10/01/2025

Thuốc hàm lượng bất thường, trúng thầu giá cao

23 hoạt chất với gần 40 loại tân dược có hàm lượng, dạng phối hợp hay công thức “không bình thường” vừa bị Bảo hiểm xã hội VN đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán (trước đó cơ quan này có văn bản đơn phương tạm dừng thanh toán từ tháng 3-2015).

 CHUYỆN LẠ TRONG LÀNG Y DƯỢC

Thuốc hàm lượng bất thường, trúng thầu giá cao

 

 23 hoạt chất với gần 40 loại tân dược có hàm lượng, dạng phối hợp hay công thức “không bình thường” vừa bị Bảo hiểm xã hội VN đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán (trước đó cơ quan này có văn bản đơn phương tạm dừng thanh toán từ tháng 3-2015). 


 

Theo ông Nguyễn Minh Thảo – phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, mức giá thông thường các thuốc có hàm lượng, công thức không bình thường này cao hơn so với sản phẩm bình thường ít nhất 50%, cá biệt có sản phẩm cao gấp 2 – 3 lần mà vẫn sản phẩm ấy, nhà sản xuất ấy, công nghệ bào chế ấy, khác chăng chỉ là về cách đóng gói, hàm lượng và đặc biệt là khác về giá.

Luật dược không cấm những thuốc hàm lượng hay quy cách đóng gói không thông dụng, nhưng nhà quản lý phải rất nhạy cảm. Hàm lượng hơn một chút, không có ích lợi gì hơn trong điều trị mà giá gấp ba thì có hợp lý hay không, chưa kể những phiền toái với bác sĩ điều trị

PGS.TS Lê Văn Truyền (chuyên gia cao cấp về 
dược học)

Giá cao gấp nhiều lần

Thông tin từ BHXH VN cho thấy đa số trong số 40 thuốc bị tạm dừng thanh toán là sản phẩm của các công ty dược VN, số còn lại có một sản phẩm của Bulgaria, hai của Hàn Quốc, một của Ấn Độ và một của Trung Quốc.

 

So với thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, giá các thuốc không thông dụng này đều cao hơn, trong khi sản phẩm khác biệt hẳn về giá có khi cùng nhà sản xuất, nước sản xuất, hoặc thậm chí sản phẩm lạ giá cao hơn hẳn so với thuốc xuất xứ từ châu Âu – nơi có trình độ bào chế dược phẩm cao.

Ví dụ như kháng sinh Piracetam lọ 2g/10ml thì sản phẩm thông thường chỉ 6.700 đồng/lọ, nhưng sản phẩm không thông dụng 4g/10 ml giá lên tới 26.000 đồng, tức hàm lượng gấp đôi giá gấp gần 4 lần.

Có nhiều điểm có thể làm “lạ” cho sản phẩm trong danh mục thuốc không thông dụng này như về hàm lượng, nồng độ hoặc về quy cách đóng gói, nhưng điểm chung là giá đều cao bất hợp lý so với sản phẩm có hàm lượng, nồng độ thông dụng.

Chẳng hạn, dạng phối hợp Ampicilin + Sulbactam hàm lượng thông dụng là 1.000mg + 500mg, giá chỉ gần 16.500 đồng/hộp 1 lọ bột pha tiêm, nhưng khi đổi hàm lượng sang 1.200mg + 600mg, cũng hoạt chất này, dạng phối hợp này, cùng nhà sản xuất này mà giá lên tới gần 
55.000 đồng/hộp!

PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, cho rằng chưa nói đến chất lượng, việc xuất hiện các thuốc có hàm lượng bất thường đã tạo một cơ chế khác thường trong đấu thầu. “Không thể tự nhiên đặt ra những hàm lượng khác thường vì hàm lượng bao giờ cũng phải là ước số của liều, ví dụ ngày uống 2 viên 250mg, nhưng hàm lượng là 275mg thì chia liều như thế nào?” – ông Truyền nói.

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ hoạ: Tấn Đạt

Chưa chứng minh được ưu thế

Trao đổi về sự có mặt của các sản phẩm hàm lượng khác biệt trong danh mục thuốc trúng thầu của nhiều tỉnh thành, đại diện một công ty dược VN rất bức xúc. Theo vị này, với hàm lượng khác biệt, một mình nhà cung cấp đó có chắc chắn sẽ có lợi thế trong khi tham gia đấu thầu.

“Chiếu theo Dược điển và Dược thư quốc gia thì không thấy những hàm lượng khác thường này. Tuy Luật dược không cấm các nhà sản xuất cung ứng các hàm lượng, quy cách đóng gói thuốc mới, nhưng các thuốc hàm lượng khác sẽ khó chia liều hơn trong điều trị, trong khi giá thành lại cao hơn rất nhiều so với sản phẩm thông thường, thế giới nghiên cứu sử dụng từ lâu.

BHXH VN đã nhắc từ năm 2013 về việc cân nhắc chấm thầu và sử dụng thuốc hàm lượng không thông dụng, nhưng năm 2014 vẫn nhiều thuốc lạ trúng thầu số lượng lớn” – vị đại diện này cho biết.

Một chuyên gia về điều trị tim mạch cũng cho rằng thuốc có hàm lượng bất thường khiến ông thấy khó chia liều, khó theo dõi.

“Thế giới nghiên cứu rất nhiều để có liều tối ưu cho bệnh nhân. Nếu thuốc có hàm lượng bất thường mà liều là 1/4 viên hay 3/8 viên thì bệnh nhân bẻ thuốc thế nào? Đôi khi việc bẻ không đúng còn gây lãng phí vì phần còn lại không đủ cho hôm sau” – chuyên 
gia này cho biết.

