13/01/2025

Cần liên thông giữa mầm non và tiểu học

Để trẻ không phải học thêm từ lúc 4 tuổi (Tuổi Trẻ ngày 9-7), theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục phải làm tốt bước chuyển tiếp giữa hai bậc học này, trong đó cần liên thông giữa hai chương trình.

 

Cần liên thông giữa mầm non và tiểu học

 

 Để trẻ không phải học thêm từ lúc 4 tuổi (Tuổi Trẻ ngày 9-7), theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục phải làm tốt bước chuyển tiếp giữa hai bậc học này, trong đó cần liên thông giữa hai chương trình. 

 

 

Để trẻ không ngỡ ngàng khi vào lớp 1, cần có sự chuẩn bị chu đáo cho trẻ từ mầm non. Trong ảnh: ngày đầu tiên vào lớp 1 của học sinh Trường tiểu học An Xuyên, xã An Xuyên, TP Cà Mau - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Để trẻ không ngỡ ngàng khi vào lớp 1, cần có sự chuẩn bị chu đáo cho trẻ từ mầm non. Trong ảnh: ngày đầu tiên vào lớp 1 của học sinh Trường tiểu học An Xuyên, xã An Xuyên, TP Cà Mau – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

* Ông LÊ NGỌC ĐIỆP 
(nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM):

Chưa được chuẩn bị chu đáo

Xét về chuyên môn, chương trình giáo dục của hai bậc học này khác nhau. Đối với giáo dục phổ thông, ngay cả ở lớp 1 trẻ sẽ có sự khởi đầu mới hoàn toàn – giai đoạn của học là chính, rất khác với giai đoạn chơi là chính ở mầm non.

Trẻ sẽ chuyển từ trạng thái đứa trẻ tự do chơi ở bậc mầm non sang học hành nghiêm túc ở tiểu học: giơ tay khi phát biểu, ra ngoài khi được phép…

 

Ở bậc mầm non trẻ không được đánh giá, không phải kiểm tra; còn lớp 1 hiện nay cũng không cho điểm nhưng là một lớp ở bậc phổ thông, trẻ sẽ được đánh giá. Cho nên có thể thấy sự chuyển tiếp giữa bậc mầm non và tiểu học ở VN hiện nay chưa được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo nhất để trẻ dễ thích nghi.

Trong khi VN thiết kế bậc tiểu học là năm năm, còn Singapore, Thái Lan đến sáu năm. Do sáu năm nên lớp 1 ở các nước đó là lớp tiền học đường, hay còn gọi là lớp “đồng ấu”, lớp vở lòng ngày xưa.

Khi qua Paris (Pháp) tham quan, học hỏi, tôi thấy phần đông trường mầm non và trường tiểu học thường được đặt cạnh nhau. Học sinh lớp cuối cấp mầm non thường được qua trường tiểu học làm quen.

Ngay cả trong đào tạo giáo viên, hai bậc học này cũng được đào tạo chung khoa ở trường sư phạm. Khi sinh viên học xong hai năm cơ bản về tâm sinh lý trẻ em, người học có thể chọn mầm non hoặc tiểu học. Nên khi giáo viên mầm non ở Pháp muốn qua bậc tiểu học dạy thì không có gì khó.

Đặc biệt, giáo viên tiểu học cũng rất hiểu bậc mầm non như thế nào. Nếu có sự liên thông giữa đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học, hai bậc học này có sự hiểu biết lẫn nhau thì việc hướng dẫn trẻ từ lớp lá lên lớp 1 sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Mô hình đó rất hay. Nên khi còn làm trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, tôi khuyến khích các trẻ ở mầm non qua trường tiểu học tìm hiểu, làm quen.

Ngày hội “Trường tiểu học của em” cũng không được làm hình thức, dẫn trẻ mầm non 5 tuổi đi như cưỡi ngựa xem hoa. Điều này phải được cả trường mầm non và tiểu học thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thành lịch sinh hoạt dựa trên sự cầu tiến, phục vụ người học của hai nhà trường.

Ngay cả việc đón tiếp học sinh lớp lá vào lớp 1 ở VN cũng chưa tạo sự gần gũi, có thể khiến trẻ mầm non thấy choáng ngợp vì những nghi thức trong các buổi lễ ở trường tiểu học. Tôi đã đến nước Đức và thấy cách đón tiếp trẻ lớp 1 của các trường ở đây rất hay, rất “vì trẻ con”.

Họ tổ chức theo kiểu lớp cũ trang trí, văn nghệ… đón các bạn mới (lớp 1) để trẻ dễ hòa đồng, thân thiện. Cách mà trẻ nhận lớp cũng rất gần gũi, hợp với tâm lý trẻ mầm non bước vào lớp 1 tiểu học. Riêng việc này đã khiến trẻ hoà nhập, dễ gần gũi với nhau, với trường lớp hơn.

