29/11/2024

Nên bỏ phí xe máy trên toàn quốc

Tuần qua, Đà Nẵng và Khánh Hoà lần lượt cho tạm dừng triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy.

 

Nên bỏ phí xe máy trên toàn quốc

 

Tuần qua, Đà Nẵng và Khánh Hoà lần lượt cho tạm dừng triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. 

 

 

Với người dân nghèo lao động, đóng phí xe máy là một khoản tiền không nhỏ. Trong ảnh: người dân đi xe máy trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chiều 12-7 - Ảnh: Thanh Tùng
Với người dân nghèo lao động, đóng phí xe máy là một khoản tiền không nhỏ. Trong ảnh: người dân đi xe máy trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chiều 12-7 – Ảnh: Thanh Tùng

Trả lời Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng đã đến lúc nên bỏ loại phí này trên toàn quốc. 

Đừng bắt xe máy 
“cõng” phí đường bộ

Việc Đà Nẵng, Khánh Hoà tạm dừng thu phí xe máy là những tín hiệu chính thức cho thấy đến lúc cần xem xét bãi bỏ loại phí này ở quy mô toàn quốc.

Nói là tín hiệu chính thức vì lâu nay trên các diễn đàn khác nhau, có rất nhiều ý kiến phân tích về sự bất hợp lý của việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Đáng tiếc là các ý kiến đó không được cân nhắc 
đầy đủ.

Theo quy định pháp luật hiện hành, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Việc thu phí “theo đầu phương tiện” đã bất hợp lý ngay từ cách tiếp cận, vì quá trình sử dụng dịch vụ – ở đây là hệ thống đường bộ và công tác bảo trì – rất khác nhau giữa các “đầu phương tiện”. Có xe đi ít, có xe đi nhiều, nhưng với chính sách thu phí xe máy thì tất cả phương tiện đều phải chịu một mức phí như nhau.

Chính vì cách thức thu theo đầu phương tiện đã dẫn đến chuỗi bất hợp lý tiếp theo. Đó là phải tổ chức lực lượng làm công tác thu phí đến tận tổ dân phố rất tốn kém công sức.

Đó cũng là một chính sách được cho sẽ góp phần nâng cao ý thức người dân, nhưng thực tế người nộp, người không gây nên dư luận xã hội không hay.

Kết quả của những bất hợp lý thể hiện ở mức thu ở nhiều địa phương gần như không đáng kể nếu so sánh với công sức bỏ ra.

Ví dụ, với một tỉnh như Khánh Hoà, mỗi năm chỉ thu được vài tỉ đồng lại giảm dần, sáu tháng đầu năm nay chỉ thu được vài trăm triệu có thể nói là rất thấp.

Ngay từ đầu, không phải là cơ quan đề xuất thu phí sử dụng đường bộ không biết, thu qua xăng thì tiện lợi và công bằng hơn so với cách thức thu qua đầu phương tiện.

Nhưng chắc là các cơ quan làm chính sách đứng trước một tình hình giá xăng đã và đang phải “cõng” nhiều loại đóng góp khác nhau, cho nên mới phải tính đến việc thu qua đầu phương tiện.

Vậy xin đặt câu hỏi có phải các phương tiện giao thông đang “nhẹ gánh”? Xin thưa hoàn toàn không! Trên thị trường cũng như trên đường, một chiếc ôtô, xe máy khi đến tay người dân và khi người dân vận hành nó đều đã phải chịu rất nhiều loại chi phí khác nhau.

Cũng có ý kiến cho rằng mức thu trên dưới 100.000 đồng mỗi năm là không đáng kể. Có lẽ không đáng kể với người giàu. Còn với người lao động, nhất là những người một nắng hai sương mà một ký vải thiều, dưa hấu… chỉ bán được với giá bằng một hai cốc trà đá thì không thể nói như vậy.

Khi được hỏi, chắc chắn có địa phương đồng ý bãi bỏ phí xe máy như thái độ của Đà Nẵng, Khánh Hoà, bên cạnh đó sẽ có địa phương đề nghị tiếp tục thu. Điều này có thể hiểu được nếu xét theo nhu cầu của từng địa phương cụ thể trong bối cảnh ngân sách khó khăn.

Nhưng nhìn trên toàn quốc thì chính sách thu phí xe máy đã bộc lộ rất nhiều bất hợp lý, với ghi nhận chung ở các địa phương là nguồn thu ít, chi phí tổ chức thu tốn kém, người dân phản ứng.

