15/01/2025

Hoang phế biểu tượng Đà Lạt

Không ít di tích nằm nơi giáp ranh giữa hai tỉnh hoặc nhập nhằng trong quản lý đang kêu cứu vì vừa bị tranh chấp, vừa… bơ vơ khi không phía nào nhận lãnh trách nhiệm bảo tồn, tu bổ.

 

Di tích…bơ vơ – Kỳ 1: Hoang phế biểu tượng Đà Lạt

 

Không ít di tích nằm nơi giáp ranh giữa hai tỉnh hoặc nhập nhằng trong quản lý đang kêu cứu vì vừa bị tranh chấp, vừa… bơ vơ khi không phía nào nhận lãnh trách nhiệm bảo tồn, tu bổ.

 

 

Các hộ dân cơi nới các căn phòng trong Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt để làm nơi sinh hoạt - Ảnh: M.VINH
Các hộ dân cơi nới các căn phòng trong Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt để làm nơi sinh hoạt – Ảnh: M.VINH

Những bức tường bong tróc, trần nhà nứt toác từng mảng, mái ngói chỗ lành chỗ vỡ, rêu phủ khắp nơi… là hiện trạng của công trình kiến trúc được xem là biểu tượng của Đà Lạt – Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Sau 80 năm tồn tại, công trình kiến trúc nổi tiếng này dần hoang phế. Giới chuyên môn đang lo lắng nếu không có hướng tôn tạo một cách toàn diện, ngôi trường sẽ mau chóng xuống cấp đến mức không còn cứu vãn nổi.

Đã có nhiều người đề nghị cùng hỗ trợ để tôn tạo công trình cổ này. Đơn vị sử dụng phải lên tiếng thì mọi người mới có thể hỗ trợ vì thực tế đó là trường học thuộc sở hữu của Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Ông Ngọc Lý Hiển (trưởng phòng di sản  Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng)

Ngồi học mà lo nơm nớp

Nguồn cơn của việc xuống cấp bắt đầu từ năm 1976, khi tỉnh Lâm Đồng trưng dụng nơi đây làm cơ sở đào tạo giáo viên. Khi đó ngôi trường danh tiếng này chỉ được xem như những khu nhà hoặc công sở nên có thể tác động, sửa chữa, cơi nới đủ kiểu. Trình trạng này chỉ tạm lắng khi năm 2001, công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Theo ông Trần Đình Thuận – phó trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, thời điểm đó trường đã thay đổi công năng một số phòng để bố trí chỗ ở cho cán bộ, giảng viên từ nhiều nơi về Đà Lạt công tác và được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý.

Nhiều nhân viên của trường lập gia đình, sinh con cũng tiếp tục ở lại bên trong trường và biến các phòng học thành những căn hộ. Hiện bên trong trường có khoảng 13 hộ dân, trước đó có đến hơn 30 hộ.

Do mỗi “căn hộ” được chuyển quyền sử dụng cho nhiều đời chủ, việc tháo dỡ và cơi nới lặp đi lặp lại càng khiến di tích này hư hỏng nặng thêm.

Ông Vũ Đình Sơn – trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – cho biết trường đã lên phương án di dời các hộ dân nhưng không có kinh phí tái định cư, trong khi các hộ dân đều có hoàn cảnh khó khăn.

Khu nhà được đánh giá quan trọng nhất Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là nhà mái cong và nhà hiệu bộ. Nhưng bước vào không gian của hai khu nhà này, nhiều người không khỏi xót lòng cho một công trình kiến trúc đẹp khi mùi ẩm mốc thoang thoảng, dấu rêu phủ khắp nơi, đa số cửa sổ mục nát.

Sinh viên Nguyễn Thị Vân Lan kể cô cũng như các sinh viên khác, ngồi học trong trạng thái lo nơm nớp:

“Đã có lần trần ximăng ở góc phòng bong ra rồi rớt xuống, may mà rớt ở vị trí không có sinh viên ngồi. Cửa sổ thì hư hết rồi, đóng không được nên khi mưa to thì phòng ướt sũng do nước tạt vào”.

Sinh viên Đinh Minh Hồng ám ảnh nhất mỗi khi cả đoàn sinh viên kéo nhau ùa ra khỏi lớp sau giờ học: “Có cảm giác sàn gạch rung lên, các cầu thang gỗ kêu kẽo kẹt như muốn vỡ ra”.

