10/01/2025

Nỗi lo thoái hoá cột sống

Thoái hoá cột sống là vấn đề mà ai cũng sẽ phải đối mặt. Hiện tượng này không phải là bệnh mà thực chất là sự già đi của cơ thể, là một quá trình tự nhiên trong chu trình sinh, lão, bệnh, tử.

 

Nỗi lo thoái hoá cột sống

 

 

Thoái hoá cột sống là vấn đề mà ai cũng sẽ phải đối mặt. Hiện tượng này không phải là bệnh mà thực chất là sự già đi của cơ thể, là một quá trình tự nhiên trong chu trình sinh, lão, bệnh, tử.


 

Nỗi lo thoái hóa cột sống
Một nữ biên tập viên báo chí chưa đầy 40 tuổi, mới đây bỗng thấy thỉnh thoảng đau và cứng phần cổ, đau lan ra vai và tay. Một thời gian, khi mật độ các cơn đau dày hơn và cường độ đau nặng hơn, chịu không được phải đi khám bác sĩ chuyên khoa thì biết mình bị thoát vị đĩa đệm, một bệnh lý thường gặp của thoái hoá cột sống, cần phải điều trị. Một anh là kế toán của công ty nhà nước, phải đến gặp bác sĩ với chứng đau lưng không thể tả sau nhiều năm ngồi lì trong văn phòng bù đầu vào các đống hoá đơn, giấy tờ.
Dù nói rằng thoái hoá cột sống là sự già đi của cơ thể, là một quá trình tự nhiên trong chu trình sinh, lão, bệnh, tử, nhưng có một thực tế đáng ngại là nhiều người chưa kịp già đã bị thoái hoá cột sống. Theo tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám đa khoa Quốc tế EXSON chuyên trị bệnh cột sống, tuỷ sống, xương khớp), có nhiều nguyên nhân thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn, đó là những nguyên nhân làm cho sự trao đổi chất ở các tế bào bị giảm đi, bao gồm: thiếu ô xy nuôi tế bào, gia tăng hàm lượng các chất độc trong máu, giảm lượng máu nuôi các tế bào, gia tăng tỷ lệ các tế bào già trong mô.
Ô nhiễm không khí, giảm chất lượng không khí sẽ góp phần làm giảm lượng ô xy nuôi tế bào. Ngộ độc thức ăn, dư lượng thuốc trừ sâu, nhiễm các chất độc do ô nhiễm không khí, nước, hít nhiều khói thải của xe… vừa làm giảm lượng ô xy cung cấp cho tế bào, vừa gia tăng hàm lượng các độc tố đi vào tế bào. Lười vận động, ngồi nhiều, làm việc lâu trong một tư thế, béo phì… đều là nguyên nhân làm giảm lượng máu nuôi đến mô, đồng thời, làm gia tăng số lượng tế bào già trong mô. Tất cả các yếu tố đó đều đẩy nhanh quá trình thoái hoá của cột sống.
Nỗi lo của dân văn phòng
Như đã nói ở trên, lười vận động, ngồi nhiều, làm việc lâu trong một tư thế, béo phì…đều là nguyên nhân làm giảm lượng máu nuôi đến mô, đồng thời, làm gia tăng số lượng tế bào già trong mô, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hoá của cột sống. Theo bác sĩ Sơn, giới văn phòng có đủ các yếu tố nêu trên, chưa kể đến việc suốt ngày ngồi trong phòng lạnh, không khí ứ đọng, tù túng, chứa đầy thán khí và độc tố, làm gia tăng nhanh thêm quá trình thoái hoá.
Ở Mỹ, người ta ước tính có khoảng 2/3 dân số bị mắc các chứng bệnh về thoái hóa cột sống, trong đó phần lớn là thoát vị đĩa đệm. Mỗi lứa tuổi thường có một vài loại bệnh đặc trưng như: thoát vị đĩa đệm thường gặp ở lứa tuổi 30-40, thoái hóa dây chằng thường ở lứa tuổi 50-60, thoái hóa thân đốt sống hoặc thoái hoá phì đại khớp thường có ở lứa tuổi 60 trở lên… Dấu hiệu của bệnh lý thoát vị đĩa đệm cũng gần giống như dấu hiệu của một số loại bệnh lý thoái hoá cột sống khác, bao gồm đau và các triệu chứng thần kinh khác.
 
