Tạo cơ hội cho bệnh thành tích
Về làn sóng cho trẻ học trước chương trình lớp 1, ông Phạm Ngọc Định khẳng định: ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh nhằm chấm dứt tình trạng trên.
CHO TRẺ HỌC TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH LỚP 1:
Tạo cơ hội cho bệnh thành tích
Về làn sóng cho trẻ học trước chương trình lớp 1, ông Phạm Ngọc Định khẳng định: ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh nhằm chấm dứt tình trạng trên.
Đừng để việc vào lớp 1 trở thành áp lực tâm lý cho trẻ và phụ huynh. Trong ảnh: phụ huynh đợi con ngày thi đầu tiên vào lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội – Ảnh: Tiểu Mã |
Khẳng định chương trình giáo dục tiểu học hiện hành không quá tải so với trình độ nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, ông Phạm Ngọc Định – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT – đã phân tích những nguyên nhân khác dẫn tới việc nhiều trẻ bị sốc khi vào lớp 1, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh loạt bài liên quan tới vấn đề này.
Về làn sóng cho trẻ học trước chương trình lớp 1, ông Phạm Ngọc Định khẳng định: ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh nhằm chấm dứt tình trạng trên.
Việc này cần có sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, sự vào cuộc của chính quyền và các ban ngành địa phương, đồng thời phải nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên thì mới có thể đạt được mục đích.
Ông Phạm Ngọc Định – Ảnh: ANH HOÀI |
* Theo phản ảnh của một số giáo viên tiểu học, với tiêu chí hoàn thành chương trình giáo dục mầm non hiện nay, trẻ chưa chuẩn bị đủ về tâm thế, kỹ năng, kiến thức để đón nhận chương trình tiểu học. Đây là lý do khiến nhiều trẻ bị sốc khi vào lớp 1 và làn sóng học trước chương trình lớp 1 vẫn không thể dừng lại, dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc này. Ông có ý kiến gì về nhận xét trên?
– Không phải như vậy. Hiện nay, thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (học đủ năm học, đủ 2 buổi/ngày), trên 99,9% trẻ em 5 tuổi đã được đi học mẫu giáo; chương trình mầm non hiện tại đã và đang chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp 1 với những chuẩn phát triển nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, thẩm mỹ, tình cảm, kỹ năng xã hội. Như thế thì hoàn toàn không cần cho trẻ học trước chương trình lớp 1.
Nguyên nhân chính của tình trạng bắt trẻ học trước chương trình lớp 1 là: cha mẹ lo lắng con mình không theo kịp các bạn, hoặc muốn con mình phải có kết quả học đứng đầu trong lớp. Đó là những phụ huynh không được hướng dẫn cách phối hợp với trường mầm non chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1.
Lúc đầu một số trẻ được học trước chương trình khi vào lớp 1 sẽ học nhanh hơn các bạn, rồi tạo thành tâm lý đám đông, ai cũng bắt trẻ đi học sớm. Điều đó còn tạo ra cơ hội cho bệnh thành tích ở lớp 1: một số giáo viên tiểu học (chủ yếu ở thành phố) muốn trẻ khi vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết để có thể dạy nhanh hơn, cao hơn so với yêu cầu của chương trình.
Công tác quản lý của hiệu trưởng một số trường cũng vô tình khuyến khích việc này trong khi việc quản lý dạy thêm, học thêm không tốt, chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của ngành, của địa phương.
* Chương trình lớp 1 hiện nay đang bị nhiều người cho là nặng so với tâm sinh lý của trẻ 6 tuổi. Ngoài ra, sĩ số học sinh quá đông. Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển phần học âm vần xuống bậc mầm non. Ông suy nghĩ thế nào về việc này?
– Thực tế là chương trình tiểu học hiện nay được xây dựng và đưa vào áp dụng từ năm 2002, trong quá trình thực hiện đã điều chỉnh theo hướng giảm tải cho phù hợp với tâm sinh lý của trẻ 6 tuổi, đã học mẫu giáo theo những chương trình khác nhau: đầy đủ hoặc rút gọn còn 26 tuần, 36 buổi, thậm chí chưa đi học mẫu giáo cũng có thể theo được.
Trong chương trình tiếng Việt lớp 1, học sinh được học từ những thao tác sơ đẳng nhất như: thao tác đọc (tư thế, cách đặt sách vở, cách đưa mắt đọc), thao tác viết (tư thế, cách cầm bút, đặt vở…) để các em có tư thế đọc đúng và tư thế viết đúng.
Sau đó, tất cả học sinh đều được thầy cô hướng dẫn học từ những chữ cái đầu tiên; được học đọc, học viết các âm, vần tiếng Việt và các tiếng, từ, câu chứa các âm vần đã học. Quá trình học được thiết kế từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó.
Đến giữa học kỳ II, chương trình lớp 1 mới kết thúc phần học vần. Đến hết lớp 1 mới yêu cầu học sinh đọc đúng và rõ ràng bài văn đơn giản với tốc độ khoảng 30 tiếng/phút, hiểu đúng các từ thông thường và nội dung thông báo của câu văn, đoạn văn; viết đúng chữ thường, chép đúng chính tả đoạn văn với tốc độ khoảng 30 chữ (tiếng) trong 15 phút.
