11/01/2025

Những cảnh báo sức khoẻ không thể coi thường

Khó thở và ngáy ngủ có vẻ như chuyện bình thường, nhưng đôi khi chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn của sức khoẻ, theo Prevention.

 

Những cảnh báo sức khoẻ không thể coi thường

 

 

 Khó thở và ngáy ngủ có vẻ như chuyện bình thường, nhưng đôi khi chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn của sức khoẻ, theo Prevention.

 

 

Những cảnh báo sức khỏe không thể coi thường - ảnh 1Đau bụng có thể xảy ra bởi các lý do: tiêu chảy, khó tiêu, chấn thương, táo bón, viêm ruột, đau cơ, đầy hơi – Ảnh: Shutterstock
Giảm cân không cần cố gắng. Nếu giảm cân mà không cảm thấy mệt mỏi là điều quá tốt, nhưng đột nhiên trọng lượng sụt xuống kèm theo những dấu hiệu lừ đừ, uể oải thì cần phải kiểm tra. Trọng lượng thường bị ảnh hưởng bởi lượng calo tiêu thụ, mức độ hoạt động, sức khỏe tổng thể, tuổi tác, thuốc men, các yếu tố kinh tế và xã hội. Nếu bạn mất khoảng 5% trọng lượng trong vòng 6-12 tháng mà không nỗ lực áp dụng kế hoạch giảm cân, đặc biệt khi bạn có tuổi thì cần xem lại, bởi các yếu tố có thể gây mất cân bao gồm ung thư, trầm cảm, mất trí nhớ, bệnh Parkinson, tiểu đường, cường giáp và một số bệnh khác.
Đau bụng. Đau bụng có thể xảy ra bởi các lý do, bao gồm: tiêu chảy, khó tiêu, chấn thương, táo bón, viêm ruột, đau cơ, đầy hơi. Nếu các yếu tố này tồn tại, rất có thể không cần thiết phải đi khám bác sĩ ngay lập tức trừ khi quá lo lắng. Chỉ nên đi khám bách sĩ nếu cơn đau kéo dài hơn 3 ngày hoặc có liên quan tới chấn thương. Ngoài ra, nếu cơn đau kèm theo đau ngực, gây đau đớn nghiêm trọng, buồn nôn và nôn, bụng phình to hoặc có dấu hiệu vàng da, cần nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Khó thở. Tập thể dục, lo lắng, viêm phế quản, hen suyễn có thể gây khó thở. Bài tập quá nặng nề hay nhiệt độ thay đổi đột ngột, lo âu, béo phì và độ cao cũng có thể gây khó thở. Nếu khó thở đi kèm với cảm giác đau ngực, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân, khó thở khi nằm ngửa, sốt cao, ớn lạnh và ho, môi hoặc ngón tay chuyển sang màu xanh thì cần đến bệnh viện ngay.
Đau đầu. Đau đầu căng thẳng giữa trưa sau cuộc gặp với sếp không có gì phải lo ngại, nhất là trong trường hợp bạn từng được chẩn đoán điều trị đau đầu mãn tính như đau nửa đầu, căng thẳng hoặc nhức đầu, đau đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, thiếu ngủ, bỏ qua các bữa ăn, chóng mặt, nhiễm trùng xoang hay do các loại thực phẩm nhất định và rượu.
Tuy nhiên, phải đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bất ngờ bị nhức đầu dữ dội, đau đầu liên quan với các triệu chứng thần kinh (như cảm thấy yếu ớt, chóng mặt, mất cân bằng, tê hoặc ngứa ran…) hoặc đau đầu kèm theo sốt, khó thở, cổ cứng hoặc phát ban, buồn nôn và nôn.
Những cảnh báo sức khỏe không thể coi thường - ảnh 2Phải đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bất ngờ bị nhức đầu dữ dội – Ảnh: Shutterstock
