13/01/2025

Chụp ảnh phát hiện ung thư võng mạc?

Những thông tin về việc cha mẹ phát hiện ra con bị ung thư võng mạc nhờ chụp ảnh trẻ có bật đèn flash trong bóng tối làm nhiều người quan tâm.

 

Chụp ảnh phát hiện ung thư võng mạc?

 

Những thông tin về việc cha mẹ phát hiện ra con bị ung thư võng mạc nhờ chụp ảnh trẻ có bật đèn flash trong bóng tối làm nhiều người quan tâm. 

 

 

 
 

Liệu đây có phải là phương pháp phát hiện sớm ung thư võng mạc ở trẻ?

Chị N.T.T., 33 tuổi, có con là bé T.H.H., 2 tuổi, đang điều trị ung thư võng mạc tại Bệnh viện K T.Ư, kể chị phát hiện chấm trắng nhỏ ở mắt con qua việc chụp ảnh bằng điện thoại cách đây vài tháng.

Chấm trắng ở mắt

Tuy nhiên, chồng chị T. cho rằng chấm trắng trong mắt con là phản chiếu ánh sáng từ ánh đèn flash nên không đưa bé đi khám.

Do đó, phải đến khi bé H. có dấu hiệu đau mắt, đỏ mắt, lên gỉ nhiều kéo dài, được chẩn đoán viêm kết mạc và chữa trị tại bệnh viện địa phương không khỏi, bé mới được đưa lên Bệnh viện Nhi T.Ư, Hà Nội.

Tại đây, bé được xác định bị ung thư võng mạc, giai đoạn ba và được chuyển sang Bệnh viện K. Hiện bé H. bị khoét một bên mắt, bên mắt còn lại cũng xuất hiện khối u, khó bảo tồn thị lực.

Bà Phạm Thị Việt Hương, khoa nhi Bệnh viện K, cho biết dấu hiệu đồng tử trắng thường được mô tả bằng nhiều từ như “mắt mèo”, “mắt thú”, “mắt có ánh sáng lập loè”, “mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ”, thường phổ biến ở ung thư võng mạc (u nguyên bào võng mạc).

Dấu hiệu này có thể phát hiện khi nhìn vào mắt bé sẽ thấy ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy một hoặc hai đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.

Cũng theo bà Hương, việc chụp ảnh phát hiện ra ung thư võng mạc đã có lịch sử vài chục năm. Cho đến thời đại công nghệ số, kỷ nguyên điện thoại thông minh như ngày nay, phương pháp này càng được ứng dụng bởi tính tiện lợi.

Thế nhưng, không phải trường hợp u nguyên bào võng mạc nào cũng có thể phát hiện dưới ánh đèn flash. Có người hiện khối u nhưng có người lại không.

Hơn nữa, khi nhìn thấy khối u qua ảnh thì có nghĩa khối u này đã lớn, ở giai đoạn muộn. Do đó, không dùng phương pháp này giống như việc sàng lọc sớm u nguyên bào võng mạc ở trẻ.

Cần sàng lọc định kỳ

Theo bà Hương, việc phát hiện sớm ung thư võng mạc ở trẻ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn thị lực và sự sống cho trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn trẻ bị ung thư võng mạc được phát hiện khi ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, thường trẻ phải khoét bỏ mắt và giảm thời gian sống. Cách tốt nhất phát hiện sớm ung thư võng mạc là soi đáy mắt và siêu âm.

Khi soi đáy mắt, bác sĩ có thể phát hiện những bất thường dù chưa có khối u, đặc biệt là dấu hiệu tăng sinh mạch máu. Lúc này phải cẩn trọng với mạch máu tăng sinh bất thường này vì có thể khối u được hình thành và nuôi dưỡng.

Bà Hương cho biết thêm máy soi đáy mắt được đánh giá là tối ưu trong việc phát hiện ung thư võng mạc sớm do giá thành rẻ, gọn nhẹ, có thể di chuyển đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… thế nhưng dường như phương pháp này chưa thật sự được chú trọng.

Ngay cả ở ngành nhãn khoa, những dấu hiệu của ung thư võng mạc như đau mắt, đỏ mắt, lên gỉ, lác mắt… hay bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác.

Do đó, bà Hương nêu ý kiến: “Cần thực hiện việc soi đáy mắt như chỉ định sàng lọc định kỳ với trẻ, đặc biệt nhóm trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (nhóm có nguy cơ cao bị ung thư võng mạc) nhằm giảm thiểu tác hại của căn bệnh này với trẻ”.

Các dấu hiệu cần lưu ý

Bà Phạm Thị Việt Hương, khoa nhi Bệnh viện K, khuyến cáo một số dấu hiệu ung thư võng mạc ở trẻ cần chú ý như lác (lé) mắt, đặc biệt nếu bé bị lác trong 6 tháng tuổi, nên nghi ngờ đến ung thư võng mạc.

Đồng thời, lác cũng là biểu hiện thường gặp của tật khúc xạ cần phát hiện, điều trị sớm. Ngoài ra, các dấu hiệu khác của bệnh ung thư võng mạc là thị lực kém, đỏ, đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc…

QUỲNH LIÊN