15/01/2025

Tự lập sớm có gì sai?

Tôi nghĩ chuyện đưa con đi thi chỉ là một lát cắt nhỏ, còn hàng trăm chuyện khác để chứng minh rằng các cha mẹ Việt thời nay “úm con” quá kỹ.

 TUỔI 18 ĐÃ LỚN CHƯA?

Tự lập sớm có gì sai?

 

Tôi nghĩ chuyện đưa con đi thi chỉ là một lát cắt nhỏ, còn hàng trăm chuyện khác để chứng minh rằng các cha mẹ Việt thời nay “úm con” quá kỹ. 

 

 

Thay vì cái gì cũng làm giúp, sao không hướng dẫn và để cho trẻ sớm tự lập? - Ảnh: T.T.D.
Thay vì cái gì cũng làm giúp, sao không hướng dẫn và để cho trẻ sớm tự lập? – Ảnh: T.T.D.

Đó là ý kiến của mẹ gửi về diễn đàn “Tuổi 18 đã lớn chưa?“.

Sao con không được quyền thử sai?

Vì nghĩ thế nào, khi liên hoan lớp 4, cô giáo còn phải cắt sẵn các gói bánh, nếu cô không cắt thì nhiều bé không biết mở ra mà ăn (bé nào cũng có kéo trong hộp đồ thủ công nhé). Nghĩ gì khi một bé lớp 2 ngày thường hay mang bình có ống hút đi học, hôm nay mẹ đưa cho chai nước thì bé nhịn uống nguyên ngày “vì không có ai mở nắp chai cho con uống”!

Nghĩ gì khi một bạn tốt nghiệp cao đẳng, đang chờ việc làm, cả ngày ngồi ở phòng trọ nhưng toàn quên… ăn cơm, bị xỉu mấy lần. Mẹ kể: “Ở nhà mẹ toàn phải đem cơm tới tận bàn nó mới ăn, nếu không rót nước đưa tận tay thì có khi cả ngày nó chả uống giọt nào”… 

Theo Tổng cục Thống kê, mức độ tử vong của trẻ em toàn quốc giảm tới hơn 50% trong vòng 20 năm (từ 1989 – 2009).

Trẻ em dưới 5 tuổi tử vong giảm từ 58 (năm 1999) xuống còn 24 trên 1.000 trẻ đẻ sống (năm 2009).

Trẻ dưới 1 tuổi tử vong giảm từ tỉ lệ 18,3/1.000 xuống 9,4/1.000. Vài con số để chứng minh rằng không phải vì thời xưa an toàn nên bố mẹ mới dám thả cho trẻ con tự lập.

Cổng trường THCS và THPT luôn nghẹt cứng các bố mẹ tới đưa đón con, kẹt xe cả dãy phố dài. Nhiều nhà cắt hẳn một người ở nhà chỉ để đưa đón con chạy sô vì “thời này khác, xã hội không còn an toàn như ngày xưa, nào là xe cộ nhiều, tai nạn lắm, nào là lừa đảo, cướp bóc, bắt cóc…”.

Thật ra, nguy cơ với trẻ con thì thời nào cũng có. Nhưng thời này sẽ lan rộng hơn, gây chấn động hơn bởi thông tin quá nhanh, quá dễ dàng. Giả sử có một em bé bị bắt cóc ở Lạng Sơn, lập tức hàng triệu cha mẹ ở Sài Gòn cũng lo sợ.

“Để nó tự đi học, tự đi thi rủi lỡ bị té xe, bị quên đồ dùng, bị trễ giờ… thì sao? Con của bạn tôi học lớp 3 đã tự đi bộ đi học mỗi ngày mấy cây số giữa Hà Nội xe đông như nêm.

Lên lớp 5, chuyển nhà cách trường 5km, chàng tự đi xe buýt. Tất nhiên là bà mẹ không phải bỏ con cái bụp ra đường, cô ấy tập dần cho con đi từng quãng ngắn, đi cùng mẹ, rồi đi cách mẹ một quãng, rồi dần dần tự đi, mẹ bí mật đi theo sau suốt cả tuần.

Bé có bao giờ bị lạc không? Có. Có mất đồ không? Có. Có mất vé xe không? Có! Con tôi cũng thế, lớp 3, tự nấu cơm, nấu thức ăn, ăn xong tự dọn, tự rửa, tự trông nhà… Cũng sai sót đầy ra, cơm sống, canh mặn, thức ăn cháy đen…

Thì sao chứ? Sao lại tước đoạt quyền được sai của trẻ con? Trẻ con lớn lên bằng quá trình thử và sai. Không làm sai thì biết thế nào là đúng? Không phải trả giá thì kinh nghiệm mãi mãi là của người khác, chẳng bao giờ biến thành của bản thân mình. 