 

Lời khuyên cho dân văn phòng

– Không ngồi lâu quá. Thường mỗi 45 phút là phải đứng dậy, đi lại.

 
– Không ngồi gập người. Ngồi sao cho góc hợp bởi thân mình và đùi chỉ có thể là góc vuông hoặc góc tù, không để nó thành góc nhọn.
– Không cúi cổ nhiều, màn hình vi tính cần để cao ngang mặt.
– Không hút thuốc lá, không uống bia rượu.
– Thường xuyên ra ngoài, nơi không khí trong lành và thoáng

 

Nếu thoát vị ở thắt lưng, đau thần kinh toạ thì sẽ đau từ thắt lưng lan xuống mông, xuống chân. Nếu là thoát vị đĩa đệm ở cổ, người bệnh sẽ cảm thấy đau cổ, vai hoặc đau xuống cánh tay. Tê là một dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm, tê vai, tay lan xuống bàn tay, ngón tay, hoặc tê mông lan xuống đùi, cẳng chân, bàn chân và ngón chân. Thoát vị đĩa đệm cũng có thể gây ra yếu chân, đi hay bị vấp, bị rớt dép, hoặc cầm nắm khó khăn, viết chữ không rõ, cài nút áo, cầm đũa khó khăn… Teo cơ, rối loạn tiêu tiểu là những dấu hiệu nặng.

Điều trị thế nào ?
Theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, thoái hóa cột sống gây cho chúng ta nhiều loại bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, thoái hoá dây chằng và mấu khớp, thoái hóa dạng chồi xương thân đốt sống, hẹp ống sống, mất vững cột sống, vẹo cột sống do thoái hoá.. Hầu hết các bệnh lý này đều có thể làm cho người bệnh bị liệt.
Hiện nay, hầu hết các phương pháp điều trị các bệnh lý thoái hoá cột sống được áp dụng trên thế giới đều đã được áp dụng tại VN. Các phương pháp tây y không mổ như dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, vật lý trị liệu, dùng laser hay sóng radio cao tần… có nhiều ở các thành phố lớn. Các phương pháp mang “hơi hướng” đông y như xoa bóp, châm cứu, đốt, cứu, chích lễ, giác… được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là ở các miền quê. Ngay cả những phương pháp “tâm linh” như cúng bái, trục ma, trừ tà, bắt quỷ thì VN chúng ta cũng… không thua thế giới.
Những phương pháp khoa học đều có thể làm hết bệnh, tuy nhiên, do khả năng tái phát hoặc tái nhiễm bệnh khá cao nên người ta tưởng là nó không thể khỏi hoàn toàn. Bên cạnh việc điều trị với bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp để cải thiện sức khoẻ. Theo bác sĩ Vũ Xuân Sơn, bệnh nhân thoái hoá cột sống nên tăng cường vận động, thể dục thể thao đều đặn, không nên kiêng cữ vận động như người ta thường nghĩ. Lưu ý là những khi đau nhiều thì phải hạn chế vận động nhưng ngay sau khi đỡ đau là phải vận động. Trong sinh hoạt và làm việc, cần chú ý thực hiện các tư thế đúng.
Để tránh bị thoái hoá cột sống trước tuổi, cần tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tránh ô nhiễm. Cụ thể là cần ăn sạch, uống sạch, tránh bị ngộ độc thực phẩm, tránh đưa vào người dư lượng thuốc trừ sâu, hạn chế dùng các chất kích thích có thể gây ngộ độc tế bào… sẽ có ích cho việc ngăn ngừa thoái hoá cột sống.

Cẩm Nhung