28/11/2024

Đi tiêm ngừa, về lại lo

Liên tiếp ba trẻ em tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem 5 trong 1 trong nửa tháng qua, gần nhất là bé L.H.L. tử vong hôm 8-7 tại Đồng Nai.

 

Đi tiêm ngừa, về lại lo

 

 Liên tiếp ba trẻ em tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem 5 trong 1 trong nửa tháng qua, gần nhất là bé L.H.L. tử vong hôm 8-7 tại Đồng Nai.



 
Văcxin Quinvaxem ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib cho trẻ - Ảnh: Hoàng Ngọc
Văcxin Quinvaxem ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib cho trẻ – Ảnh: Hoàng Ngọc

Trước đó, đầu tháng 7, một bé 3 tháng tuổi bị tiêm nhầm hai văcxin vốn dành cho trẻ 18 tháng tuổi.

Văcxin vô can!

Trao đổi ngày 9-7, sau khi trực tiếp tham gia đánh giá ca tai biến tại Đồng Nai, ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết qua cuộc họp hội đồng chuyên môn, trong đó có chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM về ca tai biến sau tiêm tại Đồng Nai, các chuyên gia nhận định bé bị nhiễm trùng huyết do xuất hiện yếu tố điển hình như bạch cầu tăng cao (dấu hiệu của nhiễm khuẩn), có xuất huyết đường tiêu hóa, tử vong nhanh trong 24 giờ sau tiêm. Do đó nhận định bé tử vong do bệnh trùng lặp, không liên quan tới văcxin.

Hai ca tử vong vào cuối tháng 6 tại TP.HCM và Đà Nẵng cũng được hội đồng chuyên môn nhận định là do bệnh cảnh nền (trẻ có tiền sử sinh non, nhẹ cân…), không do văcxin.

 

Tuy nhiên theo ông Phu, nhầm lẫn tiêm hai mũi văcxin dành cho trẻ 18 tháng cho bé 3 tháng trước đó tại Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) dù không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng cho thấy còn điểm yếu về chất lượng nhân lực tham gia tiêm chủng.

“Cán bộ tiêm chủng làm phiếu tiêm cho bé 18 tháng, nhưng mẹ bé 3 tháng bế con vào, nhìn mặt thì trẻ 18 tháng và 3 tháng khác nhau hoàn toàn, phân biệt bằng mắt thường cũng nhận ra, mà tiêm xong nhân viên y tế mới biết là nhầm. Cán bộ tiêm như vậy là chưa thực hiện đủ quy trình là phải kiểm tra, đối chiếu trước khi tiêm” – ông Phu cho biết.

Nếu bỏ tiêm, nguy cơ bệnh dịch

Sau hơn một năm tương đối yên ổn, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có nhiều biện pháp nhằm vực tỉ lệ tiêm chủng vốn giảm sút sau các tai biến cuối năm 2013 đầu năm 2014, thì các tai biến và nhầm lẫn vừa qua lại làm các bậc cha mẹ lo ngại. Tiêm thì sợ nguy hiểm, nhưng không tiêm thì nguy cơ dịch bệnh lại rất đáng ngại.

Dịch sởi cuối năm 2013 đầu năm 2014, dịch ho gà cuối năm 2014 đầu năm 2015, dịch viêm não Nhật Bản B cuối năm 2014… đều cho thấy nguy cơ rất lớn của việc bỏ sót mũi tiêm chủng. Trong đó, dịch sởi làm trên 140 trẻ tử vong, dịch ho gà đầu năm 2015 có 1 trẻ tử vong, dịch viêm não Nhật Bản B riêng tại Sơn La có trên 10 bé tử vong cuối năm 2014.

Lo ngại về tính an toàn, các bậc cha mẹ sẵn sàng xếp hàng từ đêm để con mình được tiêm loại văcxin “dịch vụ” giá tiền triệu, trong khi văcxin tương tự của chương trình tiêm chủng mở rộng được miễn phí đang rất sẵn sàng tại các trạm y tế.