Chưa kể đến những câu hỏi khác về tính công khai, minh bạch? Nếu thực tiễn là tiêu chuẩn để đánh giá chính sách, chắc rằng thực tiễn thời gian qua đã đủ để chứng minh sự cần thiết bãi bỏ phí xe máy.

Như các chuyên gia đã khuyến cáo, cùng với việc bãi bỏ phí xe máy, cần xem xét lại tổng thể các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình cầu đường, chu kỳ bảo trì ở Việt Nam có quá nhanh so với thế giới hay không, chi phí bảo trì cao hay thấp…

Bãi bỏ được một loại phí đã là giảm một phần gánh nặng. Chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ giúp giảm gánh nặng lớn hơn.

TS ĐẶNG NGỌC DINH (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng)

* Ông Trần Ngọc Vinh (ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội):

Nơi thu, nơi không là không bình đẳng

Phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Một chính sách thu phí được ban hành trên toàn quốc, về nguyên tắc chỉ có một số trường hợp được miễn giảm ví dụ như xe máy của hộ nghèo, còn lại mọi công dân khác đều phải thực hiện.

Nay có nơi tiếp tục thu, nơi không thì không bình đẳng. Nếu Chính phủ thấy nguồn thu khác cân đối được mà tiến tới nghiên cứu bãi bỏ thu phí xe máy thì tốt quá.

Tôi được biết trong quá trình thẩm tra dự án Luật phí và lệ phí, Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí tổ chức thu cao, một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân, trong đó có phí giao thông đối với xe máy. Một trong những “đầu bài” quan trọng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã đặt ra cho dự án luật này là tránh tình trạng lạm thu, tránh tạo gánh nặng đóng góp của người dân.

* Ông Nguyễn Anh Sơn (phó trưởng đoàn chuyên trách 
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định):

Trước đây đã có ý kiến không đồng tình

Tôi nhớ trong phiên giải trình về pháp lệnh phí, lệ phí do Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội tổ chức hồi tháng 4-2014, nghĩa là chỉ một thời gian ngắn sau khi quy định thu phí xe máy có hiệu lực, đã có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bỏ loại phí này.

Trước đây, khi có đề nghị thành lập quỹ bảo trì đường bộ, đã có ý kiến không đồng tình thu phí xe máy vì người dân và nhất là những người thường xuyên sử dụng xe máy thì không phải là những người có thu nhập cao, lại chịu nhiều loại phí và lệ phí rồi. Thực tế cho thấy tổng thu từ phí xe máy trên toàn quốc rất khiêm tốn.

Theo quy định hiện nay thì mức thu tuỳ từng nơi, địa phương có thể quyết định thu tối đa theo khung của Chính phủ hoặc thu ở mức tượng trưng thôi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định về cách thu phí như hiện nay không đảm bảo công bằng và nếu mức thu nhỏ quá thì có nơi thậm chí không đủ bù đắp chi phí tổ chức thu. Chính vì vậy cần thống nhất bãi bỏ thu phí xe máy trên toàn quốc. Tôi cho rằng nên theo hướng như thế.

* Bà Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội):

Ủng hộ không nên thu phí xe máy

Công tác bảo trì đường bộ là cần thiết, nhưng nên tiếp cận theo hướng khác, không nên cứ nhìn vào chiếc xe máy. Vì nguồn thu không được bao nhiêu, thiếu hiệu quả không chỉ về tài chính mà cả về mặt xã hội. Bây giờ không quy định mức tối thiểu, nghĩa là về mặt nào đó đã mở đường cho các địa phương thu ở mức 0 đồng.

Nhưng theo tôi, thu ở mức 0 đồng tuy có thể coi như không thu, nhưng lại tạo ra sự không thống nhất trên toàn quốc và về hình thức vẫn phải tổ chức thu ở mức 0 đồng. Như vậy khá là rắc rối.

Việc sở hữu xe máy của người dân rất đa dạng, có chiếc xe cả trăm triệu đồng, nhưng có chiếc xe chỉ 1 – 2 triệu đồng. Với đa số người lao động thì thường đi xe cũ, giá trị nhỏ, vậy mà thu phí tới cả trăm ngàn đồng thì không phù hợp. Tóm lại, tôi đề nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ việc thu phí xe máy.

 

V.V.THÀNH thực hiện