16/01/2025

Trùng tu toà án 130 tuổi

Sau gần 10 năm chuẩn bị, trụ sở Toà án nhân dân TP.HCM sắp được trùng tu toàn bộ với kinh phí dự kiến 320 tỉ đồng, để xứng tầm một di tích cấp quốc gia.

 

Trùng tu toà án 130 tuổi

 

Sau gần 10 năm chuẩn bị, trụ sở Toà án nhân dân TP.HCM sắp được trùng tu toàn bộ với kinh phí dự kiến 320 tỉ đồng, để xứng tầm một di tích cấp quốc gia.

 

 

Trụ sở TAND TP.HCM hiện nay - Ảnh: Diệp Đức MinhTrụ sở TAND TP.HCM hiện nay – Ảnh: Diệp Đức Minh
Công trình nằm gần Khám Lớn (nay là Thư viện Tổng hợp) trước đây do kiến trúc sư người Pháp Bourard thiết kế, khởi công năm 1881 đến năm 1885 thì hoàn thành. Kiến trúc sư Foulhoux, Giám đốc Sở Công chánh thời đó tổ chức thực hiện.
Cùng với UBND TP.HCM, Bưu điện TP.HCM thì trụ sở Toà án nhân dân (TAND) TP.HCM là một trong 3 toà nhà điển hình nhất, có kiến trúc độc đáo giữ được trọn vẹn công năng từ khi xây dựng cho đến nay với tuổi thọ 130 năm. Sau 1975, tòa nhà được tiếp quản để sử dụng phục vụ công tác xét xử và làm việc.
Tòa án cổ ở Sài Gòn
Nhằm phục vụ cho quá trình đô hộ ở VN, người Pháp cho xây dựng tại 3 TP lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn 3 trụ sở tòa án để xét xử. Hiện Đà Nẵng đã đập cho xây mới, chỉ còn lại tòa nhà của TAND tối cao (Hà Nội) và TAND TP.HCM được giữ nguyên. Ông Thái Văn Tuấn, Chánh văn phòng TAND TP.HCM, cho biết: “Điểm đặc biệt của công trình là kiến trúc gần giống với Toà án Paris của Pháp, trên tường mặt tiền có hình thần Công Lý tay ôm sách luật rất uy nghiêm. Toàn bộ màu sơn, gạch, ngói, cửa sổ, cầu thang gỗ… hầu như nguyên vẹn, không có ảnh hưởng lớn gì về thiết kế. Các họa tiết, hoa văn trên tường đạt đến độ thẩm mỹ tuyệt đối”.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một số hạng mục bị xuống cấp: cột tường bong tróc, mái ngói cũ thấm dột; máng xối bị mục. Nhiều công trình phụ mới xây cất sau này cùng hệ thống đường ống nước, máy lạnh là tác nhân gây nguy hại đến tòa nhà; những máng xối.
Xác định rõ đây là kiến trúc toà án cổ “độc nhất vô nhị” ở Sài Gòn, ngay từ năm 2002 lãnh đạo TAND TP.HCM đã lên ý tưởng trùng tu, chuẩn bị hồ sơ, đến năm 2006 xin chủ trương thì được đồng ý. Năm 2012, trụ sở TAND TP.HCM được công nhận di tích cấp quốc gia càng khích lệ thêm kế hoạch tu bổ sớm thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Tuấn, hồ sơ tu bổ, tôn tạo phải qua khảo sát thực tế rất chi tiết, đích thân đại diện Sở Xây dựng, Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM), Cục Di sản văn hoá hướng dẫn thẩm định, chỉnh sửa nhiều lần mới có kết quả, rồi chuyển ra Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT-DL và cơ quan chủ quản phê duyệt. Mọi việc tới nay đã gần xong, chỉ còn chờ kết quả đấu thầu để cuối năm nay chính thức khởi công.
Cũng theo ông Tuấn, khó khăn nhất hiện nay vẫn là phải tìm ra đơn vị có kinh nghiệm tu bổ di tích công sở cổ, trong khi các tỉnh phía nam thì gần như quá… hiếm vì lâu nay các doanh nghiệp chỉ tập trung sửa chữa miếu, đình, chùa là chủ yếu.
Tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ
Việc trùng tu TAND TP.HCM theo phương án khi đưa vào sử dụng tận dụng khí trời là chính, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng máy điều hoà. Các hoạt động sử dụng công nghệ: máy tính, điện thoại, đèn… phải bố trí đường dây điện, cáp phù hợp để không ảnh hưởng đến tổng thể toà nhà.
Ông Thái Văn Tuấn khẳng định: “Thực hiện đúng nguyên tắc bảo tồn di tích và luật Di sản thì phần nào phá vỡ cảnh quan phải tiến hành tháo dỡ ngay. Như vậy, hai khu nhà xây mới trong khuôn viên toà án phải bị đập bỏ, chỉ giữ lại nguyên trạng khối nhà chính. Màu tường cũng cho đục lấy mẫu ở nhiều lớp để nghiên cứu tìm ra “áo mới” nhưng vẫn đảm bảo như chuẩn màu đang có hiện nay. Tuyệt đối, trong vôi vữa nghiêm cấm sử dụng các loại hóa chất làm phá huỷ kết cấu thiết kế. Công tác tu bổ đang được các chuyên gia lên kế hoạch hoàn thiện tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, dù khó cũng phải làm, làm sao vừa đảm bảo phục hồi tốt giá trị nguyên gốc của di tích, vừa hạn chế tối đa việc thay mới để công trình hoàn thành đáp ứng được kỳ vọng”.
Công tác xét xử vẫn bảo đảm
Việc trùng tu trụ sở TAND TP.HCM dự kiến có tổng kinh phí 320 tỉ đồng, kéo dài trong vòng 2 năm và thực hiện theo kiểu cuốn chiếu. Khu vực bên trái sẽ được làm trước, các kiến trúc bên trong ưu tiên trùng tu ngay từ giai đoạn đầu để vừa hoàn thành là có thể bố trí vào làm việc ngay. Đơn vị thi công phải tự sản xuất, cung cấp các loại nguyên vật liệu theo đúng nguyên mẫu theo quy định thì mới được chọn lựa. Một số hạng mục bên ngoài: cửa cổng, sân vườn, hành lang toà nhà… sẽ được tu bổ sau để đảm bảo tính thẩm mỹ và tôn vinh giá trị di tích. Trong quá trình sửa chữa, công tác xét xử của tòa án vẫn diễn ra bình thường.

