ngang
Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh đèo Ngang được cả tỉnh Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích thuộc tỉnh mình. Cả hai tỉnh đều lập hồ sơ di tích quốc gia nhưng đều không được công nhận…
Di tích… bơ vơ – Kỳ 2: Tranh chấp dai dẳng trên đèo Ngang
Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh đèo Ngang được cả tỉnh Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích thuộc tỉnh mình. Cả hai tỉnh đều lập hồ sơ di tích quốc gia nhưng đều không được công nhận…
Di tích Hoành Sơn Quan nhìn từ phía tỉnh Hà Tĩnh – Ảnh: Thái Lộc |
>> Kỳ 1: Hoang phế biểu tượng Đà Lạt
Việc tranh chấp dai dẳng làm cho cả khu vực đèo Ngang được đánh giá có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc vẫn “im lìm” và bị xâm hại đáng tiếc…
Hai tỉnh cùng xếp hạng một di tích
Cuộc khảo sát trên đỉnh đèo Ngang của chúng tôi vào cuối tháng 6, dẫn đường là anh Đinh Trọng Tấn – cán bộ văn hóa xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình).
Con đường bêtông dọc theo đỉnh núi từ quốc lộ 1A dẫn vào di tích gần trùng khớp với ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Kiến trúc Hoành Sơn Quan được xây dưới thời Minh Mạng năm 1833, nằm phía bên mái núi của tỉnh Hà Tĩnh, xây gạch trát vữa còn khá nguyên vẹn. Tấm biển “Hoành Sơn Quan” trên cổng vòm bằng đá hướng ra phía bắc, phía trước là bậc tam cấp khá vẹn nguyên dẫn xuống quốc lộ.
Nhiều đoàn khảo sát khu vực đỉnh núi xác định vẫn còn rất nhiều đoạn luỹ cổ, khi nằm bên địa phận Quảng Bình, khi vắt qua tỉnh Hà Tĩnh. Đây được xác định là luỹ Lâm Ấp, đắp khoảng thế kỷ 2 – 3.
Anh Tấn cho biết thời gian gần đây Hoành Sơn Quan liên tục bị xâm phạm. Vài năm trước, người dân đã tự ý xây một cái miếu lớn nằm ngay sát di tích.
Đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Bình đã nhiều lần lập biên bản và quyết định cưỡng chế, đập bỏ, hiện còn phần nền móng và một cái am nhỏ. Tiếp theo là sáu ngôi mộ có dựng bia bằng tiếng Trung Quốc đắp ngay sát di tích, chính quyền Quảng Bình phải tổ chức phá bỏ…
Ông Nguyễn Mậu Nam – phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình – cho biết Hoành Sơn Quan là cửa ngõ phía bắc của tỉnh, được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 2-8-2002.
Biên bản khoanh vùng bảo vệ quy định khu vực 1 là bản thân kiến trúc di tích Hoành Sơn Quan rộng 34,4m2 (6,15 x 5,6m). Khu vực 2 rộng 14.317,5m2 bao quanh.
Cùng ngày 2-8-2002, UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản gửi Bộ Văn hoá thông tin (cũ) và Cục Bảo tồn bảo tàng đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đối với Hoành Sơn Quan…
Trong khi đó, ông Bùi Đức Hạnh – giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh – đến nay vẫn không tin rằng tỉnh Quảng Bình đã công nhận di tích Hoành Sơn Quan.
“Đáng ra tỉnh Quảng Bình phải tôn trọng sự thật rằng phần di tích đó nằm phía bên tỉnh Hà Tĩnh!”. Theo hồ sơ do Bảo tàng Hà Tĩnh cung cấp, năm 1995 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa thông tin đề nghị công nhận di tích quốc gia.
Theo ông Nguyễn Trí Sơn – giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, “có lẽ do tỉnh Quảng Bình có văn bản khiếu nại gửi bộ cho nên bộ không công nhận”.
Năm 2004, đoàn khảo sát liên ngành của Hà Tĩnh đã thực địa khu vực đèo Ngang và xác định kiến trúc Hoành Sơn Quan nằm trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh, cách đường ranh giới hai tỉnh 7,7m. Ngày 14-3-2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định xếp Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh…
Nền móng ngôi miếu xâm phạm di tích Hoành Sơn Quan trên đèo Ngang – Ảnh: Thái Lộc |
Tổn thương vì…nhập nhằng
TS Nguyễn Khắc Thái (Quảng Bình) cho rằng Hoành Sơn Quan hiện nằm trên địa phận Hà Tĩnh là do khi phân định địa giới hành chính, người ta chỉ tuân thủ một cách máy móc theo đường phân thuỷ mà không quan tâm, tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hoá.