Sốt. Sốt thường xảy ra khi cơ thể chống lại sự lây nhiễm như cúm hoặc viêm sau chấn thương hay bệnh tật. Chất gây sốt (vi rút, vi khuẩn, nấm, thuốc và các chất độc) kích hoạt hệ thống miễn dịch để làm tăng nhiệt độ cơ thể. Kiệt sức và thuốc cũng có thể gây sốt. Đi khám bác sĩ nếu nhiệt độ tăng quá cao và sốt li bì hơn 3 ngày, gặp ảo giác, rối loạn tâm thần, bơ phờ hay tức giận, co giật, mất nước, nhức đầu nặng, da phát ban, cứng cổ, đau khi cúi cổ về phía trước.
Ngáy. Ngáy có thể chỉ đơn giản là gây phiền nhiễu cho người nằm bên cạnh, nhưng đôi khi ngáy có thể là dấu hiệu cảnh báo điều gì đó bất thường. Khi ngáy đi kèm với triệu chứng thở hổn hển và khịt mũi, buồn ngủ ban ngày có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ, có thể dẫn đến các vấn đề về tim, theo Prevention.
Phân có màu đen. Những thay đổi về màu sắc của phân không phải luôn luôn là hồi chuông báo động, ví dụ khi ăn quả nam việt quất, hoặc rau màu đỏ có thể thấy màu sắc của phân thay đổi. Tuy nhiên, đây là những sự kiện ngắn ngủi và được liên kết trực tiếp với chế độ ăn uống. Chỉ trong trường hợp nhận thấy phân chuyển màu không liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt là kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, buồn nôn, chuột rút, sụt cân… mới cần đi bác sĩ Phân đen thường được biết đến có liên quan đến dạ dày và có thể biểu hiện viêm loét, ung thư hoặc rối loạn khác.
Luôn khát nước. Ngày hè nóng bức, cảm giác khát nước là chuyện bình thường. Khát nước cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu và một số thuốc tâm thần. Tuy nhiên, nếu khát nước đi kèm với sưng ở chân và tăng cân nhanh chóng, có thể là một dấu hiệu của bệnh tim hoặc thận. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Lượng đường trong máu cao sẽ khiến đi tiểu nhiều hơn nên sau đó cảm thấy cần phải uống nhiều nước. Cơn khát không thể dập tắt kèm theo buồn nôn, chóng mặt, mờ mắt, mệt mỏi cần được kiểm tra ngay lập tức.
Khó tiêu. Khi cảm giác rát trong lồng ngực trở nên thường xuyên hơn, khó tiêu có thể là một dấu hiệu cảnh báo của một cái gì đó nghiêm trọng. Nếu triệu chứng này xảy ra trong quá trình hoạt động như khi đi bộ, có thể là dấu hiệu điển hình của đau thắt ngực hoặc bệnh tim.
Đau cơ bắp. Đau cơ bắp thường xảy ra sau khi tập luyện với cường độ cao và mức độ khó. Nhưng đau nhức vượt qua khả năng chịu đựng có thể chỉ ra vấn đề nghiêm trọng hơn. Theo các chuyên gia thể dục, cơ bắp đau nhức là phản ứng bình thường xảy ra từ 4-6 giờ sau khi tập thể dục. Nhưng, nếu cơn đau trở nên tồi tệ và bạn cảm thấy yếu hơn, đồng thời nhận thấy nước tiểu sẫm màu, đây có thể là dấu hiệu của tiêu cơ vân, một hội chứng nghiêm trọng do kết quả từ một sự cố của mô cơ có thể dẫn đến suy thận nếu không được điều trị.
Táo bón. Thỉnh thoảng cảm thấy khó khăn đại tiện không có gì to tát. Nguyên nhân thông thường gây táo bón bao gồm ít uống nước, thiếu chất xơ, uống quá nhiều sữa, hội chứng ruột kích thích, tình trạng thần kinh (bệnh Parkinson), suy giáp cũng như căng thẳng. Nếu táo bón kéo dài hơn hai tuần, kèm theo đó là hiện tượng chảy máu khi đi cầu, giảm cân bất ngờ mà không ăn kiêng khem, đau bụng… thì cần đi kiểm tra ngay lập tức.

Diễm Trinh