13/01/2025

Để con mình cứng cáp

“Tuổi 18 đã lớn chưa?”. Đó là một câu hỏi không mới, nhưng tôi nghĩ hết sức cần thiết để bàn trong thời điểm hiện nay.

 TUỔI 18 ĐÃ LỚN CHƯA?

Để con mình cứng cáp

 

“Tuổi 18 đã lớn chưa?”. Đó là một câu hỏi không mới, nhưng tôi nghĩ hết sức cần thiết để bàn trong thời điểm hiện nay.

 

 

Có cho con chơi dơ hay không cũng có quan điểm khác biệt giữa các bà mẹ tây và ta - Ảnh: kidsbirthday.org
Có cho con chơi dơ hay không cũng có quan điểm khác biệt giữa các bà mẹ tây và ta – Ảnh: kidsbirthday.org

Thời bây giờ khi mà kinh tế khá giả, con em chúng ta – đặc biệt ở các đô thị lớn – được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng nên lớn tướng.

Không cần đợi đến kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi mà hằng ngày, chúng ta vẫn rất dễ bắt gặp hình ảnh bà mẹ nhỏ con cầm lái xe máy chở quý tử cao hơn cả một cái đầu ngồi phía sau.

Chiều chiều, trước các cổng trường vẫn hay thấy cảnh mẹ chăm con từng hộp xôi, bịch sữa để chuẩn bị cuộc chạy sô học thêm buổi tối.

Tất cả hình ảnh ấy có khác thường chăng? Tôi nghĩ là quá khác thường. Nguyên nhân của sự khác thường này nếu nói cho đầy đủ thì rộng vô cùng, từ giáo dục đến xã hội và cả gia đình. Riêng ở đây tôi chỉ xin nói về một góc nhỏ, đó là phương pháp dạy con ngay từ nhỏ.

 
 

 

Tôi có một người quen là cô giáo dạy con tôi trọn cả cấp II. Cô ấy lấy chồng người Pháp. Anh chồng chấp nhận bỏ hết tất cả bên Tây để sang Việt Nam sinh sống. Hôm vợ chồng có con đầu lòng, tôi đến thăm cả ở bệnh viện lẫn khi về nhà. Và tôi thật sự ngạc nhiên khi cậu bé con mới sinh, nhưng về nhà đã nằm trong nôi đặt trong căn phòng riêng chứ không chung phòng ba mẹ.

Mỗi năm chúng tôi đều vài lần qua lại thăm viếng nhau. Và lần nào gặp, vợ chồng cô ấy đều đem lại cho tôi sự bất ngờ lớn trong việc dạy con. Ví dụ, trong lúc bản thân tôi và nhiều bà mẹ trẻ khác ở Việt Nam đều chăm đút con ăn đến 3, 4 tuổi, thậm chí có người còn đút cho con khi đã 6, 7 tuổi thì vợ chồng cô ấy đều cho con tự bốc ăn khi mới 2 tuổi.

Khi ở tuổi con trẻ tập đi, nếu các bà mẹ Việt xuýt xoa khi con té, đôn đáo chạy lại ẵm con, rồi nhiều người còn đánh cái bậc thềm để dỗ con thì vợ chồng cô ấy rất bình tĩnh: “Không sao đâu, té rồi đứng lên ngay đấy mà!”.

Mới nhất, vợ chồng cô ấy đưa con đến nhà tôi chơi lúc cậu bé 4 tuổi. Hôm ấy cũng có mấy đứa trẻ khác lớn hơn vài tuổi. Ôi thôi, một sự khác biệt quá rõ. Trong khi các cô cậu bé được dạy theo kiểu thuần Việt nhõng nhà nhõng nhẽo trong chuyện ăn, chuyện chơi thì cậu bé hai dòng máu Pháp – Việt chững chạc thấy rõ.

Hỏi bà mẹ lấy chồng Pháp không xót con hay sao thì chị ấy bảo: “Phụ nữ Việt Nam nào chẳng chăm bẵm cho con nhưng em nghe theo lời ông xã, phải cứng rắn để con mình cứng cáp”.

Từ câu chuyện ấy, tôi nhìn lại mình và thấy chúng ta quá “non gan” trong việc giáo dục con cái. Như vợ chồng tôi có một con trai. Ôi thôi khỏi phải nói, một cây đinh cũng chẳng biết đóng vì ba nó bảo: “Thấy nó làm ngứa mắt, dễ giập tay, thôi mình làm phứt cho rồi”.