Ông Trần Đắc Phu nhận định trung bình mỗi năm các cơ sở tiêm chủng toàn quốc tiêm đến 4,5 triệu liều Quinvaxem (mỗi trẻ ba mũi tiêm). Với số lượng này, ông Phu cho rằng nguy cơ trùng lặp bệnh nền sẵn có của trẻ được tiêm chủng sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, các văcxin như viêm gan B, sởi… nguy cơ phản ứng sau tiêm, theo ông Phu, cũng thấp hơn Quinvaxem.

“Khi giám sát tại Đồng Nai, Bình Dương, chúng tôi nhận thấy có trạm y tế dành đến 20 ngày trong tháng để tiêm chủng, có trạm mỗi tuần tiêm chủng hai buổi và cả trạm chỉ có sáu nhân viên trong khi còn rất nhiều chương trình khác phải triển khai. Trưởng trạm y tế phải quán xuyến toàn bộ buổi tiêm” – ông Phu nhắc nhở.

Trong hai năm qua, Bộ Y tế ban hành quy chế mới và yêu cầu mỗi cơ sở tiêm chủng chỉ được tiêm 50 trẻ/buổi tiêm. Từ tháng 5 vừa qua, bảng nhắc “5 đúng” trong tiêm chủng được chuyển về các trạm y tế xã phường, hàng ngàn cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn lại…

Nhưng trong quá trình này vẫn rải rác những nhầm lẫn tiêm chủng đáng tiếc, như ở Đồng Tháp tháng 10-2014 có vụ tiêm nhầm nước cất cho 60 trẻ thay vì tiêm văcxin sởi – rubella, ở Bắc Ninh tháng 12-2014 có vụ tiêm nhầm văcxin bạch hầu – ho gà – uốn ván vốn dùng cho trẻ em 18 tháng cho 31 bà bầu, tháng 7-2015 lại có nhầm lẫn ở Ninh Thuận… cho thấy quy trình, quy chế đã có nhưng thực hiện quy trình, quy chế chưa đúng, chưa nghiêm.

Những nhầm lẫn này ảnh hưởng không ít đến một chương trình lớn, vốn yêu cầu trách nhiệm đến từng mũi tiêm, mà trước mắt là giảm sút niềm tin khiến cha mẹ ngại cho con đi tiêm chủng, vòng luẩn quẩn dịch bệnh lại xuất hiện.

Bé trai tử vong do sốc nhiễm trùng đường tiêu hoá

Sáng 9-7, ông Cao Trọng Ngưỡng – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai – cho biết tối 8-7, hội đồng chuyên môn Sở Y tế Đồng Nai đã họp, cho biết nguyên nhân bé L.H.L. (4 tháng tuổi, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) tử vong do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, văcxin “5 trong 1” tiêm cho bé trước đó không liên quan.

Trước đó, rạng sáng 8-7, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bé L. từ tuyến dưới chuyển lên. Bé L. ngưng tim, ngưng thở trước lúc nhập viện và ra viện cùng ngày với chẩn đoán tử vong trước lúc nhập viện, theo dõi sốc nhiễm trùng đường tiêu hoá.

Bà Lê Thị Phương Dung, bà nội bé L., kể sáng 7-7, ba mẹ bé L. đưa bé đến trạm y tế xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) tiêm mũi thứ 2 của văcxin Quinvaxem “5 trong 1”. Sau tiêm, đầu bé nóng nhẹ.

Khoảng 9g sáng, sau khi về nhà, bé L. vẫn chơi đùa. Đến trưa bé sốt, gia đình cho uống thuốc hạ sốt vì nghĩ sốt bình thường do bé L. từng sốt nhẹ sau mũi đầu tiên của văcxin này.

Đến chiều cùng ngày bé sốt cao, vị trí tiêm ở đùi tím tái, sưng tấy, bé thở không được, tay chân lạnh nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Dầu Giây (huyện Thống Nhất).

Bé được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh khoảng 1g khuya 8-7. Đến khoảng 2g, bé được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tuy nhiên bé được xác định tử vong trước đó. Theo bà Dung, trước giờ sức khỏe bé L. tốt, không ho, không sổ mũi.

A LỘC

LAN ANH