Gần đây, nhiều nơi quay lại dạy tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại (đầu tiên là từ các tỉnh miền núi, nơi có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số) thì chuẩn yêu cầu đọc được 50 tiếng/phút, nghe viết được 7 chữ (tiếng)/phút, nên khi kiểm tra theo chuẩn bình thường thì có đến 80% học sinh đạt loại giỏi. Xin nói thêm, phương pháp này yêu cầu học sinh không được học chữ trước khi vào lớp 1.
Sĩ số học sinh quá đông là thực tế hiện nay ở một số trường, lớp tại vài thành phố. Sĩ số đông đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, các cháu thiệt thòi, giáo viên vất vả. Giải quyết việc này, các địa phương đã có nhiều cố gắng, ví dụ như nâng tầng nhà để thêm phòng học, tuy nhiên quỹ đất có hạn nên việc xây thêm trường rất khó.
Chúng tôi đã kiến nghị với lớp sĩ số đông học sinh như hiện nay thì cần có 2 giáo viên/lớp. Ở một số nước phát triển họ đã áp dụng điều này ở lớp chỉ có 20 – 25 học sinh.
* Ở nhiều nước, trẻ em bắt đầu đi học không bị áp lực rèn chữ đẹp. Nhưng theo chương trình hiện hành, thời gian rèn chữ đẹp của học sinh khá nhiều. Trẻ lớp 1 phải chịu áp lực viết đẹp, viết đúng chính tả. Ở một số nhà trường phong trào “vở sạch chữ đẹp” bị biến tướng mang nặng bệnh thành tích. Đây là việc khác với quan điểm giáo dục học sinh tiểu học ở nhiều quốc gia khác, ý kiến của ông?
– Chúng ta cũng không ép học sinh bị áp lực rèn chữ đẹp, chỉ yêu cầu các em cẩn thận, có tư thế viết đúng, viết được chữ cái theo kiểu chữ thường, cỡ vừa và nhỏ, tô đúng chữ cái viết hoa, cỡ lớn và vừa; viết đúng chữ số cỡ to và vừa, từ 0-9.
Việc dạy môn tập viết, chính tả ở trường tiểu học được thực hiện theo quy trình khoa học, cũng có tác dụng rèn tính cẩn thận, góp phần phát triển khiếu thẩm mỹ của học sinh.
Việc rèn thêm về viết chữ đẹp chỉ nên xuất phát từ sự ham thích của học sinh, do gia đình tự nguyện, nhà trường không nên đứng ra tổ chức hoạt động này. Bộ GD-ĐT cũng không khuyến khích việc học sinh đi học luyện chữ đẹp ở các cơ sở bên ngoài nhà trường.
Chúng ta biết năng khiếu của học sinh không giống nhau, nên không thể có yêu cầu tất cả các em đều viết được chữ đẹp như nhau. Nếu trường nào, giáo viên nào quá sa đà vào việc rèn chữ cho học sinh là không đúng với tinh thần chỉ đạo dạy môn tập viết, chính tả ở tiểu học.
* Do tổ chức các hoạt động đón học sinh lớp 1, cho học sinh làm quen với môi trường học tập mới không tốt dẫn đến việc trẻ lo sợ, bị sốc khi bước chân vào trường tiểu học. Theo ông, thực hiện đúng tinh thần thông tư 30 liệu có giải quyết được bất cập này không?
– Hằng năm, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo các trường tiểu học tổ chức “Tuần làm quen” đầu năm học mới đối với lớp 1, nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới và cảm thấy vui thích khi được đi học. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường giáo viên chưa quan tâm làm tốt việc này nên dẫn đến tình trạng như bạn vừa nêu.
Năm học 2014-2015, bộ đã ban hành thông tư số 30/2014/TT ngày 28-8-2014 quy định đánh giá học sinh tiểu học. Theo quan điểm của thông tư, việc đánh giá trước hết phải giúp học sinh dần dần biết cách học, học tốt hơn; vì sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Triển khai thực hiện đúng thông tư 30 là giáo viên từng bước giúp học sinh học theo tiến độ phù hợp với từng cá nhân, vì vậy sẽ góp phần giúp học sinh tự tin, mạnh dạn trong học tập.
Không cần phải học trước “Chương trình lớp 1 là không khó để học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng ở thời điểm cuối năm học; không cần phải học trước, học thêm. Cũng không nên chuyển phần học âm vần xuống bậc mầm non, vì như vậy sẽ quá tải ngay với lứa tuổi mầm non, trái với quy luật tâm lý mà các nghiên cứu khoa học giáo dục đã chỉ ra. Bậc học mầm non lấy hoạt động chủ đạo là hoạt động chơi để phát triển năng lực và phẩm chất mới; đối với lĩnh vực phát triển ngôn ngữ không thể dạy chữ như tiểu học mà cần tập trung vào kỹ năng nghe, nói tiếng Việt thông qua các trò chơi, nghe cô kể chuyện… Lên đến tiểu học, điều kiện tâm sinh lý học sinh đã chín muồi cho hoạt động học, trong đó coi trọng việc hướng dẫn trẻ em quen dần cách học”. |