76 tuổi làm khuyến học trên… mạng
“Ông Minh đầu bạc” hay “Ông tiên của bàu lúa ma” là những tên gọi mà người dân ở Định Quán, Đồng Nai ưu ái dành cho thầy Nguyễn Tiến Minh.
76 tuổi làm khuyến học trên… mạng
“Ông Minh đầu bạc” hay “Ông tiên của bàu lúa ma” là những tên gọi mà người dân ở Định Quán, Đồng Nai ưu ái dành cho thầy Nguyễn Tiến Minh.
Thầy Minh về thăm ngôi nhà mới của chị em Thuỳ Dương – Ảnh: HẢI QUÂN |
“Ở cái xứ bàu lúa ma này, 10 người thì hết 8 người biết thầy Minh tóc bạc” – anh Khấu Minh Tiến, một người dân ở khu vực, cho biết. Thầy Minh là một giáo viên dạy sử đã về hưu, hiện là phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Định Quán. Ở tuổi 76, thầy vẫn sử dụng thành thạo Facebook và làm công tác khuyến học ngay trên mạng xã hội.
Nhiều thế hệ học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực cánh đồng “bàu lúa ma” (ấp 2, xã Thanh Sơn) – nơi heo hút nhất huyện Định Quán, đã nhận được quả ngọt từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người thầy có hơn 20 năm gắn bó với ngành giáo dục và 15 năm làm công tác khuyến học này.
Lúc đầu mình chỉ dùng Facebook để nói chuyện với bạn bè, học trò cũ. Dần dần mình nghĩ tuy Facebook là mạng ảo nhưng hoàn toàn có thể sử dụng nó để vận động tài trợ. Người ta bán hàng, rao vặt trên mạng được thì tại sao mình không làm khuyến học trên đó? |
Thầy Nguyễn Tiến Minh |
Ông giáo già “chịu chơi”
Ở tuổi đã ngoài thất thập, thầy Minh tự nhận mình là một ông giáo già “chịu chơi” bởi từ chơi Facebook đến đi phượt, sử dụng Zalo, Viber… thành thạo.
“Thời mình đi dạy có bao giờ đụng tới máy móc. Năm 2002, được học trò tặng máy tính cũ kèm máy in. Từ máy tính đó, mình bắt đầu học đánh chữ. Cái gì không biết thì gọi học trò cũ qua hướng dẫn, lâu dần thành quen. Cách đây khoảng 4-5 năm, nghe tụi nhỏ kháo nhau về mạng Facebook, mình nhờ tụi nó chỉ, thế là cũng chơi. Sau này Zalo, Viber mình cũng tự mày mò. Với mình, cái gì người ta biết thì mình cũng nên biết” – thầy Minh chia sẻ.
Những ngày đầu làm khuyến học, thầy Minh chủ yếu vận động tài trợ từ các học trò cũ. Sau này khi đã tạo được uy tín, thầy tiếp tục huy động hỗ trợ từ các doanh nghiệp địa phương, những quỹ học bổng của các công ty, tổ chức ở TP.HCM… Đến khi mạng xã hội phát triển, thầy bắt đầu tận dụng Facebook để mở rộng nguồn tài trợ.
Nghĩ là làm, thầy bắt đầu đưa thông tin về những hoàn cảnh khó khăn, mồ côi lên trang cá nhân của mình. Thành quả đến gần như tức thì. Đầu tiên là trường hợp của bốn chị em Nguyễn Thị Thùy Dương ở ấp 3, xã Thanh Sơn. Sau khi thầy đưa thông tin về hoàn cảnh của bốn chị em ở trong một ngôi nhà xập xệ gần bìa rừng, sống qua ngày nhờ những bữa cơm “kho quẹt” chỉ với nước cơm trộn mắm kho ăn với rau, nhiều nhà hảo tâm đã nhắn tin vào Facebook và gọi điện cho thầy để đề nghị giúp đỡ. Cũng nhờ thông tin này, báo Tuổi Trẻ đã đưa bài viết “13 tuổi thay mẹ nuôi em” và vận động xây dựng được ngôi nhà cho Thuỳ Dương vào đầu năm 2015.
Thấy cách làm này hiệu quả, thầy tiếp tục đăng tin về trường hợp của em Huỳnh Văn Hùng (ấp 8, xã Gia Canh). Cha mẹ em đều bị bệnh, người anh bị tổn thương não do tai nạn, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên em tính bỏ học. Biết được thông tin, thầy Minh đến tận nơi để nắm tình hình và đưa lên Facebook nhằm kêu gọi sự giúp đỡ. Chỉ ít ngày sau, thông tin trên được nhiều cơ quan báo đài biết đến. Sau đó, em Hùng đã có tiền để quay lại trường học và vừa đoạt giải nhì môn hóa cấp tỉnh.