Lo, mà lo chuyện gì?

“Con chỉ cần học thôi, mọi thứ để đó mẹ lo” là một câu nói rất quen thuộc trong nhiều gia đình. Thế rồi tới khi con đậu đại học, lại muốn ngay lập tức con phải khéo léo, phải chăm chỉ việc nhà như một phép mầu. Rồi cha mẹ lại đau đớn “không hiểu tại sao nó vụng về thế, nó ích kỷ thế. Mình đau muốn sụm lưng mà nó ngồi trên ghế, điềm nhiên co chân lên để mình lau nhà. Mình ốm nằm bẹp một chỗ mà nó chả nấu cho mình lấy một chén cháo!”.

Nhiều bạn học giỏi, kiếm được học bổng du học mà cơm không biết nấu, ăn không biết dọn, tới ở nhờ nhà ai một thời gian cũng bị đuổi. Có người phải khóc ròng xách vali về nước vì không thể tự lập ở một đất nước xa lạ. 

Tự lập sớm không có gì thiệt thòi. Theo một thống kê của Israel, tỉ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà gấp 15 lần những đứa trẻ biết làm việc nhà. Còn những đứa trẻ biết làm việc nhà thu nhập bình quân gấp 20 lần những đứa trẻ không biết làm việc nhà.

Đó là chưa kể có bạn giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, được tuyển dụng nhưng đi làm lúc nào cũng chán vì không thể hoà nhập, không có bạn thân, chỉ vì nhạt. Nếu con bạn chưa từng bao giờ bị sai sót điều gì thì kính thưa là rất nhiều phần trăm có nguy cơ nhạt đấy ạ! Có thể trẻ trải qua những sự cố lo lắng thắt tim, bị phạt méo cả mặt, hay bị những cú lừa điêu đứng…

Đau đớn đấy, nhưng nó làm con bạn trưởng thành và thú vị. 

Trong cuốn sách dạy con của người Do Thái có câu chuyện về gia đình sư tử: hai anh em sư tử được mẹ dạy đi săn. Hai cậu sư tử quá hứng khởi, chạy quá nhanh nên người anh trượt té và bị thương. Mẹ sư tử cho sư tử anh ở nhà. Hằng ngày, mẹ và sư tử em đi săn mồi và không quên để phần cho người anh. Từ đó, sư tử anh sống trong sự thoải mái, hằng ngày được ăn mà không phải đi kiếm mồi. Đến khi trưởng thành, mẹ sư tử mất, lúc đó hai anh em phải tự đi kiếm ăn. Không may chúng lạc nhau, sư tử anh đói đến chết và trước khi chết thốt lên: “Con hận mẹ”.

Vậy suy cho cùng, mọi kiến thức con đang học: toán, lý, tiếng Anh, nhạc hoạ.. cũng chỉ với một mục đích là để sau này con có thể tự sống một mình mà thôi. Vậy tại sao lại cứ bó chân bó tay con, “úm” con trong vòng tay của mình, không cho con bắt đầu tự lập ngay?

Tự lập không có nghĩa là buông tay

Từ việc phụ huynh đưa đón con mình trong kỳ thi THPT vừa qua mà dư luận lại lên án gay gắt về cách giáo dục con cái thì hơi quá đáng, rất phiến diện giống như “thầy bói xem voi” vậy. Một vài trường hợp “chăm con từng hộp cơm”, “ngồi quạt cho con từng chút một để con ăn cơm khi trời nóng”… trong kỳ thi vừa qua chỉ là những con số nhỏ, rất nhỏ.

Xưa nay người Việt vốn ngưỡng mộ cách giáo dục trẻ theo lối sống tự lập ở phương Tây. Dĩ nhiên không thể phủ nhận đó là những phương pháp giáo dục tích cực và đáng để học hỏi. Nhưng hay thì không có nghĩa là phù hợp với môi trường sống, với văn hóa VN.