“Hoành Sơn Quan là nơi đón khách thượng kinh từ phía Bắc vào. Để quan sát được khách thì người ta phải làm ở mái núi bên ngoài (phía Hà Tĩnh). Di tích thì thuộc chính quyền Quảng Bình thời phong kiến quản lý là vì then cài phía trong Quảng Bình.
Chỉ riêng chứng cứ về mặt kết cấu kiến trúc như vậy cho thấy rằng Hà Tĩnh quản lý là vô lý. Người Hà Tĩnh không thể vào trong Quảng Bình để đóng cửa được. Tấm biển đề Hoành Sơn Quan hướng ra Hà Tĩnh. Người ta hướng biển đề ra phía khách chứ không ai hướng về phía chủ nhà cả!” – TS Thái nói.
Các thư tịch cổ và hầu hết nhà nghiên cứu đều cho rằng trong lịch sử Hoành Sơn Quan thuộc sự quản lý của tỉnh Quảng Bình.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (Huế) dẫn sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn định rõ kiến trúc này trong phần tỉnh Quảng Bình, trong khi ở mục “đạo Hà Tĩnh” chỉ nhắc đến tên và “xem ở phần tỉnh Quảng Bình”.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trí Sơn: “Nếu nói Hoành Sơn Quan là cổng vào kinh đô thì nó phải thuộc Huế mới đúng, chứ không thể thuộc tỉnh Quảng Bình được!”.
Ông Sơn cho rằng tỉnh Quảng Bình công nhận di tích là sai, vì theo Luật di sản văn hóa, đã là di tích thì phải kèm theo khu vực khoanh vùng bảo vệ, phải có phần đất đai.
“Trong khi Hoành Sơn Quan lại nằm trên đất Hà Tĩnh thì Quảng Bình khoanh vùng kiểu gì! Thật ra, Hoành Sơn Quan là biểu tượng văn hoá của cả khu vực, là di sản chung của đất nước chứ không riêng của tỉnh nào. Nhưng nó nằm trên đất Hà Tĩnh thì Hà Tĩnh quản lý là đúng!”…
TS Nguyễn Khắc Thái nhận xét sự nhập nhằng trong quản lý di tích cũng làm tổn thương cho di tích. “Mạnh Hà Tĩnh thì Hà Tĩnh đưa khách lên. Mạnh Quảng Bình thì Quảng Bình đưa khách lên. Không ai có trách nhiệm quản lý, trùng tu tôn tạo cả!”.
Ông Nguyễn Trí Sơn cho biết phía Bộ VH-TT&DL thừa nhận Hoành Sơn Quan rất xứng đáng để công nhận di tích quốc gia: “Nhưng khi đề cập, một vị lãnh đạo Cục Di sản văn hóa từng trả lời rằng hai tỉnh có vấn đề thì thôi, đừng làm hồ sơ nữa, đừng đẩy quả bóng ra cho bộ!”…
Xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt “Hoành Sơn vừa thiên nhiên (dãy núi), vừa nhân tạo (Hoành Sơn Quan và các lũy cổ…) là đường ranh giới giữa phần cựu thổ và tân thổ của đất nước. Vị trí này có một nội hàm cực lớn, nhắc cho mọi người nhớ đến một bước ngoặt đặc biệt của lịch sử dân tộc, khi người Việt từ vùng cựu thổ vượt khỏi đèo Ngang đi về phương Nam để mở rộng bờ cõi. VN có hai thời kỳ dựng nước. Thời kỳ đầu từ những nền văn minh Việt cổ cho đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn có các vua Hùng. Giai đoạn dựng nước lần thứ hai bắt đầu từ thời nhà Lý khi người Việt vượt khỏi đèo Ngang để đi về phương Nam trở nên một tầng lớp lưu dân làm nên những sự nghiệp lớn: vừa mở rộng vùng đất liền, vừa mở rộng vùng biển đảo. Bởi vậy, Hoành Sơn là một địa điểm lịch sử rất quan trọng, xứng đáng là một di tích đặc biệt quốc gia. Do đó cần phải có sự quan tâm nhất định, trung ương cần quyết định tỉnh nào quản lý một cách hợp lý để có hướng đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả!”. |
______________________
Kỳ 3: Bỏ bê đồn luỹ Hải Vân Quan