Tuy đã lớn tuổi nhưng đôi mắt thầy còn khá tinh tường, không cần đeo kính khi đọc các loại giấy tờ. Mỗi lần lên Facebook, công việc đầu tiên của thầy là vào hộp tin nhắn xem hôm nay có thông báo hay phản hồi gì mới không. Thầy đọc lần lượt các tin nhắn, ghi chép lại vào một cuốn sổ riêng và cẩn thận trả lời từng tin nhắn một cách chỉn chu. Thi thoảng thầy còn pha chút hài hước bằng những icon (biểu tượng vui – PV) mà thầy khoe mới “học lỏm” được từ học trò.
Thầy Minh cho biết: “Dù còn khó khăn nhưng mình vẫn dành dụm lương hưu mua một máy ảnh kỹ thuật số để tiện cho việc quay phim, chụp hình các hoàn cảnh khó khăn, cũng như báo cáo tình hình, công khai các hoạt động khuyến học với nhà tài trợ”.
“Của cho là của còn”
Giữa cái nắng của trưa tháng 6, thầy vẫn đi xe máy cùng chúng tôi vượt hơn 40 cây số đến tổ 5, ấp 2, xã Thanh Sơn để bàn giao ngôi nhà khuyến học cho bà Giang Thị Loan. Gia đình bà Loan thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay. Một mình bà phải nuôi ba đứa cháu bệnh tật, đang tuổi ăn tuổi học trong căn nhà dột nát vì mẹ của mấy đứa nhỏ đã bỏ đi. Ngôi nhà này cũng được vận động xây dựng từ Facebook của thầy Minh.
“Dù tuổi đã cao, nhưng mỗi khi nghe được bất cứ thông tin nào về các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, thầy đều trực tiếp đi xe máy đến tận nơi. Mấy hôm trời mưa, đường sá ở Thanh Sơn sình lầy khó đi lắm, ấy vậy mà thầy vẫn quyết tâm lặn lội đến cơ sở, dù đi một mình thầy cũng đi nên anh em tụi tôi luôn xem thầy là một tấm gương sáng để học tập” – ông Đỗ Thành Trung, bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn, chia sẻ.
Khi đoàn chúng tôi vừa tới ngôi nhà khuyến học mới xây của bà Loan, trẻ con trong xóm nghèo hồ hởi chạy đến ôm chầm lấy thầy. Cô Phan Thị Sâm, hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương (xã Thanh Sơn), nói: “Ở đây ai cũng quý thầy ấy, nhất là trẻ con. Tụi nhỏ trìu mến gọi thầy là ông tiên vì thầy có mái tóc bạc, giọng nói phúc hậu, lại rất dễ gần và thường xuyên vào thăm, phát quà cho các em”.
Cuối tuần, thầy Minh vẫn tự mình đi xe máy đến nhiều nơi trong huyện, vừa là dịp “đi phượt” vừa để tìm hiểu, hỏi thăm những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó, thầy còn kết hợp với nhà chùa phát động phong trào “bếp ăn khuyến học” cho học sinh nghèo ở các trường học trên địa bàn huyện Định Quán.
Người thầy đã dành cả đời tâm huyết với sự nghiệp giáo dục này tâm sự: “Mình là một ông giáo bình thường, tự nhắc nhở bản thân phải luôn phi quan, phi dân, phi bần, phi phú. Làm khuyến học cũng là làm phúc cho chính mình, để mình trả nợ cuộc đời, để tích đức cho đời sau. Của cho là của còn, của để dành là của mất”.
Niềm tự hào của thầy Minh Từ nguồn quỹ khuyến học do thầy Minh vận động, không ít học sinh nghèo đã vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống. Trong đó có em Lê Minh Cường, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013 và em Nguyễn Chính Thuỵ, giải nhì môn vật lý quốc gia năm 2015. Cường và Thuỵ đều là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích học tập xuất sắc. Qua lời giới thiệu của thầy Minh, hai em nhận được học bổng toàn phần trị giá 180 triệu đồng từ một trường tư thục tại TP.HCM để tiếp tục con đường học vấn còn dang dở. “Thầy thường nói với tụi em rằng trước kia thầy đi học mà chưa được đến nơi đến chốn, nên bây giờ thầy muốn giúp đỡ những học trò nghèo viết tiếp ước mơ học tập để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Như thế là thầy tự hào và mãn nguyện lắm rồi” – Thuỵ chia sẻ. |