Ở VN, chắc chắn một điều rằng không chỉ khi các em học sinh đã đủ 18 tuổi, đi thi tốt nghiệp THPT được cha mẹ đưa đón mà cả lúc 30 – 40 tuổi, trong ngày trọng đại khác thì vẫn thường thấy có sự hiện diện của hai người thân yêu nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đó hoàn toàn không phải là hành động của sự nuông chiều mà là tình yêu thương, quan tâm, lo lắng và hơn hết là sự chia sẻ quý báu của cha mẹ. Đứng trước mỗi cánh cửa quyết định tương lai, tôi tin rằng một người có cha mẹ luôn đồng hành sẽ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn và khả năng thành công sẽ cao hơn.

18 tuổi – rất nhiều em đã trưởng thành. Nhưng trong những giờ phút đặc biệt quan trọng các em cần có người thân bên cạnh và cha mẹ cũng muốn đồng hành cùng con mình trong những thời khắc ấy. Đừng vì một kỳ thi mà xem đó là mẫu số chung của việc dạy con trẻ tính tự lập, bởi vì tự lập không có nghĩa là buông tay.

KIM THANH

Sỏi đá cũng cần có nhau

Đọc những ý kiến của bạn đọc viết về chuyên đề “Tuổi 18 đã lớn chưa?”, là một người ông, một người cha, một người thầy giáo, tôi cảm thấy băn khoăn khi thấy nhiều bạn đọc đem việc dạy dỗ con cái của mình so bì với cách dạy con của người nước ngoài rồi đi đến khẳng định cách dạy con của họ tốt hơn cách của mình. Và họ đã chứng minh tính đúng đắn của nó bằng nhiều dẫn chứng cụ thể. Tôi không có gì phản bác thực tế đó, nhưng cũng không hoàn toàn đồng tình.

Bởi lẽ dân tộc VN ta chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục từ gia đình rất sâu sắc. Nền giáo dục đó trân trọng những truyền thống tình cảm. Chính vì lẽ đó mà sau này lớn lên, dù ở đâu trẻ cũng nghĩ đến gia đình và khát khao quay về nguồn cội.

Điều này bắt nguồn từ sự quan tâm, gắn bó của các thành viên trong gia đình. Tôi là người đã già mà cũng cần lắm sự chăm chút của vợ, của con cháu chứ đừng nói đến một thành viên 18 tuổi. Nếu hiểu 18 tuổi đã lớn chưa thì theo tuổi sinh học là lớn và theo luật pháp là “đủ lông đủ cánh” để thành người, nhưng với những người thân trong gia đình lứa tuổi này cũng vẫn cần được quan tâm chăm sóc.

Nếu ai đó quên đi điều này rồi để cho những trẻ 18 tuổi tự mình xoay xở, tự lập trước cuộc sống thì e rằng chúng sẽ gặp những vấp ngã không đáng có. Với suy nghĩ đó, tôi xin mượn ca từ trong một nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thay cho lời kết “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.

NGUYỄN VĂN HỌC (Đà Nẵng)

Không có sự trưởng thành nào dễ dàng, êm ái?

6 năm đi học, tôi được mẹ dẫn đến trường một lần duy nhất năm mẫu giáo, được cha chở đi học tổng cộng ba ngày vì bị xe tông trật khớp chân. Vậy với cha mẹ thì tôi “đã lớn” từ năm mẫu giáo hay không yêu thương, lo lắng cho tôi?

Trừ trường mẫu giáo và tiểu học được cha mẹ chọn giúp, tôi được tự do chọn trường, con đường học tập của mình. Có đúng và sai nhưng may mắn tôi đã có cơ hội để sai từ sớm! Vì thế tôi cảm thấy rất tiếc cho một số bạn khi cơ hội được chọn và được sai của các bạn bị trì hoãn.

Điều tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc và tự hào nhất về gia đình là cha mẹ đã cho tôi “tự chọn, tự chịu” với cuộc đời của mình. Những lúc vấp ngã, đau buồn, thất vọng cha tôi chỉ nói “coi đó mà rút kinh nghiệm nha con”. Những lúc thành công, vui mừng, hi vọng cha tôi chỉ nói “coi đó mà ráng để làm tốt hơn nữa nha con”. Với tôi như thế đã quá đủ.

Thầy tôi từng nói: “Cha mẹ sinh mấy đứa ra, nuôi đủ lớn rồi cho vô trường cho thầy cô đá đít, sau đó thả ra xã hội vùi dập”, nghe có vẻ “lạ” nhưng có sự trưởng thành nào dễ dàng và êm ái?

NGUYỄN THỊ XUÂN THUỲ

 

THU HÀ