Chạy sô… học hè
Cho rằng con sẽ học tốt hơn, tâm lý vững vàng hơn khi bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh đưa con đi học thêm dồn dập trước chương trình ngay trong những ngày hè.
Chạy sô… học hè
Cho rằng con sẽ học tốt hơn, tâm lý vững vàng hơn khi bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh đưa con đi học thêm dồn dập trước chương trình ngay trong những ngày hè.
Học trước để khỏi phải học sau ?!
Ngay khi mới bước vào kỳ nghỉ hè nhưng nhiều phụ huynh đã tới trường đăng ký học cho con.
Anh Nguyễn Văn Khanh (Q.7, TP.HCM) có con năm nay lên lớp 1 cho biết: “Tôi mới đưa con từ dưới Đồng Nai lên TP.HCM. Vì sợ con lạ lẫm ở môi trường mới nên bây giờ tôi phải chạy tìm trường cho con học trước”. Anh Khanh cho biết thêm, nhiều trường mầm non ở Q.7 không nhận dạy trước cho học sinh (HS) ngoài mà chỉ nhận HS của trường. HS lớp lá sẽ được gửi thêm 2 tháng tại trường mầm non cũ để được các cô “luyện” trước chương trình lớp 1. Tuy không nhận trực tiếp HS bên ngoài nhưng có trường cho anh Khanh số điện thoại của giáo viên để anh tự liên lạc và đưa con tới nhà học.
Có nhiều phụ huynh đăng ký cho con vào những lớp “làm quen với chương trình lớp 1” ở trường tiểu học dự kiến sẽ cho con theo học. Với khoá học kéo dài khoảng hơn một tháng hè, HS sẽ được giáo viên dạy đánh vần, đọc, viết… Không chỉ có các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 lo lắng mà cả những phụ huynh có con học lớp lớn hơn cũng sốt sắng tìm lớp cho con học trước chương trình. Gần đây, từ sáng sớm, anh Phong (Q.8, TP.HCM) chở theo con sắp lên lớp 4 tới một trường tiểu học ở Q.8 để đăng ký cho con học hè vì sợ hết chỗ.
Anh Phong chia sẻ: “Hè năm nào tôi cũng cho con đi học thêm ở trường để cháu được học trước chương trình”. Chúng tôi thắc mắc: “Liệu học trước có ảnh hưởng tới việc học khi bé vào lớp 4 hay không?”. Anh Phong nhìn nhận: “Cả lớp đều đi học chẳng lẽ mình cho con ở nhà! Vả lại, học trước thì khỏi phải học sau. Mấy cô giáo bảo, những kiến thức đã dạy trong hè sẽ được dạy lướt qua thật nhanh khi vào năm học mới. Thời gian còn lại để dành cho các bé học nâng cao. Tôi nghĩ như thế là tốt nên cho con theo học”.
Học thêm sau giờ bán trú
4 giờ chiều, rước đứa con trai 6 tuổi tại một trường mầm non trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, chị Diễm Chinh vội vã chở con đến một trung tâm ở đường Sư Vạn Hạnh (Q.10). Tại đó, bé học thêm môn toán và Anh văn khoảng 2 tiếng đồng hồ nữa.
Chị Chinh cho hay, từ ngày 15.6 đến 15.7, chị cho con học bán trú 5 ngày/tuần, chủ yếu học những môn năng khiếu và Anh văn. Buổi tối, chị đưa con sang điểm khác học toán, Anh văn hoặc rèn chữ. Nhiều hôm, bé trở về nhà sau 8 giờ tối. Tính sơ sơ, tổng số tiền chị cho con học hè là 3,3 triệu đồng/tháng. Giải thích vì sao lại cho một đứa bé sắp lên lớp 1 học nhiều đến vậy, chị Diễm Chinh nói: “Đây là giai đoạn chạy nước rút mà! Mặc dù không có ai gây áp lực cho mình nhưng chúng tôi muốn con làm quen và biết càng nhiều càng tốt về chương trình học sắp tới. Tháng sau, có lẽ chúng tôi sẽ chuyển cháu sang trường tiểu học mà tôi định xin cho cháu vào học”.
Ngoài những trường học, không ít trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi cũng mở các khoá bán trú và ôn tập hè. Anh Nguyễn Huy Sơn, Trưởng phòng Giáo vụ Nhà thiếu nhi TP.HCM, thông tin: “Trong đợt 1 có hơn 100 em theo học. Trên thực tế, nhu cầu gửi con của phụ huynh cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do nhà thiếu nhi đang xây dựng, không có điều kiện nên chúng tôi chỉ nhận chừng đó em. Đa số phụ huynh là cán bộ, công nhân viên bận đi làm, không có ai trông con. Họ nghĩ rằng, các bé ở nhà chỉ chơi game nên đưa lên nhà thiếu nhi học được cái gì hay cái đó”.
Không nên tạo áp lực cho trẻ
Hoàn thành bậc mầm non, HS đã được nhận diện, làm quen với 29 chữ cái và các số tự nhiên từ 0 đến 10.
Giáo viên Võ Thị Thuỳ Linh, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), thông tin: “Từ nhiều năm nay, hầu như 100% trẻ vào học lớp 1 đã học trước nhưng trình độ không đồng đều. Đặc biệt, có những trẻ thao tác viết, cách đánh vần sai hoàn toàn so với quy định của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành”. Trả lời Báo Thanh Niên trước đây, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), cho biết: “Việc học trước có thể sẽ tạo kết quả ngược do đã biết, khi vào lớp, cô giáo dạy lại từ đầu nên trẻ không tập trung, ít hăng hái học tập, thậm chí trẻ thấy mọi việc đơn giản nên không nỗ lực”. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cũng nhiều lần chia sẻ: “Nếu cha mẹ thấy lo lắng, sốt ruột thì nên tìm cho trẻ những cuốn tập tô các nét cơ bản để làm quen. Đừng nên tạo áp lực cho trẻ thêm hoang mang, lo lắng về sự chậm chạp của mình”.
B.Thanh
|
Như Lịch – Lam Ngọc