Rồi thấy con sáng sớm bảnh mắt đã đi học đến chiều tối nên cái mền tôi cũng gấp thay, cái áo thay ra tôi cũng giặt thay. May làm sao, khi hết cấp III cháu xin được học bổng du học ở Úc. Khỏi phải nói là cả đại gia đình từ ông bà, chú bác chứ không riêng gì cha mẹ đều lo sốt vó.

Nhưng may mắn làm sao, sau đợt đi học hai năm liền, cu cậu trở về trong một phong cách khác hẳn. Đó là biết đi chợ nấu ăn, bên kia ở nhà trọ biết phụ giúp chủ nhà cắt cỏ, sơn hàng rào, trồng hoa nên bây giờ về nhà việc gì cũng tự động xắn tay áo lao vào, áo quần thay ra đều tự giặt…

Từ chuyện của mình và chuyện tận mắt quan sát cách dạy con theo kiểu phương Tây của cô giáo quen, tôi thấy vấn đề không nhỏ trong quan niệm dạy con từ nhỏ của người Việt chúng ta. Tôi còn nhớ cách đây khoảng một năm, trên mạng lao xao với hai bài viết kể chuyện một bà mẹ chồng Việt Nam choáng với cách dạy con của cô dâu Tây – một cái choáng đầy khâm phục; rồi chuyện kể của một bà mẹ trẻ Trung Quốc lấy chồng Nhật cũng choáng vì khâm phục cách giáo dục trẻ con ở Nhật.

Vì vậy trong mắt mình, tôi nghĩ tuổi 18 ở ta còn quá nhiều cháu không cứng cáp là do quan điểm “úm” con ngay từ nhỏ của nhiều bậc phụ huynh.

2 câu chuyện về bà mẹ từng xôn xao

1. Một bà mẹ chồng có con dâu người Mỹ rất đỗi ngạc nhiên với cách con dâu dạy con. Khi con trai 3 tuổi không chịu ăn cơm hoặc giận hờn đẩy khay cơm rớt xuống đất, người mẹ liền yêu cầu cậu không được ăn nữa.

Suốt cả ngày, người mẹ cũng không nói gì đến chuyện cho cậu bé ăn. Đến tối muộn, khi cả gia đình đã ăn cơm xong, cậu bé mới lí nhí xin lỗi mẹ và xin được ăn vì quá đói. Điều này làm bà mẹ chồng vừa giận vừa phục con dâu.

Khi thằng bé mặc quần trái, mang tất trái chạy chơi, bà mẹ cũng không nói gì. Đến khi thằng bé tự thấy khó chịu và bị bạn bè trêu, nó chạy về nhà hỏi thì người mẹ mới từ tốn bảo thế con có muốn mặc lại cho đúng không.

Thêm một lần nữa bà mẹ chồng phục con dâu vì chỉ cần mất một ngày, cô đã có thể khiến thằng bé không bao giờ mặc quần trái, tất trái nữa. Khi thằng bé trót đánh bạn vào đầu, bà mẹ không nói không rằng đến đánh con mình y như thế và hỏi đau không. Khi thằng bé vừa khóc vừa trả lời đau là lúc bà mẹ chồng nhận ra thằng bé sẽ không bao giờ đánh bạn nữa.

2. Một bà mẹ Trung Quốc sống ở Kyoto, Nhật Bản đã vô cùng sốc khi quan sát hệ thống giáo dục mầm non ở đất nước này. Bà ngỡ ngàng trước “thiết quân luật” mà người Nhật dành cho con mình và nhận ra rằng những đứa trẻ Nhật phải học khả năng tự lập ngay từ rất bé.

Dù là đi học hay đi siêu thị cùng bố mẹ, bọn trẻ phải tự xách túi của mình mà không cần sự trợ giúp nào dù túi khá nặng nề. Ở lớp mẫu giáo, chúng phải tự thay quần áo và giày dép rất nhiều lần: khi vui chơi, khi tập thể dục, khi đi ngủ trưa, khi về nhà…

Và trẻ con Nhật phải mặc quần… soóc vào mùa đông, bất chấp thời tiết lạnh đến như thế nào. Lớn hơn một chút, chúng sẽ tham gia các trận đấu bóng đá như những vận động viên thực thụ, thậm chí thi đấu với các lớp mầm non trường khác.

Chính những điều này đã dần rèn luyện cho trẻ con Nhật tinh thần mạnh mẽ, tính cách tự lập cùng một sức khỏe tốt hơn những đứa trẻ bằng tuổi khác.

AN NHIÊN – NHƯ MAI

 

NHƯ ĐAN