* Một nguyên phó phòng 
GD-ĐT phụ trách mầm non 
tại TP.HCM:

Phải điều chỉnh chương trình lớp 1 cho phù hợp

Chương trình trước đây có sự chuyển tiếp giữa bậc mầm non sang lớp 1, được gọi là lớp “vỡ lòng”. Sau đó ngành giáo dục bỏ đi và chuyển từ mầm non sang lớp 1 luôn. Khoảng những năm đầu 2000 (khi Bộ GD-ĐT đã bỏ chương trình “vỡ lòng”), bậc mầm non ở TP.HCM có chương trình tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi.

Thực tế lúc đó các nhà quản lý giáo dục ở TP.HCM đã thấy sự thiếu chuyển tiếp giữa chương trình mầm non và tiểu học, nên họ đã soạn thảo ra một chương trình gần giống với chương trình vỡ lòng (tiếng Việt) để đưa xuống bậc mầm non. Lúc đó trẻ lớp lá được ngồi bàn, học cách ngồi đúng tư thế, tập viết ô li, tập ghép vần…

Nhưng sau đó các nhà quản lý cho rằng chương trình này quá nặng so với lứa tuổi mầm non nên đã được bỏ đi. Sau này, chương trình mầm non mới chỉ yêu cầu trẻ chơi và làm quen với 24 chữ cái.

Đã có nhiều năm làm trong ngành giáo dục mầm non, tôi thấy một thực tế: hiện nay phụ huynh phải đưa trẻ đi học thêm từ khi 4-5 tuổi để theo kịp chương trình lớp 1. Ngành giáo dục mầm non khăng khăng không dạy chữ, nhưng lại thiếu một bước đệm giữa chương trình lớp lá và chương trình lớp 1 nên phụ huynh rất hoảng khi con bước vào lớp 1 mà chưa biết gì.

Theo tôi, cần phải có sự chuyển tiếp giữa hai chương trình, không thể đùng một cái chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Tiểu học cần hạ chương trình, phải giãn dài thời gian làm quen với chữ cho trẻ, giống như ngày xưa chúng ta học chương trình vỡ lòng vậy. Chứ không thể dạy nhanh như hiện nay khiến phụ huynh rất hoảng hốt, người ta phải cho con đi học thêm khi trẻ mới 4-5 tuổi.

Hiện ở tiểu học đã không còn chấm điểm nữa, đó là một cơ hội lớn để các giáo viên lớp 1 phải dạy chậm lại, dạy từ đầu, kỹ lưỡng và từ từ, giống như chương trình vỡ lòng ngày xưa mà nhiều thế hệ đã học.

* TS HỒ VĂN HẢI 
(trưởng khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn):

Đưa việc học 
âm vần xuống 
cho trẻ mầm non

Chỉ riêng việc học chữ ở bậc mầm non và tiểu học đã khác nhau. Tôi thấy nhiều trẻ khá nhanh về ngôn ngữ ở bậc mầm non, nhưng khi vào học tiếng Việt ở lớp 1 là bối rối. Nếu còn tình trạng như hiện nay, trẻ mầm non vào lớp 1 sẽ sốc vô cùng và không chỉ sốc về chương trình.

Chương trình tiếng Việt lớp 1 hiện nay quá tải với học sinh vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, do kiến thức một bài học quá nhiều so với thời lượng dạy. Một bài học vần (Tiếng Việt 1, tập 1) có năm phần: âm vần mới, luyện đọc từ ứng dụng, tập viết, đọc hiểu bài ứng dụng, luyện nói theo chủ đề nhưng chỉ phân bổ có 2 tiết, đáng ra phải 3-4 tiết.

Do thời lượng gấp gáp, tần số lặp lại thấp (lớp đông) nên trẻ quá tải. Thứ hai, do trẻ chưa được chuẩn bị tốt về học chữ ở bậc mầm non nên rất khó khăn khi bắt đầu chương trình. Tôi không đồng ý với việc cho trẻ viết chữ ở bậc mầm non, nhưng khoa học về ngôn ngữ trên thế giới đều cho thấy trẻ học ngôn ngữ càng sớm càng tốt (nhiều nước khuyến khích trẻ học ngoại ngữ từ 3 tuổi).

Để trẻ vào lớp 1 thích nghi tốt hơn về chữ viết, về chương trình tiếng Việt, chúng ta cần nghiên cứu việc dạy học vần cho trẻ ở mầm non (5 tuổi) thông qua môi trường chữ, hình ảnh…

Dạy học vần chỉ thông qua đọc, hiểu, đánh vần nhưng không nên dạy viết vào giai đoạn mầm non. Chương trình tiếng Việt lớp 1 cần dạy chậm lại, mầm non cần làm quen nhiều hơn với các âm vần.

Ngoài ra, nhịp sinh học của học sinh lớp 1 giống như trẻ mầm non mà giáo viên ở tiểu học không hiểu điều này, người dạy lớp 1 hiện nay gần như chỉ thuần tuý về kiến thức.

Giáo viên tiểu học cần được đào tạo riêng về tâm lý và kỹ năng sống để hiểu rõ hơn về tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học, sự khác biệt của lứa tuổi lớp 1 so với các lớp khác.

 

Mỹ DUNG ghi