Các hạng mục được trùng tu
Trước tiên, sẽ dỡ bỏ các công trình nhà xét xử hình sự, nhà xét xử 2, nhà xét xử 3, nhà xe cũ, căn tin, nhà xe, bảo vệ. Tu bổ nguyên trạng các khối nhà tòa án xây dựng năm 1881, năm 1961 và hai dãy nhà làm việc. Đối với các cửa sổ và cửa ra vào đã xuống cấp nhưng còn khả năng sử dụng cần tiến hành tu bổ, sửa chữa những bộ phận bị hư hỏng, xuống cấp, tái sử dụng các bộ phận kiến trúc có giá trị lịch sử như khóa cửa. Bảo tồn tối đa các mảng tường có trang trí hoa văn, chỉ trát lại các mảng tường đã bong tróc. Thực hiện việc tư liệu hóa bằng hình ảnh và bản vẽ toàn bộ công trình. Có biện pháp bảo vệ ngói lợp mái, cấu kiện gỗ trong quá trình hạ giải. Sau khi hạ giải phải thành lập hội đồng đánh giá, phân loại để tái sử dụng các cấu kiện gỗ ở vì kèo mái, ngói lợp mái và máng nước còn khả năng sử dụng, không thay mới toàn bộ.

Lê Công Sơn