Không ai chịu cấp 
kinh phí sửa chữa

Cách nay 20 năm, công trình này được tu sửa bằng kinh phí từ ngân sách của tỉnh Lâm Đồng. Lần tu sửa này diễn ra khi toàn bộ mái ngói đá đen (Ardoise) của nhà mái cong và nhà hiệu bộ bị hư hại hoàn toàn không thể cứu vãn được.

Do không tìm được vật liệu thay thế, nhà mái cong được vá víu tạm bợ bằng ngói đất nung màu đỏ thường dùng lợp nhà hiện nay. Tòa nhà hiệu bộ bị thay toàn bộ ngói bằng… tôn sơn xanh.

Hiện toàn bộ công trình này chỉ có tháp chuông trên nhà mái cong còn giữ mái ngói bằng đá đen nguyên bản. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lập – chủ tịch Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng – tiếc nuối: “Đó là sai lầm đáng tiếc xuất phát từ sự thiếu kinh phí và tư vấn của giới chuyên môn.

Ngói đá đen rất đặc biệt, được làm từ Pháp, thợ cắt xẻ từ những khối đá lớn thành ngói. Gạch ngói để làm công trình này được nhóm thi công kỳ công vận chuyển từ Pháp sang nên không thể tuỳ tiện thay thế”.

Ông Ngọc Lý Hiển – trưởng phòng di sản Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng – cho rằng để duy tu toàn diện công trình này nhằm trả lại cho công trình dáng dấp tương đương nguyên bản cần nguồn kinh phí khoảng 19 tỉ đồng (chỉ mới tính vật liệu và thi công) – “kinh phí quá lớn, vượt tầm của địa phương”.

Nhưng đơn vị nào sẽ bỏ kinh phí thì còn nhiều lấn cấn vì đây là di sản thuộc quản lý của Bộ VH-TT&DL, trong khi đơn vị sử dụng lại là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các bộ liên quan cấp 19 tỉ đồng để duy tu biểu tượng của Đà Lạt nhưng Bộ VH-TT&DL chỉ mới đồng ý cấp một phần kinh phí nhỏ và đề nghị đơn vị sử dụng tự tính kinh phí. Trong khi đó, đơn vị sử dụng lại cho rằng không có nguồn tiền để sửa chữa.

Nhà mái cong là công trình quan trọng trong Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nhưng đã bị hư hại từ trong ra ngoài, mái ngói đá đen đã bị thay bằng ngói đất nung màu đỏ - Ảnh: M.VINH
Nhà mái cong là công trình quan trọng trong Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nhưng đã bị hư hại từ trong ra ngoài, mái ngói đá đen đã bị thay bằng ngói đất nung màu đỏ – Ảnh: M.VINH

Một kiến trúc tuyệt vời và không lặp lại

Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ban đầu có tên Grand Lycée Yersin, được khởi công xây dựng vào năm 1927, hoàn thành sau tám năm bằng sức lao động của hàng nghìn phu phen người Việt. Trường đổi tên như tên hiện nay vào năm 1976.

Toàn bộ công trình nằm trên diện tích khoảng 8ha, được xem là nổi bật nhất so với các công trình làm nên biểu tượng kiến trúc của Đà Lạt như nhà thờ Con gà, ga xe lửa Đà Lạt, Nha địa dư (nay là Cục Bản đồ Đà Lạt).

Theo nhà nghiên cứu Trương Phúc Ân (tác giả Có một ngôi trường như thế), ngôi trường ngày đó không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn ở Đông Dương và nhiều nước châu Á vì đây là nơi con em những gia đình giàu có từ nhiều nước gửi về đây học.

Những người thiết kế và thi công là những người có tình cảm đặc biệt với bác sĩ Alexandre Yersin (người phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893) nên toàn bộ công trình được phối hợp khéo léo giữa kiến trúc Thuỵ Sĩ, quê hương bác sĩ Yersin, và kiến trúc Pháp.

Phong cách kiến trúc châu Âu thể hiện rõ nét ở nhiều công trình cổ tại Đà Lạt, tuy nhiên nhiều kiến trúc sư đánh giá Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là tuyệt vời nhất và không lặp lại.

Kỳ 2: Tranh chấp dai dẳng trên đèo Ngang

MAI VINH