Ông Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh với thuốc hàm lượng, quy cách đóng gói khác thường và giá cao đã trúng thầu, được sử dụng tại bệnh viện, cơ quan bảo hiểm sẽ thương thảo lại để có mức giá phù hợp hơn. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu chuyện thuốc hàm lượng không thông dụng giá cao gây bức xúc được phát hiện.

Vậy tại sao bệnh viện và các hội đồng thầu vẫn chấm cho thuốc có hàm lượng không thông dụng trúng thầu ở các mức giá rất bất hợp lý so với sản phẩm thông dụng?

Có ý kiến cho rằng một số quy cách đóng gói mới, giá cao hơn là hợp lý vì cách đóng gói mới giúp thuốc có thể chịu đựng nhiệt độ 28 – 350C trong thời gian dài, thông thường yêu cầu bảo quản ở 8 – 120C, song đa số sản phẩm lạ không chứng minh được ưu thế vượt trội mà vẫn được chấp nhận mua với 
giá cao hơn nhiều.

Đấu thầu thuốc vào bệnh viện là mê hồn trận vốn luôn có những khía cạnh “tế nhị”, nhưng nhiều bệnh viện mua thuốc đắt trong khi thị trường la liệt sản phẩm tương tự giá hợp lý. Nhà quản lý có tinh không khi để những sản phẩm như thế lưu hành?

Thuốc không thông dụng 
có nguy hiểm?

Cuối năm 2014, Cục Quản lý dược có quyết định tạm dừng mua bán, sử dụng trên toàn quốc với thuốc Mezicef 1,5, số đăng ký VD-16115-11, do trong tám tháng đầu năm 2014 Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng phụ của thuốc nhận được tới 33 báo cáo về phản ứng của thuốc này gây nguy hiểm cho bệnh nhân, từ 17 cơ sở khám chữa bệnh liên quan tới 18 lô thuốc khác nhau.

Đây cũng là sản phẩm xuất hiện trong danh sách gần 40 thuốc có hàm lượng không thông dụng đã trúng thầu vào bệnh viện của BHXH VN, thuốc này giá cao gấp 4,5 lần dù hàm lượng chỉ cao gấp rưỡi sản phẩm thông dụng.

Theo thống kê, có 14/31 người sử dụng thuốc gặp phản ứng ở mức nghiêm trọng như phải vào viện, kéo dài thời gian điều trị, sốc phản vệ, phản ứng đe doạ tính mạng và thậm chí một người đã tử vong.

L.ANH

TP.HCM “gác cửa” chặt

Theo BHXH TP.HCM, thời gian qua khi được tham gia việc thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc, xây dựng hồ sơ mời thầu, xét thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cùng với Sở Y tế TP.HCM, BHXH TP đã phát hiện một số bệnh viện khi xây dựng kế hoạch mua thuốc đã gửi lên trung tâm mua sắm đề nghị mua một số loại thuốc có ba dạng khác lạ: hàm lượng bất thường, dạng trình bày “lạ” và phối hợp thuốc “lạ”.

Những thuốc có các kiểu “lạ” này luôn có giá cao bất thường. Tuy nhiên về mặt pháp lý, các thuốc này đều có số đăng ký do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp.

BHXH TP cho biết mục tiêu của việc đưa các thuốc có hàm lượng “lạ”, dạng trình bày “lạ” và phối hợp “lạ” đi đấu thầu để thuốc của một công ty nào đó được “một mình một chợ”, không có “đối thủ” cạnh tranh nên dễ trúng thầu và giá trúng thường rất cao.

BHXH TP từng phát hiện loại thuốc kháng sinh dạng tiêm của công ty đi đấu thầu có hàm lượng “lạ” là 1,5g và giá bán lên tới 60.000 đồng/lọ, trong khi cùng nhóm thuốc sản xuất và cùng hoạt chất này do công ty khác sản xuất với hàm lượng 1g chỉ có giá 28.000 đồng/lọ, còn 2g là 36.000 đồng.

Thời gian qua, BHXH TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế TP khi phát hiện những kiểu thuốc “lạ” này, hội đồng thẩm định thầu thống nhất loại ngay từ khâu xây dựng kế hoạch đấu thầu nên hạn chế được thuốc có hàm lượng “lạ”, dạng trình bày “lạ”, dạng phối hợp “lạ” trúng thầu, hoặc yêu cầu công ty phải giảm giá thuốc.

LÊ THANH HÀ

Từ chối thanh toán nếu có biểu hiện lạm dụng

Ngày 16-6, BHXH VN có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố về việc thanh toán thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Nội dung cho biết ngày 21-5, lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH VN đã có cuộc họp xem xét, giải quyết vướng mắc trong thanh toán thuốc BHYT đối với các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có sự cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao.

Trong thời gian chờ đợi Bộ Y tế hướng dẫn, BHXH VN đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tạm thời thực hiện thanh toán chi phí thuốc BHYT theo nguyên tắc: BHXH các tỉnh tổ chức giám định chặt chẽ trên cơ sở đề xuất của hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện về các trường hợp cần chỉ định sử dụng các loại thuốc này để làm căn cứ thanh quyết toán.

Kiên quyết từ chối thanh toán chi phí các thuốc nêu trên nếu có biểu hiện lạm dụng trong chỉ định, sử dụng. Với các loại thuốc được các nhà thầu đề nghị giảm giá, BHXH tỉnh đề nghị sở y tế chỉ đạo bên mời thầu thương thảo, thống nhất mức giá thanh toán.

L.TH.H.

 

LAN ANH